Sau thất bại trong cuộc chiến tranh kéo dài hai thập kỷ ở Việt
Nam ,
nước Mỹ và phe phái đã rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng - một "hội
chứng sau Việt Nam ".
Người ta đã "đổ công đi tìm" nguyên nhân thất bại của đế quốc Mỹ và
đồng thời đi tìm lời giải cho câu hỏi : Tại sao Việt Nam lại có đủ sức mạnh để chiến
thắng ? L.A.
Pát-ti - một cựu sĩ quan tình báo Mỹ - đã trả lời xuất sắc câu hỏi đó thông qua
cuốn sách có tựa đề : Tại sao Việt Nam ?
L.A. Pát-ti đã đi ngược thời gian hơn bốn thập kỷ, đến tận thời điểm lịch sử,
khi mà Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, cuộc cách mạng giành độc lập
dân tộc của Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo đang đứng trước một thời cơ nhưng
cũng đầy cam go thách thức. Cuối cùng, sự lựa chọn của Hồ Chí Minh rất chính
xác. Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã nổ ra và giành thắng lợi. Một chính
phủ cách mạng "của nhân dân và vì nhân dân" đã được thành lập và
"trịnh trọng tuyên bố với thế giới" về nền độc lập của nước Việt Nam.
Trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 9-1945, L.A. Pát-ti đã có những cuộc tiếp
xúc, đối thoại với Hồ Chí Minh ở Côn Minh (Trung Quốc) và Hà Nội (Việt Nam).
Trí tuệ và tinh thần, tư tưởng và hành động, nhân cách và tình cảm... của lãnh
tụ Hồ Chí Minh - sự tinh kết của tinh thần và ý chí Việt Nam - hiện ra qua các
cuộc đấu trí trực tiếp với L.A. Pát-ti, là lời giải cho câu hỏi tại sao Việt
Nam đã chiến thắng mọi đế quốc và các thế lực thù địch.
Tháng 2-1945, Hồ Chí Minh sang Côn Minh (miền Nam Trung Quốc), nơi đặt Tổng
hành dinh lực lượng Đồng minh (AFHQ) của tướng Sê-nôn - người cầm đầu không lực
số 14 của Mỹ và nhiều cơ quan khác như Ban Không trợ mặt đất (AGAS), Nha Thông
tin chiến tranh (AOWI), Cục Tình báo chiến lược (OSS)... Trong chuyến công du
này, Người tìm gặp người Mỹ để tranh thủ sự giúp đỡ của họ, nhằm ngăn chặn bọn
Tưởng Giới Thạch phá hoại phong trào cách mạng của nước ta lúc đó. Người đã
trực tiếp gặp tướng Sê-nôn và nhiều sĩ quan Mỹ như Sác-lơ-phen, Phe-lân... ấn
tượng tốt đẹp về Hồ Chí Minh - Việt Minh đã có sức thuyết phục họ cần phải có
hành động thực tế để ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam...
Khi chuyến công du trên kết thúc, L.A. Pát-ti làm việc cho OSS, tỏ ra vô cùng
luyến tiếc và tìm mọi cách để gặp Hồ Chí Minh nhằm thực hiện mục đích :
"... cần tổ chức một mạng lưới của những người hoạt động bí mật ở Đông
Dương, tốt hơn cả là với sự giúp đỡ của người Việt Nam"(1).
Thông qua một nhân vật trung gian giới thiệu, L.A Pát-ti đã được gặp Hồ Chí
Minh vào ngày 27- 4-1945, tại một quán trà trong làng nhỏ ở Chiu Chok Chich
thuộc Ching Hsi (Trình Tây) nằm trên đường biên giới Việt - Trung. Chỉ mới sau
những câu chuyện có tính chất mở đầu, L.A Pát-ti đã có cảm nghĩ về Người :
"... Tôi cảm thấy một vài sự dè dặt của Ông Hồ đối với tôi được xua tan,
nhưng Ông là một nhà cách mạng lão thành, một bậc thày về những hoạt động mưu
lược và bí mật nên Ông vẫn đi sâu vào câu chuyện với một vẻ thăm dò dễ mến và
tế nhị. Tôi hiểu Ông muốn biết những động cơ của tôi và cố khám phá thái độ của
tôi đối với nhân dân Việt Nam và nói riêng để xem tôi là người đại biểu cho
những quyền lợi thực dân hay đại biểu cho thái độ chống thực dân của Ru-dơ-ven.
