Quan điểm của V.I. Lê-nin về nhà nước kiểu mới và ý nghĩa đối với Việt Nam
TCCS - Trong hệ thống lý luận của mình, vấn đề nhà nước luôn được V.I. Lê-nin đặc biệt coi trọng, vì đó là một trong những vấn đề cốt tử, không chỉ khẳng định vị trí thống trị của giai cấp cầm quyền, mà còn là trụ cột của hệ thống chính trị để xây dựng chế độ xã hội mới.
Quan điểm của V.I. Lê-nin về nhà nước kiểu mới
Trên cơ sở tiếp thu những tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về nhà nước và xuất phát từ thực trạng của bộ máy nhà nước Xô-viết sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, V.I. Lê-nin đã đưa ra quan điểm về nhà nước kiểu mới, được biểu hiện tập trung như sau:
Một là, làm rõ tính tất yếu của việc xây dựng nhà nước kiểu mới.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, “trước tình hình xuyên tạc chủ nghĩa Mác trở thành một điều phổ biến”, trong đó bao gồm cả việc phủ nhận, xuyên tạc học thuyết Mác về vấn đề nhà nước, V.I. Lê-nin đã kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ, “khôi phục học thuyết chân chính của Mác về nhà nước”(1), đồng thời bổ sung, phát triển nhiều luận điểm có giá trị lý luận và thực tiễn trên vấn đề này.
Trước hết, V.I. Lê-nin tiếp tục khẳng định sự ra đời của nhà nước là một tất yếu khách quan, “Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được, thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: Sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được”(2). Do vậy, V.I. Lê-nin cho rằng, lập trường quan điểm về nhà nước chính là một trong những tiêu chí để phân biệt người cộng sản chân chính và kẻ cơ hội.
Theo V.I. Lê-nin, nhà nước ra đời gắn với xã hội phân chia giai cấp và là sản phẩm của xã hội trong một giai đoạn phát triển nhất định. Khoảng 5 năm sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhà nước Xô-viết đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, thậm chí là “rất tồi tệ”. Bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động trì trệ, bảo thủ, không hiệu quả, nhiều chủ trương, chính sách đưa ra không vững chắc, không kiên định và “khó hiểu..., hấp tấp”, những yếu tố cần thiết để xây dựng bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa còn hết sức ít ỏi. Số lượng cán bộ nhà nước tăng nhanh trong khi chất lượng không bảo đảm, thể hiện ở năng lực tổ chức, quản lý rất thấp, thiếu những hiểu biết cần thiết trong công tác quản lý, trong việc triển khai những nhiệm vụ, chức năng của Nhà nước; phong cách làm việc cũ, thiếu tính chuyên nghiệp, “thiếu óc sáng tạo để thực hiện một cuộc cải cách hành chính...”(3). Nghiêm túc đánh giá thực trạng yếu kém của bộ máy nhà nước, V.I. Lê-nin cho rằng: “Trừ Bộ dân ủy ngoại giao ra, bộ máy nhà nước của chúng ta, trong một mức độ rất lớn, vẫn còn là một tàn dư của thời trước,... Bộ máy ấy chỉ mới được tô điểm sơ qua bên ngoài; ngoài ra, nó vẫn là điển hình thật sự của bộ máy nhà nước cũ”(4).
Để khắc phục tình trạng nói trên vì vận mệnh của chính quyền Xô-viết, của chủ nghĩa xã hội, V.I. Lê-nin đã khẳng định tính cấp thiết phải có một nhà nước kiểu mới - đó là nhà nước khác về bản chất so với các nhà nước cũ. Bản chất của nhà nước kiểu mới phải thể hiện rõ tính nhân văn sâu sắc, tính ưu việt vượt trội của chế độ xã hội mới so với các nhà nước trước đó, phải thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu tối thượng để hoạt động và phục vụ. V.I. Lê-nin chỉ rõ: “Bây giờ chúng ta sẽ xây dựng, trên một miếng đất đã dọn sạch những di vật đổ nát của lịch sử, tòa lâu đài xã hội xã hội chủ nghĩa, đồ sộ và rực rỡ; sẽ thiết lập nên một kiểu nhà nước mới chưa từng thấy trong lịch sử, một nhà nước thể theo ý chí của cách mạng mà có nhiệm vụ quét sạch khỏi mặt đất mọi sự bóc lột, mọi bạo lực, mọi sự nô dịch”(5).
