1. Lễ hội
truyền thống Việt Nam
và một số biểu hiện sai lệch trong lễ hội thời gian gần đây
Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa chung, có tổ chức của
cộng đồng, thường được tổ chức vào dịp xuân
thu nhị kỳ, trùng với thời điểm nông nhàn của người nông dân. Lễ hội bao
giờ cũng bao gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ là nghi thức thờ cúng
mang màu sắc tôn giáo, tâm linh, các lễ vật và quy trình tế lễ gắn liền với đặc
thù của đối tượng thờ cúng. Phần hội mang tính giải trí, làm sống lại các
truyền thống sinh hoạt và vui chơi đã từng ăn sâu vào lối sống của cộng đồng ở
từng địa phương. Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Việt Nam
hiện nay có 7699 lễ hội, trong đó có 7039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử,
544 lễ hội tôn giáo,10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, còn lại là các lễ hội
khác. Với số lượng lễ hội như trên, có thể thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có
số lượng lễ hội lớn nhất thế giới.
Đặc biệt từ khi quan điểm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của
Đảng (Nghị quyết Hội nghị ban chấp hành Trung ương lần thứ 5, khóa VIII, năm
1998) được đưa vào cuộc sống thì các hoạt động lễ hội càng trở nên rầm rộ.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc tổ chức,
quản lý lễ hội truyền thống hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế, làm biến dạng
nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của các lễ hội truyền thống như:
Thứ
nhất, việc kịch bản hóa lễ hội theo ý
tưởng của các nhà tổ chức, quản lý làm cho các lễ hội trở nên na ná nhau.
Nếu như phần lễ, phần nghi thức được thực hành có sự giống nhau trong các lễ
hội (vì theo quy định, điển lệ của các triều đình phong kiến) thì phần hội là
phần khác nhau giữa các lễ hội. Phần hội là sự khác biệt, đặc sắc riêng và trở
thành sức sống của mỗi lễ hội trong hàng ngàn lễ hội được tổ chức trên cả nước.
Trong phần hội, các trò chơi, trò diễn thể hiện nét độc đáo của từng lễ hội.
Cùng một trò chơi, loại hình giải trí nhưng ở các lễ hội thì thể thức, nghi
thức, mục đích, ý nghĩa tổ chức khác nhau. Nhưng hiện nay, ở nhiều lễ hội, do
có cùng kịch bản nên các lễ hội giống nhau về trình tự tổ chức (phần lễ trước,
phần hội sau), các trò chơi (số lượng trò chơi, trình tự - thể thức, giải
thưởng),… Chính việc kịch bản hóa và hành chính hóa lễ hội đang làm mất dần đi
sự độc đáo, bản sắc của từng lễ hội và tính đa dạng, phong phú của kho tàng lễ
hội truyền thống Việt Nam .
Thứ hai, lễ hội truyền thống Việt Nam đang bị
thương mại hóa. Chủ trương, chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa, lễ
hội của Đảng và Nhà nước là đúng đắn nhằm huy động sức mạnh cả về vật chất lẫn
tinh thần của nhân dân vào việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa, lễ hội. Tuy
nhiên việc xã hội hóa tổ chức lễ hội bằng cách huy động sự ủng hộ, tài trợ của
các doanh nghiệp cũng có mặt trái là nó đang làm thương mại hóa các hoạt động
lễ hội truyền thống của Việt Nam .
Xu hướng hiện nay thể hiện ở sự kết hợp giữa tổ chức lễ hội với các hội chợ
giới thiệu hàng hóa sản phẩm. Việc trưng bày các sản phẩm hàng hóa, băng rôn
quảng cáo treo dán tràn lan đã làm mất đi không gian linh thiêng của nhiều lễ
hội, mặt bằng tổ chức lễ hội bị thu hẹp để nhường chỗ cho các gian hàng; bên
ngoài, thậm chí ở nhiều nơi, ngay cả bên trong không gian các di tích lịch sử -
văn hóa, vào mùa lễ hội mọc tràn lan hàng quán phục vụ dịch vụ ăn uống, nhà
nghỉ, trông giữ xe, bán hàng lưu niệm,… tạo nên cảnh nhốn nháo chào mời, chèo
kéo, “chặt chém”, tranh giành khách,…
Thậm chí ở một số lễ hội, như lễ hội chùa Hương, dọc đường lên chùa là hàng
loạt cửa hàng bày bán đặc sản thịt thú rừng, ngược lại hoàn toàn với triết lý
hướng thiện, bảo vệ môi trường và giáo lý, giáo luật của đạo Phật. Hay như lễ
hội bà chúa kho ở Bắc Ninh, sin sít dọc hai bên đường lên là các sạp hàng bán
vàng mã, hương nhang, diêm nến,… nguy cơ gây cháy nổ hỏa hoạn rất lớn. Đặc biệt
ở hầu hết các điểm lễ hội lớn, dịch vụ đổi tiền lẻ rất phổ biến, công khai, chủ
yếu là các loại tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và
5.000 đồng.
