KHÔNG TỰ NHIÊN MÀ CÓ VÀ KHÔNG PHẢI CỨ TỰ NHẬN MÀ ĐƯỢC
79 Mùa Xuân đã đi qua, kể từ Mùa Xuân lịch sử ấy – Mùa Xuân Canh Ngọ đáng nhớ năm 1930. Sau chặng đường dãi dầu sương gió, từ Thái Lan, Hồ Chí Minh đến Hương Cảng chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam.
Sự ra đời, phát triển của ĐCS Việt Nam là một tất yếu lịch sử do yêu cầu của chính xã hội Việt Nam trong suốt thời gian từ năm 1930 trở đi. Nhưng, vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam đối với toàn dân tộc chỉ được xác lập trên thực tế khi Đảng làm tốt nhiệm vụ của mình, như Hồ Chí Minh nói: Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Sau này, vai trò lãnh đạo ấy đã được ghi vào Điều 4 của bản Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Nếu ĐCS Việt Nam không tỏ rõ năng lực và sự hoạt động xuất sắc của mình để lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa thì cho dù có cố ghi vai trò lãnh đạo của Đảng vào trong bản Hiến pháp đi chăng nữa thì điều ấy cũng chỉ là hình thức mà thôi.
Điều được khẳng định một cách chắc chắn là: sự ghi nhận như vậy về vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam không phải là hình thức. ĐCS Việt Nam đã biến cái có thể thành hiện thực khi tỏ rõ trách nhiệm và năng lực lãnh đạo của mình, nhận lĩnh trách nhiệm đưa dân tộc phát triển. Vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, do đó, không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Vai trò đó được xác lập trên cơ sở ĐCS Việt Nam đã thay mặt giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, đáp ứng được yêu cầu phát triển của dân tộc.
Song, một số ý kiến không cho rằng như vậy. Bằng nhiều cách lập luận khác nhau, một số ý kiến đó cho rằng, ĐCS Việt Nam không những không có công lao gì mà ngược lại còn là lực cản cho sự phát triển của xã hội Việt Nam; rằng, Đảng tạo ra sức ỳ làm cho đất nước bị tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; rằng, sở dĩ như vậy là vì ĐCS Việt Nam đi theo một hệ tư tưởng lỗi thời là chủ nghĩa Mác – Lênin, hệ tư tưởng đó đã làm cho xã hội Việt Nam vận hành theo lối “Đảng trị”, mất dân chủ, không tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc để phát triển; và như thế, ĐCS Việt Nam không xứng đáng với lương tâm, trí tuệ, danh dự của dân tộc, v.v.
Tôi muốn bình luận, hoặc là đối thoại, về những ý kiến đó. Đương nhiên, giữa tôi và những người có ý kiến đó không có chung tư duy khoa học và không có chung cả quan điểm chính trị, cho nên việc đối thoại là điều cực kỳ khó khăn. Những ý kiến đó là sự biểu hiện của sự thâm thù đối với ĐCS Việt Nam, hằn học với sự nghiệp cách mạng do ĐCS Việt Nam lãnh đạo suốt gần một thế kỷ nay, thì làm sao mà tôi có thể dễ dàng đối thoại được. Đối thoại là rất khó khăn, nhưng không thể không đối thoại được vì có một điểm chung nhất làm cơ sở, đó là sự thật lịch sử đã diễn ra của đất nước trong suốt 79 năm qua. Mà đã là sự thật thì không ai có thể chối cãi được.
79 năm qua, ĐCS Việt Nam đã hiện hữu như thế nào và đóng vai trò gì đối với dân tộc? Tôi nêu lên ba điểm chủ yếu nhất sau đây:
Một là, xã hội Việt Nam cần có một tổ chức chính trị ĐCS lãnh đạo để phát triển. ĐCS Việt Nam ra đời, tồn tại và phát triển do chính đòi hỏi của lịch sử. Trong tất cả các trào lưu có tính chất cách mạng để cho xã hội Việt Nam phát triển cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chỉ có trào lưu cách mạng theo con đường cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác – Lênin là đứng vững. Những trào lưu khác như Cần Vương, trào lưu tư sản và tiểu tư sản đều bị chính thực tế lịch sử Việt Nam chối bỏ vì chúng hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu phát triển của dân tộc.