Với tư duy biện chứng, V.I. Lê-nin cho rằng, nhà nước kiểu mới mang bản chất mới, nhưng không phải là phủ nhận sạch trơn những thành tựu đã đạt được của nhà nước tư sản cũ. Trong giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn cần đến nhà nước tư sản với tư cách là tiếp thu, kế thừa những cách thức tổ chức, quản lý của nhà nước pháp quyền tư sản. Ông viết: “Trong một thời gian nhất định, dưới chế độ cộng sản, không những vẫn còn pháp quyền tư sản, mà vẫn còn cả nhà nước kiểu tư sản nhưng không có giai cấp tư sản!”(6).
Theo V.I. Lê-nin, để có được nhà nước kiểu mới thì công cuộc “đổi mới bộ máy nhà nước” trở thành vấn đề cốt tử của sự nghiệp cách mạng, dẫu biết rằng sự đổi mới bộ máy ấy là một vấn đề rất khó khăn, còn lâu mới được giải quyết, nhưng đó cũng chính là một vấn đề “cực kỳ cấp bách”, bởi vì, nếu vấn đề này không giải quyết được thì sẽ là nguy cơ rất lớn tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự chống phá của các thế lực thù địch và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội sẽ trở nên xa vời. Ông cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này một phần là do bắt nguồn từ “quá khứ”, “quá khứ này tuy đã bị lật đổ, nhưng chưa bị tiêu diệt”; do chính quyền Xô-viết còn quá non trẻ, lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách và sự chống phá quyết liệt của thù trong, giặc ngoài nên vấn đề “cải tiến bộ máy nhà nước” “có quá ít thì giờ để nghĩ đến”; do công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhà nước, nhất là đội ngũ cán bộ cốt cán cấp chiến lược, chưa được đầu tư thỏa đáng nên đội ngũ này còn thiếu kinh nghiệm trong công tác tổ chức, quản lý nhà nước, cộng với tâm lý kiêu ngạo, ảo tưởng, khinh suất khi cho rằng cách mạng đã thành công thì nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng hình thành. Phê phán một cách gay gắt tư tưởng này, V.I. Lê-nin chỉ rõ: “Điều tai hại nhất là tưởng rằng chúng ta biết được một tý như thế là đủ rồi, hoặc tưởng rằng chúng ta đã có được một số yếu tố khá lớn để xây dựng được một bộ máy thật sự mới và thật sự xứng đáng với danh hiệu là bộ máy xã hội chủ nghĩa, bộ máy xô-viết, v.v...”(7).
Tầm quan trọng và tính cấp bách phải xây dựng nhà nước kiểu mới còn xuất phát từ tầm vóc của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Thắng lợi của cuộc cách mạng này không chỉ là thắng lợi của riêng nước Nga Xô-viết, mà đồng thời còn là thắng lợi chung của cách mạng thế giới, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Do vậy, theo V.I. Lê-nin, nhiệm vụ khẩn thiết đặt ra là phải bảo vệ những thành quả cách mạng đó. Muốn thực hiện được nhiệm vụ trọng đại này, bên cạnh một tổ chức đảng vững mạnh, cần phải có một nhà nước kiểu mới - đó là nhà nước chuyên chính vô sản (nhà nước xã hội chủ nghĩa) với hai chức năng cơ bản: chức năng giai cấp và chức năng xã hội (hay còn gọi là chức năng trấn áp và chức năng tổ chức xây dựng xã hội mới). Chức năng giai cấp (trấn áp) phải được bảo đảm nhằm đè bẹp sự phản kháng của giai cấp bóc lột tuy đã bị lật đổ nhưng vẫn còn tiềm lực, chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động bên trong và bên ngoài để bảo vệ những thành quả cách mạng. Chức năng tổ chức xây dựng được thực hiện để cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới. Các chức năng của nhà nước sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng thời điểm lịch sử cụ thể, trong đó chức năng xã hội sẽ ngày càng trở nên chính yếu, đa dạng và là chức năng căn bản, lâu dài. Vì vậy, việc cải tổ, xây dựng một nhà nước kiểu mới đủ năng lực, hoạt động hiệu quả trở thành vấn đề “rất khẩn thiết” đối với chính quyền công nông và chế độ xô-viết.
