Bên cạnh việc giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta chủ trương ra sức tăng cường đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn trên thế giới, mà trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là hai nước lớn Liên Xô, Trung Quốc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc, giành độc lập và thống nhất nước nhà. Tuy nhiên, đặt trong điều kiện tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhiều xung đột giữa các nước lớn, giữa các nước tư bản chủ nghĩa với các nước xã hội chủ nghĩa và trong nội tại các nước xã hội chủ nghĩa với nhau, nhất là khi mâu thuẫn Liên Xô - Trung Quốc nảy sinh và ngày càng trở nên gay gắt, thì việc triển khai chiến lược đoàn kết quốc tế của Đảng, Nhà nước ta thực không hề đơn giản. Song nhờ trí tuệ thiên tài, kinh nghiệm hoạt động quốc tế phong phú, ứng xử ngoại giao khôn khéo Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua thách thức, khó khăn, củng cố, giữ gìn thành công tình hữu nghị lâu đời, thủy chung trước sau như một với Liên Xô và Trung Quốc.
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng quan hệ ngoại giao Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có tình cảm hết sức đặc biệt đối với cách mạng Liên Xô và Trung Quốc. Suốt hành trình 30 năm ở nước ngoài của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1911 - 1941), nếu tính theo con số so sánh tuyệt đối thì Người có thời gian ở Liên Xô không nhiều bằng ở một vài nước khác. Nhưng Liên Xô - nước Nga có vai trò to lớn trong việc hình thành tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh. Đây là khoảng thời gian hoạt động trong những điều kiện có nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn nhưng với nhiệt huyết của một người yêu nước, một chiến sĩ cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc vượt qua thử thách, kiên trì mục tiêu, rèn luyện và học tập những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc. Sau giai đoạn hoạt động ở Liên Xô là giai đoạn Người hoạt động ở Trung Quốc, tham gia sôi nổi vào phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc và tạo dựng mối quan hệ mật thiết với nhiều bạn bè, đồng chí, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc. Những đồng chí đó có người từng là bạn chiến đấu với Người từ lúc còn rất trẻ, cùng hoạt động trong cách mạng quốc tế đến khi trở thành những nguyên thủ quốc gia, tình bạn ấy càng được gắn bó mật thiết, cùng trợ giúp nhau trên con đường đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của mỗi dân tộc.
Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, nhưng ngay sau đó phải đối mặt với nhiều khó khăn: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm... Chính quyền cách mạng chưa được củng cố, lực lượng vũ trang còn non yếu. Vì vậy, một trong những cố gắng đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phá vỡ thế bao vây của kẻ thù và tranh thủ sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa. Ngày 22/9/1945, chỉ 20 ngày sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mật điện cho I.V.Stalin (qua Đại sứ Liên Xô A.E.Bogomolov tại Pháp), thông báo về sự ra đời của Chính phủ cách mạng ở Việt Nam. Năm 1949, cách mạng Trung Quốc giành thắng lợi, cách mạng Việt Nam có cơ hội mới để khôi phục quan hệ liên đảng không chỉ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà cả các đảng khác trong đó quan trọng nhất là Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngày 14/01/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời tuyên bố” gửi chính phủ các nước trên thế giới: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, để cùng nhau xây dựng hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”. Ngày 15/01/1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa công nhận Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tỏ ý sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ. Ngày 18/01/1950, Chính phủ Trung Quốc công nhận Chính phủ ta, như vậy Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc này phái đoàn của Người đang ở Nam Ninh. Sự kiện này đã góp phần thúc đẩy hàng loạt các nước tiến bộ khác trên thế giới công nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quan trọng nhất là anh cả Liên Xô trong phe các nước xã hội chủ nghĩa.