Tôi cần phải giành lấy sự tin cậy của Ông và sẵn sàng tham gia vào cuộc đấu trí
biện chứng của Ông".
Theo L.A. Pát-ti cho biết, Hồ Chí Minh đã nói khá nhiều về nạn đói kinh khủng
nhất trong lịch sử Việt Nam làm cho hai triệu người chết đói, mặc dù Việt Minh
đã tổ chức đánh phá kho thóc của Nhật - Pháp để cứu dân chúng. Đồng thời, Người
cũng bày tỏ với L. A. Pát-ti những vấn đề quan trọng về cuộc đấu tranh giải
phóng dân tộc ở Việt Nam : Chúng tôi đang chuẩn bị cho một Chính phủ Dân chủ
độc lập, do người Việt Nam điều hành vì người Việt Nam. Ông Hồ cũng thừa nhận
rằng đó là một nhiệm vụ vô cùng lớn lao, vì người Pháp sẽ chống lại. Người
Trung Quốc có những lý do để ủng hộ người Pháp, nhưng cũng có thể đứng về phía
người Việt Nam ; còn người Anh thì chắc chắn không để cho cơ cấu thuộc địa ở
Đông Nam Á bị sụp đổ và sẽ là một vấn đề nghiêm trọng nếu họ giúp sức cho người
Pháp.
Được trực tiếp nghe Hồ Chí Minh trình bày những việc đã qua và sắp đến của Việt
Nam, L.A. Pát-ti không khỏi không quan tâm suy nghĩ, bày tỏ sự khâm phục và đi
đến quyết định cộng tác với Hồ Chí Minh trong công cuộc chống phát xít Nhật :
"Mặc dù tôi đã tỏ ra khách quan và thận trọng một cách cố ý không để mình
dính líu vào những khía cạnh chính trị của vấn đề Đông Dương, nhưng sự chân
thành, thái độ thực tế và sự hùng biện của Ông Hồ đã gây cho tôi một ấn tượng
rất khó phai mờ... Đây là một con người thông minh, thấu hiểu những vấn đề của
đất nước mình, một con người biết điều và tinh tế. Tôi cũng cảm thấy có thể tin
cậy Ông như một bạn đồng minh chống người Nhật. Tôi biết mục tiêu cuối cùng của
Ông là giành được sự ủng hộ của Mỹ đối với sự nghiệp của nước Việt Nam tự do và
thấy rằng ước muốn ấy không trái ngược với chính sách của Mỹ. Từ một quan điểm
thực tiễn, ông Hồ và Việt Minh hiện ra như một giải pháp cho vấn đề trước mắt
của tôi là tiến hành các hoạt động ở Đông Dương".
Chính qua cuộc hội kiến đầu tiên này, L.A. Pát-ti đã hiểu thêm Việt Minh và
tiềm lực của Việt Minh về quân sự, chính trị và những gì mà tổ chức này có thể
làm được, thậm chí cả những gì đang cần phải có thêm cho công cuộc kháng Nhật
của Việt Minh ! Do đó, không chỉ là sự đồng tình về nhận thức mà phải bằng hành
động ủng hộ thiết thực, L.A. Pát-ti khẳng định : "Tất cả những gì tôi phải
làm là làm thế nào để cho người của Ông ở Côn Minh biết đang cần những gì và
Ông mong muốn những thứ đó sẽ được cung cấp". Vì vậy, L.A. Pát-ti đã kết
luận cuộc gặp gỡ đó "sẽ mang lại nhiều điều tốt lành "
Chính vì vậy, chiều ngày 16-7-1945, toán quân mang biệt hiệu Con Nai (DEER), do
thiếu tá Tô-mát chỉ huy, đã nhảy dù xuống làng Kim Lung (Tuyên Quang), được
Việt Minh đón tiếp rất nồng hậu. Cũng theo L.A. Pát-ti : "Trong 7 tuần lễ
ở đây, Tô-mát và các chuyên viên người Mỹ đã để ra 4 tuần lễ để huấn luyện cho
khoảng 200 giải phóng quân về việc sử dụng vũ khí Mỹ mới nhất và chiến thuật du
kích". Và L.A. Pát-ti cho rằng: "... ông Hồ đã thành công một cách
cực kỳ khéo léo trước nhân dân của Ông, trong việc đề cao nhiệm vụ nhỏ bé của
toán "Con Nai" lên thành một nhân tố tâm lý kỳ diệu".