Hai là, nêu bật những nguyên tắc và giải pháp nhằm xây dựng nhà nước kiểu mới xã hội chủ nghĩa.
Để khắc phục những yếu kém của bộ máy nhà nước và xây dựng nhà nước mới xã hội chủ nghĩa, theo V.I. Lê-nin, quá trình cải cách bộ máy nhà nước cần phải bảo đảm những vấn đề mang tính nguyên tắc như sau:
Bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước. Đảng phải là một đảng kiểu mới, một đảng chân chính là vấn đề mang tính nguyên tắc vì Nhà nước chỉ là công cụ, là thiết chế để tổ chức triển khai thực hiện đường lối chính trị, những chủ trương, chính sách của Đảng cầm quyền. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nhằm mọi hoạt động của Nhà nước phải theo đúng quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội và nhằm phục vụ lợi ích tối thượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, bởi lẽ “nếu không có sự thống trị của giai cấp vô sản trong nhà nước thì cũng không thể nói đến chủ nghĩa xã hội được”(8).
Lựa chọn khâu đột phá, trọng điểm và bảo đảm nguyên tắc “thà ít mà tốt”. Với tầm nhìn chiến lược, V.I. Lê-nin đã lựa chọn tập trung ưu tiên đổi mới hoạt động của các cơ quan đầu não của bộ máy nhà nước. Thậm chí, táo bạo hơn, V.I. Lê-nin đã đưa ra đề xuất kết hợp linh hoạt, độc đáo giữa một cơ quan đảng và một cơ quan nhà nước do tính chất và nhiệm vụ của chúng có nhiều điểm tương đồng - đó là hợp nhất Bộ dân ủy thanh tra công nông (thuộc cơ quan chính phủ) với Ban kiểm tra trung ương (thuộc cơ quan đảng). Việc hợp nhất này là cần thiết để tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tinh giản bộ máy và suy cho cùng là vì chính “lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế”. V.I. Lê-nin viết: “... Tại sao... lại không thừa nhận là có thể hợp nhất một cách độc đáo bộ máy kiểm tra của đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền? Về phần tôi, tôi thấy là làm như vậy không có trở ngại gì cả. Hơn nữa, tôi tin rằng sự hợp nhất ấy là điều đảm bảo duy nhất cho một hoạt động có kết quả”(9).
Việc đổi mới, cải cách bộ máy nhà nước, nhất là ở các cơ quan đầu não phải bảo đảm nguyên tắc “thà ít mà tốt”, đó phải là những cơ quan “thật sự gương mẫu”, trong sạch. Đội ngũ cán bộ của các cơ quan này phải được tuyển chọn kỹ lưỡng theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; phải có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, đồng thời được trang bị lý luận cách mạng và nhất là có kiến thức vững vàng, chuyên sâu về quản lý nhà nước; “những phần tử ưu tú ấy phải không sợ thừa nhận bất cứ một khó khăn nào và không lùi bước trước bất cứ một cuộc đấu tranh nào để đạt được mục đích...”(10).
