Trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống phản cách mạng và tội phạm
khác, Hồ Chí Minh hết sức quan tâm xây dựng Công an nhân dân thành đội quân chủ
lực, lực lượng nòng cốt của cuộc đấu tranh. Kế thừa tư duy chính trị truyền
thống “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, bài học “khoan thư sức
dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”, đồng thời nhận thức
sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò quần chúng trong lịch sử
và trong cách mạng, Người đã đưa ra luận điểm độc đáo về bản chất Công an nhân
dân Việt Nam: “Công an của ta là Công an nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân
dân mà phục vụ, dựa vào nhân dân mà làm việc".
Về lý luận, công an nói chung đều là công cụ chuyên chính
của một nhà nước nhất định, bảo vệ lợi ích cho một nhà nước nhất định, cho nên
bản chất giai cấp của nhà nước sẽ quyết định bản chất giai cấp của lực lượng
công an. Nhà nước ta là nhà nước chuyên chính dân chủ nhân dân. “Là một
bộ phận của cả bộ máy Nhà nước nhân dân dân chủ chuyên chính tiến lên chủ nghĩa
xã hội, công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính với
những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân”[1].
Do vậy, Công an nhân dân Việt Nam mang bản chất giai cấp công
nhân. Bản chất giai cấp công nhân của công an Việt Nam thể hiện ở chỗ: Công an phải
“phục tùng sự lãnh đạo của Đảng từ trên xuống dưới”, "công tác công an
phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính
trị của Đảng thì khéo mấy cũng không hiệu quả”[2].
Công an phải thường trực chiến đấu, kiên quyết đấu tranh với tội phạm: “Công an
thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hoà bình lại càng
nhiều việc"[3].
Công an cần “phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”, tức là hãy “nghĩ đến lợi ích
chung, lợi ích toàn dân trước đã, phải chống chủ nghĩa cá nhân”[4].
Tuy nhiên, nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Công
an nhân dân thể hiện ở việc Người nhấn mạnh và luôn nhắc nhở về tính nhân dân
trong bản chất Công an Việt Nam. Trong so sánh về bản chất với các cơ quan cảnh
sát, công an các nước đế quốc, Người nói: "Công an nhân dân hoàn toàn khác
công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa
số nhân dân. Chắc các cô các chú cũng nhớ chúng nó là bọn đầu trâu mặt ngựa.
Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính
sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự
phục vụ nhân dân"[5].
Công an nhân dân phải vì dân, phục vụ dân bởi bản chất nhà
nước ta là nhà nước dân chủ nhân dân. Người nói: "Các cơ quan của Chính
phủ, từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của nhân dân". “Chính
quyền của chúng ta là chuyên chính dân chủ nhân dân. Đây là nhân dân chuyên
chính để đàn áp bọn thực dân xâm lược và bọn tay sai chống lại chính quyền ấy.
Vì quyền lợi chung của đa số nhân dân mà chúng ta chuyên chính với thiểu số bóc
lột. Chính quyền của bọn tư bản thì là chính quyền chuyên chính của một thiểu
số chống lại đa số. Chính quyền nhân dân có hai lực lượng để bảo vệ nó: đó là
quân đội và công an. Làm công tác chính quyền, ở công an hay ở quân đội, đều là
làm đày tớ cho nhân dân cả, vì chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do
người dân làm chủ. Làm công an không phải làm "quan cách mạng". Làm
công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản
động làm hại nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không
làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”[6].
Để phục vụ dân, công an phải dựa
vào dân. Trong 12 điều răn cán bộ, Hồ Chí Minh đã khái quát bằng mấy câu thơ:
"Quân tốt, dân tốt, Muôn sự đều nên, Gốc có vững, cây mới bền, Xây lầu
thắng lợi trên nền nhân dân"[7].
Hồ Chí Minh là người đầu tiên khẳng định nhân dân lao động là lực lượng quyết
định sự nghiệp đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác nhằm bảo vệ an
ninh chính trị và giữ gìn trật tự xã hội ở nước ta, nhân dân là nguồn gốc tạo
thành sức mạnh vô địch của công an. Người khẳng định: “Phải nhớ rằng dân
là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”[8]. "Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều,
giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn
toàn"[9].
Tại Trường Công an trung cấp khoá 2 (1-1951), Người căn dặn : "Công an có bao nhiêu người? Dù có vài
ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực
lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải
làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới
được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân"[10].
Theo Người, nhân dân có hàng triệu tai
mắt thì kẻ địch khó mà che dấu được.
Đường lối quần chúng của Đảng ta là
hết lòng hết sức phục vụ quần chúng, liên hệ mật thiết với quần chúng. Hồ Chí
Minh đã nhiều lần khẳng định công tác công an phải đi theo đường lối quần
chúng. Người dạy: "Phải đi đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu,
giúp Công an và Công an mới thành công được. Các chú phải thấu suốt chính sách
của Đảng và đi đường lối quần chúng", "ta được lòng dân thì ta không
sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác". Để
cho chúng ta nhận thức thật rõ vấn đề đó, Người còn phân tích mối quan hệ giữa
biện pháp kỹ thuật (biện pháp nghiệp vụ công an – TG) với biện pháp quần chúng.
