Hiện nay, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng trân trọng về thúc đẩy bình đẳng giới, được đánh giá là một trong những quốc gia có khung pháp lý về bình đẳng giới khá tiến bộ, đồng thời, việc thực hiện bình tẳng giới trong thực tiễn cũng đạt được những kết quả tích cực. Có được những hành công này là do Đảng ta đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.
1. Bình đẳng giới trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Có thể thấy, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa sử dụng cụm từ “bình đẳng giới”. Người chỉ bàn về vấn đề giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình quyền. Nhưng đây cũng chính là nội dung cốt lõi của vấn đề bình đẳng giới hiện nay mà thế giới và Việt Nam đang quyết tâm theo đuổi vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Những tư tưởng cốt lõi về bình đẳng giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở một số luận điểm sau:
Thứ nhất, phụ nữ là phân nửa xã hội, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền.
Là học trò xuất sắc của C.Mác và V.I.Lênin, am hiểu lịch sử dân tộc và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”1.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên gắn liền cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc với cuộc đấu tranh cho bình đẳng, tự do và phát triển của phụ nữ Việt Nam. Trong những năm đi bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã có dịp tìm hiểu nhiều cuộc cách mạng diễn ra trên thế giới. Người rút ra kết luận, chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng “đến nơi”, hay còn gọi là cuộc cách mạng triệt để, nghĩa là đem lại quyền làm chủ xã hội thực sự cho người dân. “Chính nhờ cuộc cách mạng này mà cơ sở của quyền tự do chân chính và quyền bình đẳng thực sự đã được đặt ra cho loài người. Chính nhờ cuộc cách mạng này mà sự giải phóng phụ nữ sẽ có giá trị và có những ý nghĩa đầy đủ, trọn vẹn”2. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường cách mạng vô sản, nhằm giành lại độc lập hoàn toàn cho dân tộc, ấm no tự do hạnh phúc thực sự cho nhân dân và để thực sự giải phóng cho phụ nữ thoát khỏi cả ách áp bức dân tộc lẫn ách áp bức xã hội.
Người luôn động viên phụ nữ tham gia vào sự nghiệp cách mạng cùng dân tộc, bởi theo Người, giải phóng phụ nữ - bản thân nó cũng là một cuộc cách mạng, là một trong những mục tiêu lớn của cách mạng, nó luôn gắn với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Trong Văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng không chỉ giành độc lập cho dân tộc,... các quyền dân chủ tự do cho nhân dân, mà còn nhằm “thực hiện nam nữ bình quyền”.
Người nhấn mạnh rằng dưới chế độ phong kiến thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh là nô lệ. Ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”; cũng dưới chế độ thực dân, phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột thì phụ nữ ta bị áp bức, bóc lột nặng nề hơn... “Điều đó chứng tỏ rằng vì quyền lợi của đàn bà con gái An Nam mà chúng ta làm cách mạng”3. Từ cảm nhận sâu sắc nỗi “khổ nhục” của người phụ nữ dưới chế độ thực dân phong kiến, Người càng ý thức hơn chính phụ nữ là lực lượng “một nửa” thành công của cách mạng. Người luôn nhấn mạnh khả năng cách mạng của phụ nữ và sớm nhận thấy nhân tố góp phần thắng lợi của cuộc cách mạng ấy chính là phụ nữ: “Xem trong lịch sử cách mệnh, chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia”4 và “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”5.
Người có những luận điểm thể hiện tầm nhìn chiến lược khi đặt vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ trong tương quan phát triển của xã hội mới, của chủ nghĩa xã hội: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”6. Đánh giá cao vai trò của phụ nữ khi nhìn nhận họ là lực lượng lao động đông đảo của xã hội, Người còn thấy rõ khả năng làm việc không thua kém nam giới của phụ nữ. Người nêu những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định... Người nói, trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm Phó Tổng Tư lệnh như ở miền Nam nước ta. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, kính trọng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, bảo đảm quyền lợi của phụ nữ là bản chất của chế độ ta; trong đó, vị trí xã hội của chị em được Người đặc biệt quan tâm.