Hằng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường trao đổi thư, điện với các vị Lãnh đạo Đảng và nhà nước Trung Quốc. Từ năm 1954 đến năm 1969, Người đã nhiều lần sang thăm Trung Quốc không chỉ theo nghi lễ ngoại giao mà còn dưới danh nghĩa là “đi nghỉ” để hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong những chuyến thăm đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông. Hai người thường trao đổi với nhau về tình hình cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc cũng như phong trào cộng sản quốc tế. Trao đổi với Mao Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã hết lòng giúp đỡ, viện trợ cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Sau khi được Trung Quốc đặt quan hệ ngoại giao (18/01/1950), ngày 21/01/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh. Nhân dịp này, Người đã đề nghị Chính phủ Trung Quốc thông báo cho Stalin biết Người đang thăm Trung Quốc và đề nghị được gặp Stalin để thông báo cho Chính phủ Liên Xô biết về tình hình cách mạng Việt Nam. Ngày 23/01/1950, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi công hàm cho Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, đề nghị hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao chính thức và trao đổi đại sứ. Mao Trạch Đông, lúc đó đang đàm phán với Stalin để ký Hiệp ước Hữu nghị, Đồng minh và Tương trợ Trung - Xô tại Moskva, đã đề nghị Stalin mời Hồ Chí Minh tới Moskva để bàn về việc hợp tác Xô - Việt. Ngày 25/01/1950, khi ở Bắc Kinh, Hồ Chí Minh nhận được điện của Stalin, cảm ơn lời chúc mừng nhân sinh nhật lần thứ 70. Bức điện này được đăng tải trên báo Sự thật. Ngày 30/01/1950, Chính phủ Liên Xô tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho tình hữu nghị, hợp tác Việt - Xô cũng như Việt - Trung, đã tạo nên sự hứng khởi, một mối tình sâu nặng, tạo ra những chiến công trong lao động, chiến đấu của nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô cũng như Trung Quốc. Suốt 70 năm trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử tình hữu nghị, hợp tác Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc vẫn không ngừng củng cố và phát triển.
2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giải quyết mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về vai trò, tầm quan trọng của Liên Xô, Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam là “mọi thắng lợi của Đảng ta và của nhân dân ta không thể tách rời sự ủng hộ nhiệt tình của Liên Xô, Trung Quốc...”1. Quan điểm này chính là cơ sở thiết yếu để giữ gìn quan hệ mật thiết với Liên Xô, Trung Quốc, bất kể mọi biến động của tình hình. Chúng ta đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới mà Liên Xô, Trung Quốc là những đại diện tiêu biểu. Tuy nhiên nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy thử thách, gay go, ác liệt, cũng là lúc những bạn bè thân cận (Liên Xô, Trung Quốc) nảy sinh bất đồng, mâu thuẫn, quan hệ hai nước giảm sút nghiêm trọng. Trong bối cảnh hai nước ra sức tập hợp lực lượng để củng cố vị trí của mình, Việt Nam trở thành một trong những tiêu điểm thể hiện đối sách của mỗi nước và liên quan đến lợi ích của các cường quốc đại diện cho quyền lực của thế giới.
Trước những chuyển biến đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta không xem nhẹ tính chất khó khăn, phức tạp của tình hình, đặt ra nhiệm vụ làm giảm thiểu tối đa tác hại của sự tranh chấp giữa Liên Xô - Trung Quốc và tiềm năng lợi dụng của Mỹ, không ngừng củng cố, tăng cường quan hệ Việt - Xô - Trung. Quá trình xử lý quan hệ này của Đảng và Nhà nước ta dựa trên những quan điểm chỉ đạo của Hồ Chí Minh, cụ thể:
Một là, kiên trì tình đoàn kết hữu nghị với Liên Xô và Trung Quốc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Quan điểm “củng cố không ngừng tình đoàn kết hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác” được Hồ Chí Minh nêu lên ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ và hoạch định đường lối đối ngoại chống Mỹ, cứu nước cũng như trong quá trình xử lý quan hệ Việt - Xô - Trung. Quan điểm này phản ánh nhu cầu khách quan, mang tính quy luật và lịch sử trong quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc.