Từ những vấn đề mang tính nguyên tắc đó, V.I. Lê-nin đã đề xuất một hệ các giải pháp cần thực hiện nhằm sớm xây dựng nhà nước kiểu mới trong sạch, hiệu quả, bao gồm:
Xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước kiểu mới phải là nhà nước pháp quyền, điều tiết các mối quan hệ xã hội và quản lý xã hội thông qua một hệ thống pháp luật khoa học, hiện đại. Do vậy, xây dựng hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm hoạt động của Nhà nước và thực thi dân chủ của nhân dân là một tất yếu khách quan và là một nhiệm vụ cấp thiết đặt ra. V.I. Lê-nin viết: “Nếu không rơi vào không tưởng thì không thể nghĩ rằng sau khi lật đổ chủ nghĩa tư bản, người ta sẽ tức khắc có thể làm việc cho xã hội mà không cần phải có tiêu chuẩn pháp quyền nào cả”(11).
Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Rà soát, kiểm tra lại các cơ quan nhà nước theo yêu cầu phải hoạt động “phù hợp với trình độ khoa học hiện đại”; xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh; làm tốt công tác giám sát, kiểm soát quyền lực, đặc biệt là ở những vị trí cấp cao nhất, cấp chiến lược, cả trong Đảng lẫn trong bộ máy nhà nước nhằm khắc chế tình trạng độc đoán, chuyên quyền, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm những điều có hại cho tổ chức, cho xã hội. V.I. Lê-nin viết: “Và những ủy viên Ban kiểm tra trung ương có nhiệm vụ tham dự, với một số lượng nhất định, vào mỗi phiên họp của Bộ chính trị, sẽ phải là một nhóm cố kết, nó, “không được vị nể cá nhân”, phải giữ gìn sao cho không một quyền uy nào của Tổng bí thư hay là của một ủy viên nào trong Ban chấp hành trung ương có thể ngăn cản mình chất vấn, kiểm tra các hồ sơ, và nói chung, nắm được tình hình hết sức rõ ràng và xử lý mọi việc hết sức đúng đắn”(12).
Để kiểm soát tốt quyền lực, cần thực hành dân chủ rộng rãi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia quản lý nhà nước, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như của cán bộ nhà nước. Chỉ khi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì Nhà nước mới có thể quản lý được xã hội phù hợp với quy luật phục vụ lợi ích của nhân dân, đồng thời mới thể hiện đúng bản chất của nhà nước mới xã hội chủ nghĩa. V.I. Lê-nin chỉ rõ: “Nếu quyền lực chính trị trong nước nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi phù hợp với quyền lợi của đa số, thì mới có thể thực hiện việc điều khiển công việc quốc gia thực sự theo đúng nguyện vọng của đa số. Nhưng nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi khác với quyền lợi của đa số, thì việc điều khiển công việc quốc gia theo nguyện vọng của đa số không khỏi trở thành một sự lừa gạt, hoặc đưa đến chỗ đàn áp đa số ấy”(13).
Bộ máy nhà nước hoạt động có thực sự hiệu quả hay không, có trong sạch, vững mạnh hay không, điều đó phụ thuộc trước hết vào những con người trong tổ chức. Do vậy, xây dựng nhà nước mới phải bắt đầu từ công việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên. “Nhiệm vụ của chúng ta là qua thí nghiệm mà thu hút nhiều chuyên gia, rồi bồi dưỡng lớp cán bộ lãnh đạo mới, lớp chuyên gia mới để họ học cho bằng được công tác quản lý, một công tác mới, hết sức khó khăn, phức tạp, để thay thế chuyên gia cũ”(14). Muốn vậy, theo V.I. Lê-nin, cần thực hiện tốt tất cả các khâu của quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đồng thời, phải tuyển chọn đúng người vào các tổ chức cao nhất của bộ máy nhà nước theo các tiêu chuẩn sau: uy tín cao, được nhiều đảng viên giới thiệu; phải qua sát hạch để kiểm tra trình độ lý luận về nhà nước, những nguyên tắc của khoa học quản lý và khả năng phối hợp cao với đồng nghiệp trong công tác.