Thứ hai, giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và bản thân chị em phụ nữ.
Người luôn theo dõi sát sao và tạo mọi điều kiện cho phụ nữ tham gia vào sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng nhà nước. Đặc biệt, Người rất quan tâm đến công tác phát triển đảng trong quần chúng phụ nữ. Khi làm việc với các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương, Người luôn chú ý đến số lượng cán bộ nữ. Người hiểu rõ khả năng to lớn của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội: “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo, làm giám đốc và phó giám đốc các xí nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, chủ tịch ủy ban hành chính, bí thư chi bộ đảng, v.v..”7 và Người vui mừng trước việc ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào công việc quản lý: “Từ ngày nước ta được giải phóng đến nay, phụ nữ đều tiến bộ rõ về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng một trong những tiến bộ rõ rệt nhất là phụ nữ ta hiện nay tham gia chính quyền ngày càng nhiều”8.
Thực hiện nam nữ bình quyền, theo Hồ Chí Minh: “Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”9. Để thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng nam nữ, Hồ Chí Minh nhắc nhở chị em “phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập”10. Người chỉ rõ cho các cấp ủy đảng và chính quyền “phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”11.
Quan tâm tới vị trí của phụ nữ trong xã hội, Hồ Chí Minh cũng đồng thời nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, một trong những nhiệm vụ của phụ nữ dưới chế độ ta là phải “hăng hái tham gia chính quyền”. Người còn nói, nếu cán bộ lãnh đạo là nữ mà ít, đấy là một thiếu sót của Đảng. Nguyên nhân của tình trạng phụ nữ ít được tham gia lãnh đạo quản lý, theo Người là vì: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai”12 Không chỉ phê bình những tư tưởng hẹp hòi đối với phụ nữ, Người còn đòi hỏi phải tích cực sửa chữa. Người đã đặt trách nhiệm của Đảng đối với sự phát triển của phụ nữ. Người khẳng định: Phải giải phóng phụ nữ thực sự, giải phóng phụ nữ thì bằng pháp luật, chính sách, biện pháp cụ thể: “Từ nay, các cấp đảng, chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa”13, “phải thực sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”... “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”14.
Hồ Chí Minh còn đặt vấn đề về phụ nữ, phát huy vai trò và phát triển năng lực sáng tạo của phụ nữ, coi đó là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có sự tự vươn lên của chị em phụ nữ: Đảng và Chính phủ ta cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ để người phụ nữ phụ trách ngày càng thêm nhiều mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân người phụ nữ thì phải cố gắng. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Như vậy, bình đẳng giới theo tư tưởng của Hồ Chí Minh: Thứ nhất, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong xã hội không chỉ vì họ là lực lượng lao động to lớn, mà còn vì họ là những người tham gia xây dựng, cải tạo xã hội. Ngoài thiên chức làm mẹ, thì khả năng làm việc, sức sáng tạo khi làm việc cho cộng đồng của phụ nữ không thua kém đàn ông. Thứ hai, sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội sẽ không mang tính cách mạng đầy đủ nếu không thực sự giải phóng phụ nữ, bởi vì, họ là một nửa nhân loại, một nửa xã hội. Thứ ba,dưới chế độ ta - chế độ mọi người dân đều là chủ xã hội, nam nữ bình đẳng về vị trí, bình đẳng về quyền lợi, thì phụ nữ phải có vị trí xứng đáng với vai trò của mình. Lịch sử dân tộc ta cũng đã chứng minh rằng, phụ nữ Việt Nam có thể làm được và làm tốt mọi công việc to lớn mà lịch sử đòi hỏi, đất nước trao cho. Thứ tư, cần phải xóa bỏ tàn dư phong kiến trọng nam khinh nữ, coi thường, xem nhẹ khả năng làm việc xã hội của phụ nữ; chỉ có vậy mới thực sự giải phóng phụ nữ, để cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo có ý nghĩa cách mạng đầy đủ, có tính nhân văn sâu sắc.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng đã trở thành lý tưởng cách mạng, vừa thể hiện ý thức chính trị, lòng nhân ái vừa thể hiện giá trị văn hóa, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản của Người.