Hai là, không can thiệp vào công việc nội bộ của Liên Xô, Trung Quốc. Trước những sự kiện phức tạp trong tình hình Liên Xô, Trung Quốc; giữa Liên Xô - Trung Quốc..., Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý Đảng và Chính phủ ta phải giữ thái độ đúng mực, hết sức cẩn trọng trong mọi góp ý, trao đổi. Đây là biểu hiện ở mức cao nhất sự tôn trọng đối với hai nước lớn anh em, là sự tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc bang giao quốc tế - điều kiện quan trọng đảm bảo cho quan hệ Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc trong những giai đoạn khó khăn nhất không sứt mẻ.
Ba là, nỗ lực hóa giải, thu hẹp bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc, coi đó là cơ sở để củng cố quan hệ hữu nghị Việt - Xô - Trung. Một khi Liên Xô, Trung Quốc bất hòa, mâu thuẫn, việc củng cố quan hệ Việt - Xô - Trung chắc chắn gặp nhiều trở ngại - đó là điều mà Hồ Chí Minh ý thức đầy đủ hơn ai hết. Gạt bỏ những rào cản trên con đường thắt chặt quan hệ Việt - Xô - Trung, hàn gắn quan hệ giữa hai nước lớn - trụ cột của phong trào cách mạng thế giới là yêu cầu thực tế, nhất là trong điều kiện “bọn đế quốc đang âm mưu phá hoại sự nhất trí của các nước xã hội chủ nghĩa, âm mưu gây một cuộc chiến tranh mới”, thì hơn bao giờ hết, “sự nhất trí của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu có một ý nghĩa đặc biệt to lớn”. Vì thế, yêu cầu cũng là trọng trách nặng nề mà Hồ Chí Minh đặt ra cho Đảng Cộng sản Việt Nam là “ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em”2.
Bốn là, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, ứng xử linh hoạt, có lý, có tình trong quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc. Khi mâu thuẫn Xô - Trung ngày càng gia tăng, cả hai nước đều muốn tranh thủ mở rộng ảnh hưởng của mình đối với Việt Nam, lái Việt Nam đi theo đường lối của mình, thậm chí có lúc còn lôi kéo và gây sức ép. Trước tình thế này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương giải quyết quan hệ Việt - Xô - Trung trên quan điểm độc lập, tự chủ, chống khuynh hướng áp đặt; kiên định lập trường đoàn kết với cả hai nước.
3. Ứng xử khôn khéo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mối quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc
Với kinh nghiệm hoạt động quốc tế nhiều năm, với uy tín quốc tế, tài trí ngoại giao và sự hiểu biết sâu sắc các nước anh em, nhằm mục tiêu tăng cường vững chắc quan hệ Việt - Xô - Trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Chính phủ ta tiến hành hàng loạt những hoạt động ngoại giao có trọng điểm, đặt vào trọng tâm đối ngoại: Giữ quan hệ cân bằng với cả Liên Xô và Trung Quốc - điều kiện tiên quyết để củng cố quan hệ với hai nước anh em. Đây là yêu cầu quan trọng, nhiệm vụ cấp thiết, đồng thời cũng là thử thách to lớn trong điều kiện các quan hệ quốc tế vào thời điểm đó chồng chéo, đan xen nhau trong quan hệ của các siêu cường, không dễ phân định tách bạch và vượt qua được quả không hề dễ dàng. Nhưng bằng tài trí, sự khéo léo trong ứng xử ngoại giao, Hồ Chí Minh đã giữ vững mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp đối với Liên Xô và Trung Quốc trong bối cảnh lịch sử phức tạp, nhạy cảm này.