ĐCS Việt Nam ra đời, gắn với vai trò to lớn của Nguyễn Ái Quốc, chính là tổ chức chính trị đáp ứng được yêu cầu phát triển đó của xã hội Việt Nam. ĐCS Việt Nam đã đưa ra được một chiến lược đúng đắn nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, đưa đất nước đi lên theo con đường tiến bộ. Trải qua các thời kỳ, tuy biểu hiện cụ thể của chiến lược đó có chỗ này chỗ nọ khác nhau, nhưng chiến lược đó đã đáp ứng yêu cầu nội tại của đất nước.
Nhiệm vụ đưa dân tộc phát triển là nhiệm vụ chung của mọi người Việt Nam yêu nước và của mọi tổ chức chính trị hiện hữu trên đất Việt Nam. Nhưng, tổ chức chính trị nào trong thực tế lịch sử Việt Nam gần một thế kỷ qua có thể cạnh tranh được với ĐCS Việt Nam với tư cách là tổ chức dẫn dắt xã hội phát triển? Câu trả lời trong thực tế lịch sử Việt Nam đã quá rõ ràng: không có tổ chức nào cả. Cả dân tộc Việt Nam, vì thế, đã tin tưởng trao cho ĐCS Việt Nam trách nhiệm trọng đại là lãnh đạo toàn dân tộc phát triển theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Hai là, ĐCS Việt Nam đã nhận lĩnh trách nhiệm do nhân dân giao phó là giải phóng dân tộc và đã hoàn thành một cách xuất sắc. Giải phóng dân tộc là một điểm nút cần được tháo gỡ, ách thống trị của các thế lực ngoại bang là một lực cản cần được xoá bỏ để tạo điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Phải nói rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc không may mắn so với rất nhiều dân tộc khác trên thế giới, bởi vì trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, dân tộc Việt Nam bị rất nhiều thế lực bên ngoài xâm lược. Dân tộc Việt Nam là nạn nhân của những cuộc chiến tranh. Đừng nhiễu thông tin hoặc cố tình làm lẫn lộn trắng đen khi có một số người đổ lỗi cho ĐCS, Chính phủ Việt Nam và đổ lỗi cho cá nhân Hồ Chí Minh gây ra chiến tranh. Những nhà khoa học có tâm lành, đức dày, trí sáng cả ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài, kể cả các nhà khoa học Pháp và Mỹ, đều khẳng định trong các công trình khoa học của mình vấn đề trách nhiệm gây ra chiến tranh đều thuộc về những kẻ đi xâm lược.
Không thể đồng tình với một số người muốn phủ nhận việc dân tộc Việt Nam đứng lên chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành lấy độc lập, tự do cho đất nước. Ý kiến của một số người này quá cực đoan khi cho rằng, hà cớ gì mà ĐCS Việt Nam cứ lãnh đạo toàn dân tộc mình tốn bao nhiêu máu sông xương núi để giành lấy độc lập; rằng, hãy cứ để cho các thế lực ngoại bang đó “khai hoá văn minh” cho dân tộc Việt Nam, và đến một thời điểm thuận lợi họ sẽ trao lại độc lập cho Việt Nam như nhiều đế quốc, thực dân đã đã từng trao cho nhiều nước thuộc địa khác. Lý sự thì quả là có nhiều, nhưng có điều là cả thế giới đều đã đưa ra một thông điệp rằng, chủ nghĩa thực dân là một vết nhơ lớn nhất trong lịch sử loài người. Thế kỷ XX được cả thế giới mệnh danh là “Thế kỷ phi thực dân hoá”. Một dân tộc tiên phong của thế giới trong thế kỷ phi thực dân hoá đó là dân tộc Việt Nam; một người lĩnh ấn tiên phong của dân tộc tiên phong Việt Nam đấu tranh cho sự nghiệp cao cả phi thực dân hoá của nhân loại tiến bộ, đó là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Bằng việc tập hợp, thâu thái trí tuệ, sức mạnh của toàn dân tộc, với tư cách đại diện cho lương tâm, danh dự của cả toàn dân tộc, thêm nữa, bằng cả trách nhiệm đối với sự phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại, ĐCS Việt Nam đã lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thắng lợi của cuộc chống xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ tháng 7-1954 của Việt Nam đã làm tan rã cả hệ thống thuộc địa kiểu mới trên toàn thế giới. Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước tháng 4-1975 ở Việt Nam đã báo hiệu cho sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân mới trên thế giới. Như vậy, ĐCS Việt Nam đã nhận lĩnh trách nhiệm kép: vừa lãnh đạo sự nghiệp giành độc lập dân tộc, mở đường cho đất nước phát triển với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, vừa có đóng góp tích cực vào quá trình phi thực dân hoá, thúc đẩy nhân loại tiến nhanh hơn trên con đường văn minh.