2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách của Nhà nước về thực hiện công tác bình đẳng giới
Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ “nam - nữ bình quyền là 1 trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam”. Điều này được ghi nhận trong Cương lĩnh Chính trị của Đảng năm 1930. Cương lĩnh cũng nêu rõ giải phóng phụ nữ phải gắn với giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nam nữ bình quyền được ghi nhận tại Điều 9 - Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Trong các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 1959, 1980 và 1992 quy định: “Công dân nam nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và gia đình. Nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Lao động nam nữ làm việc như nhau thì hưởng lương như nhau. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội” (Điều 63, Hiến pháp năm 1992).
bình đẳng giới trong chính trị, Điều 54 - Hiến pháp năm 1992 cũng ghi rõ: “Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật”.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã cụ thể hóa quan điểm bình đẳng gỉới bằng những Nghị quyết và Chỉ thị về công tác phụ nữ. Cụ thể là:
Nghị quyết 04/NQ-TƯ ngày 12-7-1993 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới,mục tiêu của Nghị quyết 04/NQ-TƯlà nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo điều kiện cho phong trào phụ nữ có những bước tiến mới và tăng số lượng, chất lượng cán bộ phụ nữ trong hệ thống Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội.
Chỉ thị 37-CT/TƯ ngày 16-5-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới. Trong đó, Đảng ta xác định rõ: “Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, tham gia quản lý kinh tế - xã hội là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Chống lại những biểu hiện lệch lạc, coi thường phụ nữ, khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá cán bộ nữ”.
Chỉ thị đã nhấn mạnh quan điểm của Đảng là nhằm làm tốt hơn nữa công tác cán bộ nữ và tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới và xây dựng đất nước.
Nghị quyết 11-NQ/TƯngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là Nghị quyết được ban hành sau 10 năm thực hiện Chỉ thị37-CT/TƯvề công tác cán bộ nữ và trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế thế giới.
Mục tiêu mà Nghị quyết 11-NQ/TƯđề ra là: “Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực, đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực”.
Luật Bình đẳng giới do Quốc hội thông qua ngày 29-11-2006. Điều này thể hiện quyết tâm của Nhà nước và ý chí của toàn dân về vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện quyền phụ nữ.
Luật Bình đẳng giới đã khái quát hóa các quyền bình đẳng của phụ nữ được phản ánh trong các văn bản luật pháp đã có trước đây, đồng thời đã đề cao những nguyên tắc cơ bản như: Nam nữ bình đẳng trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình, nam nữ không bị phân biệt, đối xử về giới, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới, bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi luật pháp, thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân.
