Chủ
tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Đảng ta. Suốt
cuộc đời hoạt động của mình, Người luôn quan tâm, trăn trở phải xây dựng Đảng
ta thật sự trong sạch, vững mạnh để xứng đáng là một Đảng cầm quyền, lãnh đạo
nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng, thực hiện độc lập dân tộc gắn liền
với chủ nghĩa xã hội mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Thắng
lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa đến việc thành lập Nhà nước công
nông đầu tiên ở Đông Nam Á và Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, đánh
dấu sự thay đổi về chất trong vai trò và trọng trách của Đảng trước vận mệnh của
dân tộc, của nhân dân, của toàn thể xã hội. Thông qua sự cầm quyền mà Đảng thực
hiện sự lãnh đạo của mình và chịu trách nhiệm trước xã hội. Đảng cộng sản Việt
Nam dưới sự lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ
khi giành được chính quyền, trong khi phải lo đối phó với thù trong, giặc
ngoài, vẫn không một phút lơ là nhiệm vụ xây dựng Đảng. Người đã chỉ ra ba nguy
cơ có thể dẫn tới thoái hóa, biến chất của một Đảng cầm quyền. Một là, nguy cơ
sai lầm về đường lối; Hai là, chủ nghĩa cá nhân; Ba là, quan liêu xa rời cuộc sống,
xa rời quần chúng. Đây được xem là những nguy cơ bên trong rất nguy hại và nó
chính là chỗ dựa để cho những nguy cơ từ bên ngoài tấn công vào Đảng.
Để
đấu tranh nhằm đẩy lùi, xóa bỏ những nguy cơ đối với Đảng trong điều kiện Đảng
cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trước hết cần phải xây dựng đảng về trí
tuệ, làm cho Đảng vươn lên ngang tầm nhiệm vụ lịch sử mới. Trong vòng vây trùng
điệp của nhiều loại kẻ thù, chúng ta luôn phải đối phó với rất nhiều nguy cơ và
thách thức có quan hệ đến sự tồn vong của chính quyền cách mạng, tình hình đó
đòi hỏi Đảng phải có trí tuệ sáng suốt để kiên định mục tiêu, biến hóa về đối
sách, tạo thời gian để củng cố chính quyền. Bên cạnh đó, việc bắt tay vào xây dựng
một chế độ xã hội mới chưa từng có trong lịch sử dân tộc thì càng phải có tri
thức mới. Bởi sau khi lên cầm quyền, những người cộng sản dường như đã có tất cả,
cái còn thiếu, như Lênin nói “chính là trình độ văn hóa của người cộng sản cầm
quyền”. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải chống thói
kiêu ngạo, tự mãn, cho mình là tài giỏi hơn hết. Người nhắc nhở: phải có tinh
thần cầu học, cầu tiến bộ, phải thực hiện lời của Lênin: “Học, học nữa, học
mãi”.
Thứ hai,
với nhận thức sâu sắc rằng “một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm
qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được
mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ
nghĩa cá nhân”[1].
Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng đã kịp thời đẩy mạnh công tác giáo dục,
bồi dưỡng về đạo đức cách mạng, tiến hành đấu tranh không mệt mỏi chống lại mọi
biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, một thứ “giặc nội xâm” - loại giặc ở trong
lòng, thứ vi trùng vô cùng nguy hiểm phá hoại Đảng từ bên trong. Để Đảng ta thực
sự “là đạo đức, là văn minh”, Hồ Chí Minh chỉ rõ Đảng phải rèn luyện đạo đức
cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Người yêu cầu cán bộ, đảng viên: Về phẩm chất,
tư cách phải suốt đời phấn đấu hi sinh
cho lý tưởng của Đảng; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng; đặt quyền
lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết, lên trước hết; có đời tư trong sáng, là
một tấm gương sáng trong cuộc sống để nhân dân tin và noi theo. Về năng lực, phải
có trí tuệ minh mẫn, sáng suốt, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, có
năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng,
Nhà nước và các đoàn thể nhân dân; phải có phong cách tốt, sâu sát, tỉ mỉ, phải
có tinh thần trách nhiệm cao khi thực hiện nhiệm vụ. Trước lúc đi xa, trong Di
chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, khi nói về xây dựng và chỉnh đốn Đảng,
Người vẫn không quên căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và
cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm
liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng
đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[2].
Thứ ba,
để chống lại những nguy cơ đối với đảng cầm quyền, Đảng ta phải thường xuyên tự
đổi mới, tự chỉnh đốn. Sinh thời, Người đã có nhiều chỉ dẫn quan trọng cho việc
xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có giá trị chỉ đạo xuyên suốt quá trình phát triển của
Đảng. Người lưu ý, việc tự đổi mới, tự
chỉnh đốn Đảng là công việc phải tiến hành thường xuyên, chứ không chỉ là giải
pháp tình thế, là một yêu cầu tất yếu của một đảng cách mạng, nhằm giữ vững bản
chất giai cấp công nhân, tính tiền phong, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến
đấu của Đảng, bảo đảm cho Đảng đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng.
Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), thông qua việc trình bày
tư cách của người cách mạng, tư cách Đảng cách mạng, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ
cách mạng “phải thường xuyên cả quyết sửa lỗi mình”; “phải giữ chủ nghĩa cho vững”;
“phải dân chúng (công nông) làm gốc”; “phải bền gan, phải hy sinh, phải thống
nhất”; khi thất bại “không được ngã lòng” mà phải bình tĩnh “nghiên cứu lại,
phê bình lại”... Những yêu cầu này đặt cơ sở cho những chỉ dẫn quý báu về đổi mới,
chỉnh đốn Đảng sau này của Người. Cũng do tầm quan trọng và tính cấp thiết của
việc củng cố, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền nên khi cuộc kháng
chiến chống Pháp đang ở giai đoạn gay go, Người vẫn dành thời gian viết cuốn
sách nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”
(1947), đề cập một cách sâu sắc, toàn diện về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trước
khi từ biệt đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong “Di chúc”, điều mà Người quan tâm trước hết cũng chính là “nói về Đảng”,
Người thấy rõ những nhiệm vụ cách mạng đầy khó khăn, phức tạp đặt ra sau khi cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Do đó, “việc cần làm trước tiên là chỉnh
đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm
tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”[3]. Đồng thời, trong tiến hành đổi mới và chỉnh
đốn Đảng cần có cách thức, bước đi thích hợp. Người viết: “Chỉnh Đảng phải làm từng bước, phải có
trọng tâm:
Chỉnh
huấn cán bộ trước rồi mới chỉnh đốn chi bộ.
Chỉnh
đốn tư tưởng trước rồi mới chỉnh đốn tổ chức
Chỉnh
huấn cán bộ cao cấp phải do Trung ương trực tiếp lãnh đạo vì đó là mấu chốt của
việc chỉnh đốn toàn Đảng”[4].
Thứ tư,
phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng,
bên cạnh những thành quả vĩ đại, Đảng ta cũng không tránh khỏi những sai lầm,
khuyết điểm. Nhưng khi phát hiện ra thì Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dũng
cảm nhận sai lầm và quyết tâm sửa chữa. Bản thân Hồ Chí Minh đã nhiều lần nêu
cao tấm gương mẫu mực về tự phê bình và phê bình theo tinh thần của Lê nin: “Bị
một phen thất bại không nguy hiểm bằng không dám thừa nhận sự thất bại, không
dám rút ra ở đây tất cả những kết luận”[5]. Người
chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng
có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết
điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa
chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân
chính”[6].
Người cho rằng, tự phê bình và phê
bình phải trở thành công việc hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, từ người
lãnh đạo đến đảng viên thường, từ cấp trên đến cấp dưới đều phải thường xuyên,
nghiêm túc thực hiện “tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải
rửa mặt”. Làm được như thế thì theo Người, “trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng
sẽ khoẻ mạnh vô cùng” . Không những chỉ rõ mục đích, nội dung, ý
nghĩa, tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình trong Đảng mà Hồ Chí Minh còn
nêu rõ phương châm, phương pháp phê bình và tự phê bình sao cho đúng đắn. Người
nói: “Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có thái độ
thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Khi phê
bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải
đề ra cách sửa chữa”[7].
Người yêu cầu: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm
chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn
kết, thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”[8].
Thực tiễn 70 năm cầm quyền, sau gần
30 năm đổi mới, Đảng ta đã trưởng thành qua bao thử thách, có những bổ sung,
phát triển lý luận về xây dựng đảng cầm quyền phù hợp với thực tiễn cách mạng
Việt Nam trong điều kiện mới. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống mọi nguy cơ
đối với một đảng cầm quyền. Với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dày
dạn kinh nghiệm, luôn nêu cao dũng khí tự phê bình và phê bình, gắn bó máu thịt
với nhân dân, Đảng ta đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của khối
đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước giành được nhiều thắng lợi vĩ đại, vững
bước trên con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.
Tuy nhiên, những năm qua, bên cạnh
những thành tựu to lớn đã đạt được nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách
thức đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Nguy cơ tụt hậu xa
hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực vẫn còn tồn tại. “Tình trạng suy
thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán
bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và
tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức
tạp... làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn
định, phát triển của đất nước”[9].
Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây
bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng thay đổi
chế độ chính trị ở nước ta. Từ thực tế trên, hơn lúc nào hết vai trò của một
Đảng cầm quyền càng phải được khẳng định: “là đạo đức, là văn minh”, phải thực
sự tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc và vươn lên ngang tầm với thời đại. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng
cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”[10].
Sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn
mới đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh
đạo, trình độ trí tuệ của một đảng cầm quyền. Để đảm đương được vai trò cầm
quyền, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; thường xuyên tự
chỉnh đốn, tự đổi mới, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị,
phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống
nhất trong Đảng, tăng cường dân chủ, kỷ luật, thường xuyên tự phê bình và phê
bình. Bên cạnh đó, toàn Đảng cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, quán
triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công
tác xây dựng đảng cầm quyền, trong đó có những bài học về đấu tranh với những
nguy cơ đối với đảng cầm quyền. Đó là những bài học đến nay vẫn còn nguyên giá
trị cả về lý luận và thực tiễn cách mạng./.
Nguyễn Thị Thu Trang
[2]. Hồ Chí Minh. Sđd., t.15, tr.
622.
[3]. Hồ Chí Minh. Sđd.,
t.15, tr. 616.
[4]. Hồ Chí Minh. Sđd.,
t.7, tr. 398.
[5]. V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976,
t. 44, tr. 99.
[9]. Đảng
cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H.2012, tr. 173-175.
0 Nhận xét