Ba là, ĐCS Việt Nam đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiện đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Độc lập dân tộc gắn liền với tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đó là mục tiêu phấn đấu của ĐCS Việt Nam. Nói như Hồ Chí Minh thì ngoài lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của dân tộc, của nhân dân, ĐCS Việt Nam không có lợi ích nào khác; nếu đã giành được độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì. Làm cho mọi người được ấm no, tự do, hạnh phúc, làm cho đất nước giàu mạnh, đó là thông điệp của ĐCS Việt Nam và của Hồ Chí Minh khi nhấn mạnh những nội dung cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó cũng là những nội dung mấu chốt của việc bảo đảm và phát huy quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với Tuyên ngôn về nhân quyền mà Liên hợp quốc đưa ra tháng 12 năm 1948.
ĐCS Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất, có đầy đủ phẩm chất và năng lực để lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn 20 năm tiến hành đổi mới dưới sự lãnh đạo của ĐCS, nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập sâu và đầy đủ vào đời sống quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, đất nước Việt Nam là một đất nước ổn định chính trị, có nền kinh tế tăng trưởng khá, đời sống của nhân dân về cơ bản đã được cải thiện nhiều, v.v. Đó là những điều đã được nhân dân thừa nhận, được rất nhiều quốc gia, tổ chức xã hội và nhiều người trên thế giới thừa nhận. Vẫn biết rằng, “trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì là cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những điều mới mẻ, tốt tươi” (lời Hồ Chí Minh), ĐCS và nhân dân Việt Nam chắc chắn vẫn còn phải gặp rất nhiều cam go, nhưng tương lai sự phát triển của dân tộc Việt Nam rất sáng lạn.
Ba điểm chủ yếu trên đây làm thành một thể thống nhất để nói lên rằng, ĐCS Việt Nam trong 79 năm qua đã làm tốt sứ mệnh của mình do dân tộc giao phó, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời xứng đáng là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Điều đó cũng đúng như Hồ Chí Minh đã đánh giá về ĐCS Việt Nam trong dịp Đảng tròn 30 tuổi: Đảng là đạo đức, là văn minh, là hạnh phúc, là hoà bình, ấm no.
ĐỂ TIẾP TỤC XỨNG ĐÁNG LÀ LƯƠNG TÂM, TRÍ TUỆ, DANH DỰ CỦA DÂN TỘC
Bên trên tôi cho rằng, ĐCS Việt Nam đã biến cái có thể thành hiện thực. Đó chỉ là một vế. ĐCS Việt Nam cũng có thể biến cái hiện thực ngày nay thành con số không, nếu Đảng không còn trong sạch, vững mạnh, nghĩa là Đảng bị tha hoá, bị biến chất, không xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Do vậy, có một vế khác, không thể thiếu, để làm thành một chỉnh thể, đó là: Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn bản thân mình. Vậy là, vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như việc Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn bản thân mình – cả hai yêu cầu đó đều có tính cấp thiết như nhau. Trong tương lai, ĐCS Việt Nam có còn tiếp tục là lương tâm, trí tuệ, danh dự của dân tộc nữa hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân Đảng.
Trước những yêu cầu đó, ĐCS Việt Nam phải ra sức phấn đấu để luôn luôn làm tròn nhiệm vụ do dân tộc giao phó.