Trong đó, tại Điều 11, Luật Bình đẳng giới quy định rõ các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị bao gồm: 1) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia bình đẳng giới; 2) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng việc bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2011-2020. Nhằm mục tiêu thúc đẩy hơn nữa vấn đề bình đẳng giới: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Với các mục tiêu cụ thể là: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn kinh tế, thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa thông tin; đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
3. Thực trạng thực hiện bình đẳng giới ở nước ta hiện nay
Thời gian qua, việc thực hiện luật pháp, chính sách bình đẳng giới ở nước ta đã đạt được những kểt quả khá tốt, đó là; 1) Nhận thức về bình đẳng giới và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ lãnh đạo các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ công chức và người dân được nâng lên rõ rệt. 2) Sự cam kết trách nhiệm được thể hiện: Nhiều bộ, ngành và địa phương đã có nghị quyết và chương trình hành động về thực hiện bình đẳng giới. 3) Hầu hết các bộ, ngành và tỉnh thành đều xây dựng, quy hoạch cán bộ bao gồm tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham chính. 4) Công tác tuyên truyền, phổ biến luật pháp chính sách về bình đẳng giới được tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới và phụ nữ tham gia chính trị. 5) Công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch hành động và chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ được thực hiện theo định kỳ có tác động nâng cao tính trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thực hiện bình đẳng giới. 6) Nhiều văn bản như chỉ thị, hướng dẫn của tổ chức đảng, nghị định, thông tư, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có liên quan về nhân sự, trong đó có cán bộ nữ được ban hành trong các kỳ đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân, nhân sự chủ chốt ủy ban nhân dân các cấp và nhân sự các bộ ngành liên quan đến phụ nữ. 7) Nhận thức về vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia chính trị cũng được nâng cao, bản thân cán bộ nữ đã chủ động, tự tin, nỗ lực phấn đấu vươn lên; đội ngũ cán bộ nữ nhìn chung đã phát triển cả về số lượng và chất lượng so với trước đây.
Với những kết quả đạt được về bình đẳng giới, Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có sự thay đổi nhanh chóng về xóa bỏ khoảng cách giới, xếp hạng trung bình về bình đẳng giới so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách liên quan đến bình đẳng giới vẫn còn nhiều điều bất cập, đó là:
Thứ nhất, sự khác biệt về việc làm, mức sống và cơ hội đào tạo.
Sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới hiện nay biểu hiện ở chỗ nam giới thường chiếm tỷ lệ cao hơn ở những nhóm việc như công nhân có trình độ kỹ thuật, lãnh đạo, dịch vụ cá nhân, nghiên cứu khoa học, lực lượng vũ trang; phụ nữ thường chiếm tỷ lệ cao ở một số nhóm nghề như nông nghiệp, buôn bán nhỏ, giáo viên, nhân viên văn phòng. Điều đó chỉ ra tính chất việc làm có thu nhập ổn định của nam giới cao hơn nữ giới. Xét trên bình diện giới thì điều đó chứng minh rằng nam giới có lợi thế hơn so với phụ nữ trong việc tìm kiếm và lựa chọn những ngành nghề, những công việc có vị thế xã hội cao hơn, mang lại thu nhập thường xuyên hơn. Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia, “tỷ lệ nam giới tham gia lãnh đạo, quản lý cao gấp 1,5 đến 3 lần so với nữ giới”.
Cường độ lao động, thời gian, hình thức lao động, mức lương và thu nhập của phụ nữ còn có chênh lệch với nam giới. Không như nam giới, phụ nữ luôn bị chi phối khá nhiều thời gian và sức lực cho công việc nội trợ; lo các công việc đối nội, đối ngoại; thực hiện vai trò chăm sóc gia đình mà xã hội đã mặc định trông đợi ở họ. Điều này làm sự cách biệt giữa nam và nữ trong việc tham gia vào thị trường lao động; trong việc tiếp cận các cơ hội đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng. Tình trạng đó không chỉ cản trở phụ nữ trong việc tìm kiếm hay lựa chọn những công việc phù hợp mà còn hạn chế sự cạnh tranh của họ trên thị trường lao động nói chung và cạnh tranh với đồng nghiệp nam tại chính nơi làm việc nói riêng, nhất là về cơ hội đề bạt, thăng tiến nghề nghiệp.
Thứ hai, bất cập về phân công lao động.