Thứ ba, sự xuất hiện dày đặc của hệ thống hòm công
đức tại các địa điểm tổ chức lễ hội và
thói quen đặt tiền ở các địa điểm thờ tự – mặc cả với thần linh. Tất cả các
điểm di tích lịch sử, văn hóa tâm linh đều có một hòm công đức. Đây là một biểu
hiện đẹp của ý thức góp sức sửa chữa, trùng tu các công trình, thêm tiền hương hoa
cho di tích. Tuy nhiên hiện nay, do người dân hiểu sai ý nghĩa của việc bỏ tiền
công đức nên xảy ra hiện tượng người dân đặt tiền tràn lan, tại tất cả những
nơi có thể đặt được như hòm công đức, ban thờ, ngai thờ, tượng phật, lư hương,
gốc cây, giếng nước,… Một cảnh tượng không đẹp, cho thấy rõ tâm lý mặc cả, ngã giá với thần linh của người
tham gia lễ hội. Bên cạnh đó, ở nhiều di tích, ban quản lý cũng cho đặt nhiều
hòm công đức ở các gian thờ tự, tạo nên khung cảnh không đẹp tại những nơi
trang nghiêm, thanh tịnh.
Thứ
tư, các hiện tượng cờ gian bạc lận
hoành hành dưới nhiều hình thức. Hội hè là dịp để người dân có thể vui
chơi, giải trí sau những ngày lao động mệt mỏi, chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới. Để
đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí chính đáng đó, từ xa xưa, cha ông ta đã đưa
nhiều trò chơi dân gian vào lễ hội như chọi gà, tổ tôm, cờ tướng, cờ người,…
những người tham gia chỉ bỏ một khoản tiền nhỏ, thường là vài đồng tiền lẻ để
chơi cho vui, chơi cầu may. Tuy nhiên, hiện nay, các trò chơi giải trí xưa đã
bị biến tướng thành những trò chơi có tính chất cá cược, cờ bạc. Bên cạnh đó,
cờ bạc trá hình cũng xuất hiện ngày càng phổ biến tại các lễ hội dưới nhiều
hình thức khác nhau như: trò chơi trúng thưởng, thách đấu, đặt cược, nhà cái,…
Những tay cờ bạc chuyên nghiệp lợi dụng lễ hội để tổ chức tụ tập những người có
máu đỏ đen sát phạt nhau ngay tại không gian của lễ hội. Không chỉ tụ tập, thu
hút được những người có máu đỏ đen, ham mê cờ bạc mà các hình thức cờ bạc trá
hình này còn thu hút một lượng không nhỏ các em học sinh cấp một, cấp hai. Điều
đó làm cho tình hình an ninh trật tự ở các điểm diễn ra lễ hội không được đảm
bảo.
Thứ năm, các hoạt động mê tín dị đoan, hiện tượng
buôn thần bán thánh trở nên phổ biến. Hầu hết các lễ hội ở Việt Nam
đều mang đậm tính chất tâm linh. Nói cách khác, tính chất tôn giáo, tín ngưỡng,
tâm linh làm nên tính thiêng của lễ hội. Do đó, đi lễ hội để được thỏa mãn nhu
cầu tâm linh là một trong những mục đích chính của người tham gia lễ hội. Đảng
và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân nhưng
nghiêm cấm các hiện tượng mê tín dị đoan. Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều lễ hội
truyền thống các yếu tố mê tín dị đoan vẫn tồn tại, thậm chí còn trở thành một
hiện tượng phổ biến như bói toán, xem chỉ tay, xem tướng, cầu cúng – khấn thuê,
lên đồng, xóc quẻ,… Tính chất linh thiêng của các lễ hội và các vị thần thánh
bị đánh đổi bằng không khí nhốn nháo, trần tục của những kẻ buôn thần bán thánh, lợi dụng lòng tin
mù quáng của một bộ phân người dân để trục lợi cho bản thân.