Trước hết, Đảng phải đề ra được đường lối, chủ trương, giải pháp đúng đắn để phát triển đất nước một cách nhanh và bền vững, vượt qua những khó khăn trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Ở đây, “sai một ly, đi một dặm”. Đường lối, chủ trương, giải pháp đúng đắn phải đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước, dựa trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là phải căn cứ vào diễn biến cụ thể trong từng thời gian của thực tế trong nước và quốc tế. Muốn vậy, Đảng phải phát huy trí tuệ của toàn dân tộc, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức; Đảng phải thật sự là người tổ chức, tập hợp sức mạnh trí tuệ của toàn dân, nghĩa là Đảng nhất thiết phải có tầm trí tuệ cao, Đảng là tổ chức tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc. Trách nhiệm tiếp tục là người dẫn đường phát triển cho dân tộc trong thế kỷ XXI và các thế kỷ tiếp theo vẫn được nhân dân trao cho ĐCS Việt Nam và Đảng phải luôn luôn có ý thức hành động để xứng tầm trách nhiệm ấy.
Thứ hai, ĐCS Việt Nam phải là tổ chức tiêu biểu cho khối đại kết toàn dân tộc, biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Đảng phải là tổ chức chính trị đầy bản lĩnh, vững vàng trước mọi thử thách của thời cuộc, dám đương đầu với mọi khó khăn trở ngại, luôn luôn là lực lượng tiên phong của giai cấp và dân tộc. Đoàn kết là kết quả từ sức mạnh của tổ chức và chính đoàn kết lại tạo ra sức mạnh vô biên cho toàn Đảng và toàn dân tộc. Khối đoàn kết ở trong Đảng, từ Trung ương đến các chi bộ, chính là nhân tố có tính chất quyết định tới việc bảo đảm, củng cố và phát triển khối đoàn kết của toàn quân và toàn dân tộc. Không thể nào có một sự đồng thuận toàn xã hội nếu ĐCS Việt Nam không bảo đảm được sức mạnh đoàn kết. Ý nghĩa của việc giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình mà Hồ Chí Minh đã nêu trong bản Di chúc thật sự có ý nghĩa cực kỳ to lớn không chỉ trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mà còn cả trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế.
Thứ ba, ĐCS Việt Nam chỉ thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lương tâm, trí tuệ và danh dự của dân tộc khi đội ngũ cán bộ, đảng viên của mình thể hiện được phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển của dân tộc. Đội ngũ đảng viên trong các thời kỳ lịch sử về cơ bản đã thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu trước toàn dân. Đội ngũ đó đã góp phần làm rạng danh dân tộc. Nhưng, thật đáng tiếc là cho đến nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái một cách nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Những căn bệnh xa dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự đáng lo ngại trong thời kỳ hiện nay.
Hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên hiện nay càng phải ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải vừa là người lãnh đạo, vừa là đày tớ thật trung thành của nhân dân, phải “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, phải là những người “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc như lạc” (khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ), phải là những người “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” như Hồ Chí Minh đã mong muốn. Phải cảnh giác trước những cám dỗ trong thời bình. Trong chiến tranh gian khổ, cán bộ, đảng viên đã chịu bao hy sinh, gian khổ, không tiếc máu xương cho nền độc lập, tự do của đất nước. Trong thời bình, một số cán bộ, đảng viên trước đây có khi không gục ngã trước mũi tên hòn đạn của kẻ địch, nhưng có thể dễ dàng gục ngã trước những viên đạn bọc đường.
Nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên bị biến chất, bị suy thoái thì điều gì sẽ xẩy ra? Chắc chắn là Đảng sẽ bị suy yếu theo, và đó thực sự là nguy cơ của việc vai trò cầm quyền của Đảng sẽ không còn. Đến lúc đó, mọi thành quả của cách mạng do nhân dân ta đã giành được sẽ bị đổ xuống sông xuống biển.
ĐCS Việt Nam có quyền tự hào là một tổ chức không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, mà đồng thời là đội tiên phong của dân tộc. Quả đúng như vậy. Không có gì quang vinh hơn khi Đảng được các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong xã hội Việt Nam gọi bằng cái tên “Đảng ta”, “Đảng của chúng ta”. Chừng nào vẫn được gọi như thế, và Đảng phải luôn luôn phấn đấu để xứng đáng được nhân dân Việt Nam gọi như thế thì đúng là Đảng vẫn là lương tâm, trí tuệ và danh dự của dân tộc./.
Nguồn: thehehochiminh.wordpress.com
0 Nhận xét