Gần tròn 4 tháng sau, ngày 22-8-1945, L.A. Pát-ti từ Côn Minh đến Hà Nội với tư
cách là Trưởng phái bộ Đồng minh nhưng chỉ là cố vấn quân sự cho "đại diện
duy nhất của Đồng minh phụ trách tiếp nhận đầu hàng (của phát xít Nhật - T.G) ở
miền Bắc Đông Dương sẽ là người Trung Quốc", không có nhiệm vụ chính trị
và không có quyền đại diện Chính phủ Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên,
L.A. Pát-ti cũng hé mở một thông tin với Hồ Chí Minh là : "Toán OSS của
chúng tôi đã trở thành một trung tâm quyền lực của Đồng minh" tại Việt
Nam.
Từ thời điểm trên đến hết đợt công vụ ở Hà Nội đã diễn ra nhiều cuộc hội kiến,
đối thoại giữa L.A. Pát-ti với Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời, trong
bối cảnh nước ta đang phải đối mặt với những thử thách "một mất một
còn" về nhiều mặt nhưng chủ yếu vẫn là nạn thù trong giặc ngoài đang lăm
le lật đổ chính quyền cách mạng.
Được trực tiếp quan sát tình hình trật tự an ninh và chứng kiến không khí sôi
nổi, lạc quan của nhân dân Hà Nội chỉ mới sau ba ngày giành được chính quyền từ
trong tay bọn xâm lược, L.A. Pát-ti đã thừa nhận : Trong điều kiện của tháng
Tám năm 1945, Ông Hồ đã biến được những tiềm năng hạn chế của mình thành thắng
lợi trong một câu chuyện thật giống như thần thoại. Chính vì vậy, vào ngày chủ
nhật đầu tiên đến Hà Nội, khi nhận được lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, L.A.
Pát-ti đã vui vẻ đến gặp Người.
Cuộc hội kiến kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ nhằm soát lại những sự kiện từ lần
gặp đầu tiên, để cùng nhau nắm được tình hình mới. L.A. Pát-ti kể lại :
"... nhưng Ông Hồ không chỉ lo lắng về người Pháp không thôi, Ông còn gặp
khó khăn với những mưu toan của người Anh và Trung Quốc. Ông nói một cách thông
thạo về sự hợp tác Pháp - Anh ở Lào, Cam-pu-chia và Nam Bộ. Trong các khu vực
này, rõ ràng quyền lợi của Anh trùng với mục tiêu của Pháp và với mục đích lâu
dài nhằm khôi phục khu vực thuộc địa trước chiến tranh của họ ở Đông Nam Á. Còn
đối với người Trung Quốc, Ông Hồ xác định lợi ích của họ chính là những vụ
"trấn lột về chính trị", có tin từ Trùng Khánh cho biết Quốc Dân Đảng
(Trung Quốc) đang xúc tiến thương lượng với Chính phủ Pa-ri về nhiều vấn đề đặc
quyền ở Đông Dương và Ông Hồ tin chắc rằng hoạt động của các cường quốc Pháp -
Anh - Trung Quốc sẽ gây nguy hại cho sự toàn vẹn của phong trào giải phóng dân
tộc". Không những thế, Người còn hiểu "một cách tinh vi, đã liên
tưởng đến những rối loạn mà quân đội chiếm đóng Tưởng có thể gây ra nếu như họ
cướp bóc lan tràn và lộng hành đối với dân chúng, Ông yêu cầu tôi báo trước cho
Đồng minh về những khả năng này và tôi đã hứa sẽ làm đầy đủ". Mặc dầu,
L.A. Pát-ti cho rằng những vấn đề đó giải quyết không dễ dàng và cũng chỉ có
thể tác động được rất ít.