Thứ sáu, nhiều lễ nghi, trò chơi có ý nghĩa tâm linh
thiêng liêng đã bị hiểu lầm, tầm thường hóa bởi một bộ phận không nhỏ người
tham gia như: đốt tiền vàng, hương nhang bừa bãi; đặt tiền công đức vô tội vạ;
chọi gà mang ý nghĩa cầu mưa, cầu nắng bị thế tục hóa, cờ bạc hóa bằng các trò
cá cược; tục cướp giò tre trong hội
Gióng nhằm thể hiện sự dũng cảm, tinh nhanh và đoàn kết của thanh niên trai
tráng, giờ đã bị bạo lực hóa bởi những trò rượt đuổi, phang, đập gậy gộc vào
nhau; phát ấn đền Trần mang ý nghĩa khuyến khích tinh thần học hành, cầu toàn
cầu thị trên con đường công danh, sự nghiệp nay bị biến thành trò cướp ấn với cảnh tượng chen lấn, xô đẩy,
giẫm đạp lên nhau, trèo tường, trèo cây, thậm chí trèo lên cả mái đền trước giờ
phát ấn,…
Thứ bảy, trong thời gian gần đây, hiện tượng lễ hội
bị nhiều loại đối tượng lợi dụng để kiếm ăn, hành nghề đã trở nên phổ biến.
Hiện tượng người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật đi theo xin tiền du khách;
người bán hàng rong mời chào, chèo kéo khách;… làm cho khung cảnh của các lễ
hội trở nên lếch thếch, dễ dấn đến những hiểu lầm trong việc Nhà nước ta thực
hiện chính sách an sinh xã hội đối với các đối tượng đặc biệt (người già, người
tàn tật, trẻ em). Và đặc biệt, mùa lễ hội đang trở thành mùa làm ăn của các đối tượng trộm cắp. Lợi dụng dòng người tham gia
lễ hội đông đúc, thậm chí chen lấn nhau, các đối tượng trộm cắp thường tổ chức
thành từng nhóm nhỏ có từ ba đến năm tên, quan sát, tìm kiếm và áp sát những du
khách sơ hở trong việc bảo quản tư trang (điện thoại, ví tiền, đồng hồ, dây
chuyền, máy ảnh, máy quay phim,…) rồi móc, giật, chuyền tay nhau đồ để tẩu tán.
Hiện tượng này đang trở thành vấn nạn đối với các nhà quản lý văn hóa – lễ hội
vì một mặt nó làm cho tình hình an ninh trật tự tại địa bàn diễn biến phức tạp,
mặt khác ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của du khách, đặc biệt là du khách nước
ngoài.
Tất cả những biểu hiện trên đã làm mất đi vẻ đẹp và
giá trị đích thực, giàu tính giáo dục và nhân văn của các lễ hội truyền thống.
2. Nhận diện
nguyên nhân của những biểu hiện sai lệch trong lễ hội thời gian gần đây
2.1. Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất,
nguyên nhân kinh tế: mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động không
nhỏ đến mọi mặt của đời sống văn hóa – xã hội của con người. Thói quen mặc cả,
ngã giá trong buôn bán, sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường, tiền là thước
đo của nhiều giá trị, lối sống thực dụng, bạo lực,… trong đời sống kinh tế và
đời sống sinh hoạt thường ngày đã được người dân chuyển tải, thực hành trong
đời sống văn hóa tâm linh nói chung và các lễ hội truyền thống nói riêng.