Mặt khác, để phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phải phát triển giáo dục, soạn thảo chương trình, sách giáo khoa và mạnh dạn cử cán bộ có tài, tâm huyết, có bản lĩnh chính trị đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài - đó sẽ là những nhân liệu tốt của bộ máy nhà nước và để xây dựng chế độ xã hội mới trên thực tế. V.I. Lê-nin nhấn mạnh: xây dựng chủ nghĩa cộng sản “... chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở một nền học vấn hiện đại, và nếu họ không có nền học vấn đó, thì chủ nghĩa cộng sản vẫn chỉ là một nguyện vọng mà thôi”(15).
Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Từ thực tế căn bệnh quan liêu đã trở nên trầm kha trong hoạt động của một số tổ chức đảng và bộ máy nhà nước - V.I. Lê-nin gọi tình trạng đó là “vũng lầy quan liêu chủ nghĩa dơ bẩn”; đồng thời, một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tự chuyển hóa về lập trường tư tưởng, lợi dụng cơ hội “đục nước béo cò”, V.I. Lê-nin chỉ rõ: “... là do những phần tử quan liêu đáng yêu của chúng ta cố ý làm lây sang chúng ta, với hy vọng là có nhiều dịp buông câu trong đám nước đục... Và họ đã câu được trong đám nước đục ấy đến mức chỉ có những người thật sự đui mù trong chúng ta mới không thấy được là họ đã câu như vậy trên một quy mô rộng lớn tới chừng nào”(16). Bởi vậy, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chống quan liêu và tham nhũng trở thành những giải pháp cấp bách nhằm vừa bảo vệ nhà nước xô-viết non trẻ, vừa xây dựng một nhà nước kiểu mới, gắn với công tác xây dựng Đảng.
Ý nghĩa đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo những tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vấn đề nhà nước, với gần 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bộ máy nhà nước ta đã có nhiều đổi mới về cấu trúc theo hướng tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn. Bản chất nhân văn, nhân đạo, tinh thần vì nhân dân, phục vụ lợi ích nhân dân của Nhà nước ta đang ngày càng được đề cao. Nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng được nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, do vậy đã nhận được sự ủng hộ, tin tưởng và đồng thuận của nhân dân. Có thể khẳng định, chưa có nhiệm kỳ đại hội nào của Đảng mà vấn đề chỉnh đốn, xây dựng Đảng và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta lại được coi trọng và được triển khai thực hiện quyết liệt như nhiệm kỳ Đại hội XII.
Để xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, những chuyển động mới trong lãnh đạo, quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua đã chứng tỏ quyết tâm cắt bỏ những “ung nhọt” đang tàn phá bộ máy nhà nước, làm suy giảm uy tín của Đảng và Nhà nước. Quá trình thanh lọc và thi hành kỷ luật những kẻ thoái hóa, biến chất trong các tổ chức đảng và nhà nước được triển khai quyết liệt và đã có tác động lớn đến toàn xã hội, từ đó góp phần quan trọng vào việc khôi phục và củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Những chuyển động của bộ máy nhà nước, nhất là những chỉ đạo của Chính phủ trong việc cải cách hành chính, giảm các khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết công việc... đã góp phần làm tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước trong giải quyết các thủ tục hành chính, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực dấy lên phong trào đổi mới, sáng tạo trong các thành phần kinh tế, trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Những ngày tháng này, cả nước tin tưởng và ủng hộ những chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt, kịp thời và hiệu quả của Đảng và Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 quái ác đang tàn phá toàn thế giới. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của tất cả các lực lượng và của mỗi người dân nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh là minh chứng cho thấy sự đoàn kết, nhất trí, sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân. Những thành tựu tuy là bước đầu mà Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống dịch bệnh được thế giới quan tâm, đánh giá cao. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, sự tận tụy hết lòng vì nhân dân của Đảng, Nhà nước, của tất cả các lực lượng tham gia chống dịch là một minh chứng cho thấy rõ bản chất nhân văn, nhân đạo, tính ưu việt của chế độ ta, của Nhà nước ta.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta cũng còn nhiều bất cập, hạn chế. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước pháp quyền còn những điểm chưa đồng bộ, vẫn còn sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng đến sự thống nhất quyền lực nhà nước và hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Một số tổ chức đảng, nhà nước và một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, phai nhạt niềm tin, lý tưởng. Tình trạng tham nhũng, sách nhiễu trong các cơ quan công quyền vẫn còn khá phổ biến. Tình trạng lợi ích nhóm vẫn chưa bị đẩy lùi. Các nhóm lợi ích tận dụng đến mức tối đa những kẽ hở, những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, những bất cập của hệ thống pháp luật... để vơ vét, làm giàu bất chính, làm cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hoặc chà đạp lên lợi ích quốc gia và đạo lý dân tộc; vi phạm dân chủ và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, khiến lòng dân không yên.