Một vấn đề khác, trong cuộc gặp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và L.A. Pát-ti cũng
đã trao đổi khá lâu, theo L.A. Pát-ti, có ý nghĩa rất quan trọng : Ông Hồ cảm
thấy khẩn thiết phải tìm được cách làm cho Đồng minh chú ý đến chính phủ của
Ông trước khi quân chiếm đóng của họ tới, vì chính phủ duy nhất hợp pháp lúc
bấy giờ là Chính phủ lâm thời của Ông. Đồng thời Ông báo cho tôi biết rằng đúng
vào lúc đó, một phái đoàn của Chính phủ đã lên đường đi Huế để tiếp nhận sự
thoái vị của Bảo Đại. Và sau đó, Ông dự định sẽ công bố một bản Tuyên ngôn Độc
lập, thành lập một nội các, đưa ra một chính phủ hoàn chỉnh và tranh thủ cho
được sự công nhận của quốc tế.
Khi được hỏi ý kiến về vấn đề này, L.A. Pát-ti đã nói : "Tôi không thể
phát biểu thay cho Chính phủ, nhưng đưa ý kiến riêng là Mỹ sẽ xem xét lại tình
hình dưới ánh sáng của những sự kiện mới".
Sau buổi gặp gỡ đó, ngày 1-9-1945, L.A. Pát-ti nhận được điện báo từ hành dinh
của tướng Oe-đơ-mây-ơ tỏ thái độ không hài lòng về hoạt động của OSS từ Việt
Nam và cảnh báo phải... bằng bất cứ giá nào tránh được các hoạt động chính trị
nếu các hoạt động đó đặt Mỹ vào một thế đứng giữa... Chúng ta có nguy cơ nghiêm
trọng là cả phân đội có thể bị gọi về. Nhưng ngày hôm đó, L.A. Pát-ti vẫn giữ
lời hứa đến dự cơm thân mật với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ Phủ. Ông đã ghi
lại quyết tâm lớn của Hồ Chí Minh : - Người Việt Nam có nhiệm vụ phải biểu thị
cho các nước Đồng minh biết lòng tin tưởng sắt đá và quyết tâm không gì lay
chuyển nổi để tự giải thoát mình khỏi "mọi sự cai trị của bên ngoài, dù
cho đó là của Pháp, Nhật, Trung Quốc hay bất kỳ ai". Đồng thời, Người cũng
đã cho biết tình hình lương thực cực kỳ thiếu thốn, nếu như lại phải cung cấp
thóc gạo cho quân đội Tưởng nữa thì "mọi người sẽ chết đói" ! Vì vậy,
Người yêu cầu L.A. Pát-ti : "... Cần phải kêu gọi sự chú ý của Chính phủ
Mỹ cho tiến hành kiểm tra đối với quân đội chiếm đóng Trung Quốc và yêu cầu
người Trung Quốc mua bán chứ đừng trưng thu các vật phẩm và lương thực trong
thời gian họ chiếm đóng "để tránh gây ra" tình hình người Việt Nam
bắt buộc phải tiến hành chiến tranh với người Trung Quốc để bảo vệ cuộc sống và
gia đình họ". L.A. Pát-ti đã thực hiện lời hứa đó với Hồ Chí Minh, nhưng
các nhà chức trách Đồng minh không mấy ai chú ý đến.
Khi 50 ngàn binh lính của Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa là Đồng minh đến miền
Bắc nước ta tiếp nhận sự đầu hàng của phát xít Nhật thì tình hình diễn ra đúng
như dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vậy, trong buổi chiêu đãi tướng Tiêu
Văn, ngày 10-9-1945 tại Hà Nội, Hồ Chí Minh khẳng định với L.A. Pát-ti một cách
cương quyết : "Nếu người Trung Quốc thực sự chống đối lại nền độc lập của
Việt Nam, nhân dân Ông nhất định sẽ kháng cự lại bằng vũ khí. Nếu bọn bù nhìn
của Trung Quốc đánh vào Việt Minh, nhất định sẽ có nội chiến. Và, nếu sự đe dọa
của Pháp trở thành hiện thực sẽ có cuộc chiến tranh toàn diện". Chính vì
vậy, L.A. Pát-ti đánh giá : "Tôi cũng thấy ở Ông Hồ một con người yêu hòa
bình, mong muốn thương lượng hơn là đánh nhau, mặc dù tôi vẫn tin rằng nếu
không có lối thoát, Ông ta sẽ chiến đấu".