Thứ hai, nguyên
nhân văn hóa - xã hội: bản thân các lễ hội truyền thống bao gồm cả các yếu
tố tích cực và yếu tố tiêu cực, lạc hậu, cổ hủ. Trải qua những biến đổi cùng
lịch sử - xã hội, những yếu tố tiêu cực, lạc hậu, cổ hủ vẫn còn rơi rớt lại,
chưa bị xóa bỏ hoàn toàn. Và trong bối cảnh xã hội mới, các yếu tố tiêu cực lại
trỗi dậy, thậm chí trỗi dậy mạnh mẽ hơn trước, đặc biệt là yếu tố mê tín dị
đoan và cờ bạc trá hình. Lễ hội là nơi tập trung đông người, do đó, việc thực
hành các nghi thức hay tham gia lễ hội của người dân chịu ảnh hưởng rất lớn bởi
tâm lý đám đông, a dua, bắt chước.
Thứ ba, nguyên
nhân nhận thức: do trình độ nhận thức của con người còn nhiều hạn chế, tri
thức về tự nhiên xã hội chưa đi đến tuyệt đối, còn nhiều sự việc hiện tượng vẫn
chưa được giải thích khoa học. Do vậy mà một bộ phận không nhỏ vẫn cần bám lấy
một thế lực siêu nhiên, tâm linh để giải tỏa nhu cầu hiểu biết về tự nhiên và
xã hội. Tuy nhiên niềm tin tôn giáo tín ngưỡng rất dễ bị biến tướng thành các
yếu tố mê tín dị đoan, đặc biệt là với sự trục lợi của các đối tượng “buôn thần bán thánh”, lợi dụng niềm tin
mù quáng của người dân. Bên cạnh đó, do trình độ nhận thức, tiếp cận với các
nguồn thông tin của người dân còn nhiều hạn chế, nên những hiểu biết của người
dân về đặc điểm, tính chất của lễ hội truyền thống không đồng đều, trong đó
phần lớn rất mơ hồ.
2.2. Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, lực
lượng Công an chuyên trách văn hóa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đặc
biệt là đội ngũ cán bộ Công an chuyên trách ở cơ sở (xã, phường). Hiện nay, ở
hầu hết các xã, phường chỉ có từ một đến hai cán bộ Công an phụ trách chưa được
đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng hay trung cấp văn hóa chính quy. Hơn nữa, đầu việc tại địa
phương rất lớn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công việc nói chung
và hiệu quả của việc tổ chức các lễ hội truyền thống nói riêng tại các địa
phương. Cấp huyện, thị xã cũng tương tự như cấp xã, phường. Cấp tỉnh, đội ngũ
cán bộ có đông đảo hơn, được đào tạo tại các trường chính quy nhưng không phụ
trách chuyên môn tại cấp cơ sở. Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống có quy mô
từ tỉnh trở lên lại không nhiều. Do đó, để phát huy năng lực của đội ngũ này
rất khó. Đội ngũ cán bộ Công an và văn hóa chuyên trách về văn hóa cơ sở là
những người trực tiếp tham mưu, hướng dẫn cho nhân dân, địa phương tham gia và
trực tiếp tổ chức, quản lý các sinh hoạt văn hóa cộng đồng nói chung và lễ hội
truyền thống nói riêng nhưng vừa thiếu về số lượng vừa yếu về năng lực chuyên
môn, trình độ quản lý nên dẫn đến những hạn chế, thiếu sót trong tổ chức, quản
lý lễ hội thời gian qua là hệ quả tất yếu.
Thứ
hai, các cơ quan hữu quan thiếu sự phối hợp. Tổ chức và quản lý lễ hội
truyền thống không phải là công việc của riêng cơ quan văn hóa mà là công việc
chung của nhiều đơn vị, ban ngành khác nhau của địa phương. Trong đó vai trò
của lực lượng Công an rất quan trọng, thể hiện ở chức năng tham mưu cho các cấp
chính quyền, cơ quan chức năng về công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Đồng thời
lực lượng Công an là lực lượng trực tiếp lập và thực hiện kế hoạch bảo vệ an
ninh trật tự xã hội, an ninh văn hóa tư tưởng trong các lễ hội, đặc biệt là các
lễ hội có tính chất liên vùng. Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, khi tổ
chức lễ hội truyền thống, thành lập một ban tổ chức riêng, có sự góp mặt của
tất cả ban, ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, lại không có sự phân công rõ ràng về
chức năng, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, từng ban, ngành, dẫn đến sự
chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Do đó, việc phối kết hợp giữa các đơn vị rất
khó khăn và hiện tượng không sâu sát, buông lỏng trong tổ chức, quản lý lễ hội
là điều không tránh khỏi. Đây là lí do chính dẫn đến sự hoạt động chưa thực sự
hiệu quả của lực lượng Công an nhân dân.