Người nói: "Vấn đề kỹ thuật trong công tác công an cũng cần, nhưng vấn đề
quan trọng nhất là giáo dục, tuyên truyền cho dân, để quản lý tốt tai, mắt,
miệng của dân, làm thế nào dân giúp công an để phát hiện địch và giấu địch
những điều của ta. Nói cho địch là phải nói dối, nói cho ta thì nói thật. Mắt
để phát hiện địch. Tai cũng vậy. Tổ chức tốt quần chúng để giấu không cho địch
biết và bảo vệ ta. Cho nên, cần có kỹ thuật nhưng chủ yếu phải dựa vào
dân"[11].
Hồ Chí Minh giáo dục công an về
hình thức, phương pháp vận động quần chúng trong cuộc dấu tranh bảo vệ an ninh
chính trị và trật tự an toàn xã hội. Người nói: "Phải dựa vào các đoàn thể
mà tổ chức và giáo dục nhân dân trong công việc phòng gian, để nhân dân thiết
thực giúp đỡ Công an… Phải thực sự giúp đỡ dân trong công việc chứ không phải
là lối ngoại giao qua loa"[12].
"Phải gần gũi với nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân
dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được", "Ta quan tâm đến đời
sống quần chúng thì quần chúng sẽ làm theo ta". Bác Hồ đã nghiêm khắc phê
phán thái độ tự kiêu, tự đại, xa rời quần chúng, không chịu điều tra nghiên
cứu, thiếu ý thức toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng phục vụ nhân dân. Đó là những
tác phong hoàn toàn xa lạ với bản chất Công an nhân dân. "Công tác phải đi
sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu,
tự đại. Phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân thì khuyết điểm mới có thể khắc
phục được và ưu điểm mới có thể phát huy được”[13],
" Phải triệt để sửa đổi tác phong mệnh
lệnh, quan liêu, hống hách; phải gây quan hệ thật tốt giữa công an và nhân
dân"[14].
Theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, bản
chất Công an nhân dân còn phải biểu hiện ở thái độ của Công an đối với nhân
dân: "Phải hoan nghênh nhân dân phê bình công an", để đi đến
"hiểu Công an, yêu công an, và giúp đỡ Công an". "Phải khuyến
khích cho dân phê bình Công an. Trong mười lần phê bình cũng có lần đúng, có
lần không đúng. Đúng thì nhận, không đúng thì giải thích", "Phải kính
trọng, lễ phép đối với nhân dân" "Phải làm gương mẫu trong mọi việc,
tuỳ hoàn cảnh của mình mà gần gũi, giúp đỡ nhân dân, gương mẫu trong lời nói,
việc làm, thái độ…”[15]
Nghiên cứu tư tưởng cơ bản của Bác
Hồ về bản chất nhân dân của Công an ta có thể rút ra kết luận: Nhân dân là mục
đích, là trách nhiệm cao nhất của Công an nhân dân: nhân dân vừa là lực lượng
quyết định trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, vừa là nguồn gốc
sức mạnh vô địch, là động lực phát triển Công an nhân dân về mọi mặt: dựa vào
quần chúng, liên hệ chặt chẽ với quần chúng vừa là đường lối công tác, là biện
pháp rất cơ bản, vừa là phương pháp, tác phong, thái độ, lại vừa là nhân cách,
là lẽ sống, là phẩm chất cao quý của Công an nhân dân. Bản chất nhân dân của
Công an đã được Bác Hổ khái quát rất cô đọng và sâu sắc: Công an của ta là của
dân, vì dân và dựa vào dân.
Để quán triệt tư tưởng Công an nhân dân của Hồ
Chí Minh trong tình hình mới, chúng ta phải tích cực, nghiêm chỉnh thực hiện
các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác đấu tranh
bảo đảm an ninh, trật tự ra sức hoàn thành tốt cuộc vận động xây dựng lực lượng
Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào Bảo vệ an ninh Tổ
quốc. Chúng ta phải đặt vấn đề giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng
đi đôi với bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ
một cách thường xuyên, kiên quyết và triệt để hơn nữa, qua phong trào “Học tập
và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”, học tập, thấm nhuần và thực hiện 6
điều Bác dạy. Đi đôi với giáo dục, xây dựng, biểu dương, phải có phê bình và kỷ
luật nghiêm minh. Song, không thể chỉ dừng lại ở giáo dục nâng cao nhận thức,
tư tưởng mà vấn đề quan trọng hơn là tổ chức công tác, tổ chức bộ máy, tổ chức
lề lối làm việc, xây dựng một hệ thống điều lệnh, điều lệ, quy định thật chặt
chẽ, khoa học mới có thể biến nhận thức thành hành động cụ thể, mới có thể kiểm
soát, khống chế và làm giảm hẳn được những hành động sai trái với bản chất nhân
dân, bản chất giai cấp của Công an nhân dân để ngày càng củng cố lòng tin yêu
của quần chúng nhân dân đối với Công an nhân dân chúng ta.
NGUYỄN CAO SƠN
Nguồn: Nguyễn Cao Sơn - Nguyễn Việt Hùng (đồng chủ biên): Vận dụng một số nội dụng khoa học chính trị trong công tác công an, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2016.
[1]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, t.11, tr.427.
[2]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.140.
[3]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.258.
[4]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.248.
[5]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.269.
[6]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.269.
[7]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.502.
[8]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.116.
[9]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.270.
[10]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.270.
[11]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.140.
[12]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.270.
[13]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.599.
[14]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.169.
[15]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.270.
0 Nhận xét