Những thủ đoạn, âm mưu thâm độc của quân đội Tưởng và sự ráo riết hoạt động
chống phá của bọn tay sai là người Việt phản quốc của chúng như Việt Nam Quốc
Dân Đảng, Đại Việt, Đồng minh Hội... đã làm cho tình hình càng trở nên nghiêm
trọng. Tuy vậy, cứ mỗi lần L.A. Pát-ti gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lần
lại ghi thêm những kỷ niệm sâu sắc về Người, vì "suốt trong một tuần lễ
trước, mỗi lần gặp gỡ Ông Hồ, tôi lại mất dần đi cái cảm giác Ông không còn
kiểm soát được trọn vẹn tình hình nữa. Ông đã để lại cho tôi một ấn tượng là
nắm rất chắc các sự kiện đang bao lấy Ông trước hết là Pháp ở miền Nam, rồi
Trung Quốc ở miền Bắc... và vấn đề thường trực là tình hình kinh tế nguy ngập.
Mọi sự đều không phải là tốt đẹp cho Việt Minh cũng như cho Việt Nam. Vì vậy,
trong "Ông già" là cả một mớ các cuộc đấu tranh. Mắt ông lóe sáng vì
thích thú và vì giận dữ. Nhưng bao giờ cũng giữ được chủ động một cách thích
đáng". Về vấn đề này, L.A. Pát-ti phải thừa nhận rằng : "Ông Hồ có
một bộ máy chính trị được tổ chức hoàn hảo, một chính phủ đang tồn tại và được
sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, kể cả những người không phải là cộng sản".
Đó chính là niềm kiêu hãnh của Hồ Chí Minh và Việt Minh.
Vào buổi chiều đúng ngày viên tướng người Anh, Gờ-ra-xi, đến Sài Gòn với đại bộ
phận quân đội của ông ta (gồm Sư đoàn 20 của Ấn Độ và Trung đoàn 5 RIC của
Pháp), L.A. Pát-ti và Hồ Chí Minh lại cùng nhau đàm đạo xung quanh tình hình
Nam Bộ và việc Pháp núp sau quân Anh trở lại Việt Nam. Theo L.A. Pát-ti kể lại
: ... Có lúc Ông Hồ đã đến mức phải nói là "cuộc chiến tranh không tuyên
bố" đã bắt đầu giữa Pháp và Việt Nam, và "cuộc xung đột công khai
cũng không còn xa nữa" hoặc đã "triển khai kế hoạch hoạt động chuẩn
bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài chống người Pháp". Ngoài ra, L.A.
Pát-ti còn biết được những tin tức khá gây sửng sốt : ... Một cách bình thường,
Ông Hồ nêu ra ý kiến là một "chính phủ bù nhìn Trung Quốc tạm quyền"
cũng có thể chấp nhận được. Điều đó sẽ cho phép Ông và các trợ thủ chủ yếu của
Ông "rút lui vào bưng biền để lãnh đạo cuộc đấu tranh", trong khi đó
thì một người như Thần (Nguyễn Hải Thần - TG) chẳng hạn cùng với một số ít Việt
Minh tiêu biểu sẽ ở lại Hà Nội trong một Chính phủ do Trung Quốc đỡ đầu ở Hà
Nội".
Về vấn đề này, L.A. Pát-ti đã đánh giá : "Kế hoạch của Ông một phát nhằm
đạt hai mục đích. Nó vừa có thể duy trì được sự ủng hộ của người Trung Quốc
(tức là Đồng minh) ; nó lại cho phép Ông Hồ và Việt Minh được tự do hành động
để đánh Pháp mà không gây thiệt hại cho sự đấu tranh giành độc lập của Việt
Minh". Do đó, khi báo cáo với tướng Gan-lơ-ghơ về sự kiện trên, L.A.
Pát-ti cho rằng : "ông Hồ muốn ngăn ngừa đổ máu và ra mắt Đồng minh với
hình ảnh của một Chính phủ có trách nhiệm...".