3. Một số giải
pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác của lực lượng Công an trong tổ chức, quản
lí lễ hội truyền thống
Một là, ổn định
đời sống kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất
và tinh thần của nhân dân. Lễ hội là sản phẩm của ý thức con người, nó phản
ánh thực tại khách quan, trước hết là đời sống
kinh tế - xã hội. Vì thế, việc đầu tiên và quan trọng nhất phải làm là
tìm mọi cách để ổn định đời sống kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện và
nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Lực lượng Công an nhân
dân phải là lực lượng đi đầu trong công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng
nhân dân, phổ biến các kiến thức phổ thông về khoa học – kỹ thuật, thể chế
chính trị của xã hội xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, chủ
trương, đường lối, chính sách của Đảng, các chuẩn mực đạo đức và luân lý, quan
điểm thẩm mỹ tiến bộ trong thưởng thức nghệ thuật và trong sinh hoạt đời
thường. Công tác tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng nhân dân phải được
chuyển tải thông qua các phương tiện truyền thống đại chúng theo cả hai hướng
là xây dựng, phổ biến các điển hình, gương sáng và chống các biểu hiện tiêu
cực, phản văn hóa trong xây dựng đời sống văn hóa mới nói chung và tổ chức lễ
hội. Trong công tác tuyên truyền đặc biệt chú ý đến vai trò, lời nói và tác
động của các nhà nghiên cứu khoa học, văn hóa, lịch sử, chức sắc tôn giáo,… có
uy tín qua các buổi trò chuyện, tọa đàm, các bài viết, tham luận về lễ hội trên
các phương tiện truyền thông đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình, báo
chí,.... được phát hành vào các khung giờ vàng, được nhiều người quan tâm.
Trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, lực lượng Công an cần
phối kết hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan ban ngành khác. Có như vậy
chúng ta mới phần nào nâng cao được trình độ dân trí, giáo dục nhân sinh quan
khoa học, mác xít của chủ nghĩa Mác – Lê nin, giúp người dân có thể nhận diện
được các yếu tố văn hóa tiến bộ hay phản văn hóa, phản thẩm mỹ để loại bỏ hay
tiếp nhận, tiếp nhận toàn bộ hay tiếp nhận một bộ phận.
Hai là, nâng
cao hơn nữa chất lượng hoạt động của lực lượng Công an phụ trách cơ sở. Đây
là giải pháp có tính chất thiết yếu nhất bởi lẽ lực lượng Công an phụ trách cơ
sở là những người có chức năng và nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn và tổ chức cho
quần chúng nhân dân tham gia có hiệu quả vào việc thực hiện các phong trào,
hoạt động văn hóa truyền thống cũng như hiện đại của địa phương, gắn liền với
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng Công an phụ trách cơ sở, cần
thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn (dài ngày hoặc ngắn ngày) tại các trường,
trung tâm bồi dưỡng cán bộ văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các
chuyên đề sâu về lễ hội, lễ hội truyền thống, tổ chức, quản lý lễ hội,… hoặc
các chương trình đi tham quan, thực tế, học tập tại các địa phương làm tốt công
tác tổ chức và quản lý văn hóa, lễ hội truyền thống. Hàng năm, sau mỗi kỳ lễ
hội phải có những buổi sơ kết, tổng kết tình hình để rút kinh nghiệm những gì
đã làm được, những gì chưa làm được, hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức lễ hội
để có biện pháp phát huy hơn nữa những kết quả đã làm được và sửa chữa, khắc
phục những hạn chế, khuyết điểm. Đội ngũ Công an, đặc biệt là cán bộ phụ trách
cơ sở phải luôn luôn quán triệt nguyên tắc Công tác tổ chức, quản lý lễ hội
phải đồng thời dựa trên các quy định, quy chế, hương ước của địa phương (Các
quy định, quy chế, hương ước này phải hướng đến việc loại bỏ các hành vi phản
văn hóa và hướng tới tạo dựng những hành vi văn hóa, văn minh, lịch sự của