Thực tế đó cho thấy, xây dựng và hoàn thiện nhà nước kiểu mới - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của V.I. Lê-nin trở thành một đòi hỏi cấp bách hiện nay. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội và tội phạm”(17). Để hoàn thành nhiệm vụ này, cần coi trọng những giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, quán triệt phương pháp luận và vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I. Lê-nin về xây dựng nhà nước kiểu mới để tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước theo hướng trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm thiểu những bộ phận thừa, trùng chéo nhau, bao gồm cả việc hợp nhất những tổ chức có cùng hoặc gần chức năng, nhiệm vụ; tiếp tục thực hiện giảm biên chế theo nguyên tắc “thà ít mà tốt”. Đây là một công việc khó vì nó đụng chạm trực tiếp đến vấn đề lợi ích của cá nhân và tổ chức, nhưng khó mấy cũng phải quyết tâm thực hiện. V.I. Lê-nin từng khẳng định: “Chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”(18). Đồng thời, để xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, cần có nhiều yếu tố, trong đó coi trọng xây dựng nhà nước phục vụ, kiến tạo phát triển, một nhà nước gần dân, trọng dân, hết lòng phục vụ nhân dân; xây dựng chính quyền điện tử ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến, công nghệ cao trong cải cách nền hành chính quốc gia, trong điều hành của Quốc hội, của Chính phủ, của các bộ/ngành/địa phương, các cơ quan công quyền để bảo đảm tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình, phục vụ nhân dân một cách hiệu quả nhất.
Hai là, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đảng và nhà nước từ Trung ương đến các địa phương, cơ sở để họ thực sự là “công bộc của dân”, trong đó đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp cao, cấp chiến lược trong hệ thống chính trị. Mỗi nhà lãnh đạo, quản lý cần được học tập, rèn luyện để thực sự là người có đức, có tài, bồi dưỡng phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả, là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy trí tuệ tập thể. Chú trọng việc nêu gương của người đứng đầu, theo nguyên tắc đảng viên nêu gương trước quần chúng, người đứng đầu nêu gương trước tập thể; khi họ sai phạm, phải kiên quyết xử lý, không có vùng cấm.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, sách nhiễu quần chúng, vi phạm dân chủ. Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất. Nhà nước thể chế hóa đường lối của Đảng về các quyền tự do, dân chủ của nhân dân thông qua việc xây dựng hệ thống luật pháp khoa học, đồng bộ để không chỉ tạo khung pháp lý làm cơ sở cho hoạt động quản lý của Nhà nước, điều tiết các mối quan hệ xã hội và các hoạt động của xã hội, mà còn tạo điều kiện và môi trường cho việc thực thi quyền tự do, dân chủ của nhân dân trong khuôn khổ của pháp luật./.
--------------------------------
(1), (2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, t. 33, tr. 8, 9
(3), (4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 454, 435
(5) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 35, tr. 346
(6) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 33, tr. 121
(7) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 443
(8) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 36, tr. 368
(9), (10) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 453, 445
(11) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 33, tr. 116
(12) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 440
(13) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 34, tr. 52
(14) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 39, tr. 489
(15) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 365
(16) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 453
(17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 79
(18) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 459
0 Nhận xét