Chính trong buổi gặp gỡ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết tin L.A. Pát-ti sắp kết
thúc đợt công vụ ở Việt Nam, và buổi từ biệt cũng đã đến. Đó là ngày 30-9-1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mời L.A. Pát-ti đến dự cơm thân mật tại Phòng khách Bắc Bộ
Phủ cùng với các cộng sự gần gũi của Người. Sau đó, hai người nói chuyện riêng
từ tối cho mãi tới đêm khuya. Hồ Chí Minh coi L.A. Pát-ti "như là một
người bạn rất đặc biệt có thể thổ lộ tâm tình", còn L.A. Pát-ti thì bị thu
hút khá mạnh bởi cái triết lý của cá nhân Hồ Chí Minh nên không hề ngắt lời
"dù chỉ với một câu hỏi". Một trong những vấn đề lớn thường được đàm
đạo đó là : Thái độ của chính phủ Mỹ với công cuộc giải phóng dân tộc của nhân
dân Việt Nam ? Nhớ lại cuộc đối thoại này, L.A. Pát-ti viết : "Ông
không thể nào hiểu được rằng Mỹ, một nước nổi tiếng chống chủ nghĩa thực dân mà
lại làm ngơ và cho phép Anh và thậm chí cả Trung Quốc giúp Pháp trong mưu đồ
nhằm áp đặt lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam. Ông nói chẳng ai mù mà không thấy
được sự thật hiển nhiên là quân đội Pháp được Mỹ trang bị và tiếp tế, sớm muộn
sẽ xâm chiếm Lào, Cam-pu-chia, Trung Kỳ và cả Bắc Kỳ nữa". Nhìn xa hơn
nữa, Ông Hồ đã chỉ rõ : "Điều đó, họ phải trả bằng một giá đắt".
Bởi vì : "... Chủ nghĩa thực dân là một thứ đã thuộc về quá khứ. Đã gần
một thế kỷ nay, chế độ thuộc địa của bất cứ một nước nào, ngay cả những cường
quốc hào phóng nhất, cũng đã thể hiện là một chế độ áp bức và lạc hậu. Nhân
phẩm con người bị hủy hoại, nền thịnh vượng quốc gia bị tước đoạt ngoài sức
tưởng tượng. Nay đã đến lúc phải thay đổi".
Cảm nghĩ vừa tế nhị và không kém phần sâu sắc về buổi tiễn biệt này, L.A. Pát-ti
ghi nhận hình ảnh Hồ Chí Minh trong trái tim mình : "Ông hiện ra mỏng mảnh
đấy nhưng thực tế thật là bất khuất".
Các cuộc đối thoại giữa L.A. Pát-ti - Hồ Chí Minh đã dừng lại, khi viên thiếu
tá tình báo này kết thúc nhiệm vụ tại nước ta, vào cuối tháng 9-1945. Phải đợi
đến hơn ba thập kỷ sau, khi công cuộc giải phóng dân tộc của nhân dân ta đã
giành được thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975, vấn đề đó mới được hé mở công khai
một cách sinh động, hấp dẫn và nghiêm túc trong tác phẩm Tại sao Việt Nam ?
(WHY VIETNAM ?) của chính L.A. Pát-ti. Ngay trong lời tựa đề, L.A. Pát-ti
đã bày tỏ tình cảm chân thành và ước muốn của mình : "Khi kể lại cuộc nói
chuyện riêng giữa tôi và Hồ Chí Minh, tôi chỉ muốn chuyển đến người đọc một vài
suy nghĩ sâu sắc nhất của tôi về nhà cách mạng bí ẩn đó cùng với những khát
vọng đối với nhân dân, đối với tiền đồ đất nước Việt Nam mới mẻ của Ông - Đã có
nhiều người Việt Nam coi cuộc rút lui vừa qua của can thiệp quân sự Mỹ ở Việt
Nam như là trận thất bại cuối cùng của chủ nghĩa thực dân trên đất nước họ.
Nhưng từ năm 1945, Hồ Chí Minh đã thấy rất rõ rằng dân tộc của Ông sẽ còn vấp
phải vô vàn khó khăn trong sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự đô hộ của kẻ
thù".
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Danh nhân văn
hóa thế giới, một Con Người giàu lòng Nhân ái và trọng Nghĩa tình đã giới thiệu
với các cộng sự của mình về L.A. Pát-ti khi ông đến Hà Nội năm 1945 như sau :
"Người bạn Mỹ đến từ Oa-sinh-tơn của chúng ta". Bài viết này muốn góp
phần tìm hiểu đôi điều về tư tưởng lớn, nhân cách lớn và những dự báo tài tình
của Hồ Chí Minh từ những năm 1945 về cách mạng Việt Nam.
Nguyễn Kim Thành, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam
0 Nhận xét