người tham gia thành thói quen, mỹ tục trong đời sống văn hóa) với chủ trương,
chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ba là, nâng cao
hiệu quả phối kết hợp giữa lực lượng Công an với các cơ quan hữu quan. Văn
hóa, lễ hội truyền thống là sản phẩm của quần chúng nhân dân. Tổ chức, quản lý
lễ hội truyền thống là trách nhiệm, nghĩa vụ của nhiều cơ quan, ban, ngành. Quy
mô của các lễ hội càng lớn thì số lượng và mức độ liên quan của các cơ quan,
ban, ngành càng tăng. Do đó, hiệu quả của việc tổ chức, quản lý lễ hội phụ
thuộc rất lớn vào sự phối kết hợp của các cơ quan, ban, ngành có liên quan. Để
nâng cao hiệu quả của việc phối kết hợp của các cơ quan, ban, ngành trong tổ
chức, quản lý lễ hội, lực lượng Công an cần chủ động tham mưu cho các cấp ủy
đảng, chính quyền địa phương có sự phân công rõ ràng về vai trò, nhiệm vụ, chức
năng, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của từng cơ quan, ban, ngành cũng như
của từng cá nhân cụ thể. Việc làm này, một là để tránh chồng chéo giữa các bên;
hai là để có chế độ thưởng – phạt kịp thời đối với những cá nhân, đơn vị có
thành tích hoặc những cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.
Bốn là, lực
lượng Công an cần tích cực phát huy vai trò, chức năng và nâng cao trách nhiệm.
Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong việc nắm bắt tình hình, điều
tra cơ bản để sàng lọc, quản lí các đối tượng có tiền án tiền sự, nhất là các
đối tượng có tiền án tiền sự về tội trộm cắp, cướp giật, đánh bạc, tổ chức đánh
bạc, gây rối trật tự công cộng, hoạt động mê tín dị đoan… Lực lượng Công an
trên cơ sở nắm bắt được tình hình thực tế, cần làm tốt hơn nữa công tác tham
mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về tổ chức, quản lí lễ hội.
Đồng thời đây cũng là lực lượng trực tiếp thực hiện các phương án, kế hoạch
phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự tại các địa điểm tổ chức lễ hội,
nhất là các lễ hội có quy mô lớn (huyện, tỉnh, vùng, quốc gia). Để thực hiện
được nhiệm vụ này, lực lượng Công an nhân dân cần nắm chắc được các chủ trương,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề tôn giáo, lễ hội, di sản
đồng thời nêu cao tinh thần “chủ động -
kỷ cương - trách nhiệm - hiệu quả”. Và hơn hết, lực lượng Công an phải biết
dựa vào tai mắt quần chúng nhân dân - chủ nhân của các lễ hội truyền thống - để
hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Lễ hội truyền
thống là một thành tố quan trọng của đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.
Do đó việc tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng tinh thần, chủ trương của
Đảng, pháp luật của Nhà nước là một nhu cầu bức thiết. Trong thời gian qua, do
nhiều nguyên nhân nên việc tổ chức lễ hội truyền thống còn nhiều bất cập. Công
an nhân dân là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong việc tham mưu, đề xuất
cũng như trực tiếp tổ chức, quản lý lễ hội truyền thống. Do đó, nhận diện những
bất cập, hạn chế cũng như nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trong việc
tổ chức, quản lý các lễ hội truyền thống là cơ sở để lực lượng Công an nhân dân
có thể tự đánh giá được hiệu quả công tác của mình. Và hơn hết, đây là cơ sở để
lực lượng Công an có thể rút kinh nghiệm và làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ
của mình trên mặt trận văn hóa, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng một “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc” trong thời kì quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế
hiện nay.
Ths. Lê Thị Thanh Nguyên
Nguồn: Nguyễn Cao Sơn - Nguyễn Việt Hùng (đồng chủ biên): Vận dụng một số nội dụng khoa học chính trị trong công tác công an, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2016.
0 Nhận xét