Hiện nay, sự tham gia của phụ nữ vào công việc sản xuất ngày càng tăng lên nhưng sự tham gia của nam giới vào công việc nội trợ lại không tăng đáng kể, tương xứng. Có nghĩa là, sự chia sẻ từ phía phụ nữ trong công việc sản xuất không đi liền với sự chia sẻ từ phía nam giới trong việc nội trợ gia đình. Điều này vô hình chung dẫn đến việc sử dụng và phân bổ không hợp lý nguồn nhân lực, quỹ thời gian và tiềm năng của phụ nữ và nam giới trong gia đình. So với nam giới, phụ nữ có quá ít thời gian dành cho các nhu cầu phát triển năng lực, tiếp cận thông tin, học hỏi, giao tiếp và tích lũy kinh nghiệm.
Thứ ba,hiện nay, nhiều điều luật gần như không được áp dụng mạnh mẽ trên thực tế như: Quyền sở hữu và sử dụng về đất đai của phụ nữ và trẻ em sau ly hôn ở nhiều nơi chưa được bảo vệ; tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em... chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” khiến cho tình trạng mất cân bằng giới tính sau khi sinh đang có xu hướng tăng mạnh ở nước ta (số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh năm 2013 là 113,8 bé trai/100 bé gái, tăng so với mức 112,3 bé trai/100 bé gái của năm 2012); vấn đề dạy con và chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình; đời sống tinh thần và khuôn mẫu giới (vai trò trụ cột trong gia đình, các phẩm chất mong muốn ở con trai và con gái, quan niệm về tên vợ, chồng trên giấy chứng nhận tài sản); việc sử dụng thời gian rảnh rỗi, tiếp cận các hoạt động giải trí, giao lưu bạn bè, mở rộng mối quan hệ xã hội.
4. Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác bình đẳng giới theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ nhất,tăng cường tuyên truyền Luật Bình đẳng giới để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ hai,tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn về giới và bình đẳng giới cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các ban ngành, đoàn thể, những cán bộ trực tiếp tiến hành các hoạt động liên quan đến việc bảo đảm và thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ. Thông qua các khóa đào tạo, tập huấn này mà góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ, giúp họ có khả năng lồng ghép các chính sách về giới vào các chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương có hiệu quả hơn. Các nội dung đào tạo, tập huấn cần cung cấp cho đội ngũ cán bộ này các kiến thức mang tính toàn diện khách quan về bình đẳng giới, cần phân tích thực trạng bất bình đẳng giới đang tồn tại ở nước ta hiện nay đã cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội để họ có được nhận thức và hành động đúng đắn hơn trong việc lồng ghép giới vào phát triển kinh tế - xã hội ở từng ngành, từng địa phương đạt hiệu quả.
Thứ ba, cần có nhiều chương trình, dự án của các tổ chức để lồng ghép vấn đề tuyên truyền công tác bình đẳng giới với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ, xóa bỏ những định kiến mang nặng khuôn mẫu giới trong cộng đồng dân cư; đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.
Thứ tư, cần phải có sự đầu tư, tạo điều kiện thích đáng cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới cho các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở vì đây là cấp hành chính gần dân, sát dân nhất.
Thứ năm, nâng cao chất lượng và hình thức trong việc giáo dục vai trò giới tính và kỹ năng sống trong hệ thống nhà trường phổ thông, giúp cho thanh niên, thiếu niên nhận thức đúng những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản, khoa học và hệ thống. Từ đó, các em có ý thức trách nhiệm về bình đẳng giới trong xây dựng gia đình và xã hội./.
1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, t.7, tr.340.
2, 3, 4, 5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, t.2, tr.7, 506, 313, 315.
6, 7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, t.12, tr.300, 639.
8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, t.15, tr.173.
9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, t.7, tr.342.
10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, t.14, tr.313.
11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, t.13, tr.260.
12, 14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, t.15, tr.275, 617.
13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, t.12, tr.640.
14) Trần Thị Vân Anh, Nguyễn Hữu Minh (Chủ biên): Bình đẳng giới ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, H.2008, tr.42.
15) http: //laodong.com.vn.
PGS, TS Đỗ Thị Thạch
ThS Nguyễn Thị Tuyết
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: bqllang.gov.vn
0 Nhận xét