Để giữ gìn quan hệ cân bằng, đoàn kết, hữu nghị với cả Liên Xô và Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta chủ trương ứng phó nhanh nhạy, mềm dẻo với mọi biến chuyển của tình hình, đạt tới sự tế nhị và cân bằng. Các chuyến thăm những năm 1956 - 1960 do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu khá liên tục và đồng đều với cả Liên Xô, Trung Quốc: Năm 1956, thăm chính thức Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ; năm 1957, thăm 9 nước, trong đó có Liên Xô, Trung Quốc; trong hai năm 1959 - 1960, hai lần thăm Trung Quốc và Liên Xô. Trong hai năm 1965 và 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Trung Quốc hai lần, thì Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N. Kosygin cũng được Việt Nam đón tiếp trọng thị và thân thiết (2/1965), đồng thời hai đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta cũng được cử đi thăm Liên Xô (4/1965, 3/1966). Tuân thủ phương châm “chưa hiểu thì chưa nên bầy tỏ thái độ” của Hồ Chí Minh, suốt thời kỳ mâu thuẫn Xô - Trung diễn ra gay gắt, trên các phương tiện chính thống, Đảng và Nhà nước ta đã không bàn luận, không bày tỏ thái độ đồng tình hay phản đối cuộc đấu tranh nội bộ trong Đảng Cộng sản Liên Xô (1956), hay đối với Cách mạng văn hóa của Trung Quốc, cũng như không tham gia các cuộc tranh luận công khai giữa hai bên, tránh gây ra những hiểu lầm không cần thiết. Đặc biệt trong những năm 1960-1964, khi Trung Quốc thường xuyên nêu vấn đề “chống chủ nghĩa xét lại”, “tách khỏi Liên Xô”, còn Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô liên tiếp gửi thông điệp (13 bức thư và thông báo) đề cập đến bất đồng Xô - Trung, đề nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam phải thay đổi lập trường với Trung Quốc, thì Hồ Chí Minh vẫn luôn mềm mỏng và kiên định giải thích: “Đảng chúng tôi luôn luôn giáo dục cho cán bộ, đảng viên và cho quần chúng nhân dân lòng yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản, luôn luôn tăng cường đoàn kết hữu nghị với Liên Xô, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và các nước anh em khác”3. Đồng thời, khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trao đổi và thông báo về các vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam với lãnh đạo Liên Xô, thì cũng đồng thời thông báo, trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc. Năm 1965, Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta hoan nghênh ý kiến của Liên Xô đề nghị lập Mặt trận thống nhất và lập cầu hàng không để giúp đỡ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhưng khi Trung Quốc không đồng ý, thì ta tạm thời gác vấn đề này lại, đồng thời công khai cải chính những tin tức nói Trung Quốc cản trở hàng viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc.
Những mâu thuẫn, xích mích giữa hai nước Liên Xô và Trung Quốc đã gây ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng chung của thế giới cũng như cách mạng Việt Nam. Ngày 02/11/1960, đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế đã họp tại Mátxcơva. Tại cuộc họp này, cả Liên Xô và Trung Quốc không tìm được tiếng nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ứng xử khéo léo, với uy tín cao, kết hợp giải thích, thuyết phục và tìm cách hòa giải vấn đề này. Trong bài phát biểu trước hội nghị Người nhấn mạnh: “Trong sự đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa, giữa các đảng Mác - Lênin trên thế giới, sự đoàn kết giữa Liên Xô và Trung Quốc, giữa Đảng cộng sản Liên Xô và Đảng cộng sản Trung Quốc có một tầm quan trọng đặc biệt. Chúng tôi cảm thấy rất sâu sắc tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa Liên Xô và Trung Quốc... Chung ta đều là anh em ruột thịt trong đại gia đình cộng sản quốc tế. Để đánh thắng kẻ thù chung chúng ta nhất định phải đoàn kết chặt chẽ”4. Nhờ đó, cuối cùng Người đã đưa hai đoàn Liên Xô, Trung Quốc đi tới đồng thuận và Tuyên bố chung của Hội nghị 81 đảng được thông qua. Không những vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khéo léo tỏ rõ lập trường quan điểm của mình. Từ năm 1966, ở Trung Quốc diễn ra Cách mạng văn hóa, Người thực hiện chủ trương “cách mạng văn hóa là vấn đề nội bộ Trung Quốc”. Không tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối, nhưng khi được Chủ tịch Mao Trạch Đông gợi ý thực hiện cách mạng văn hóa ở Việt Nam, Người đã nhã nhặn, khéo léo từ chối: “Việt Nam trước mắt không thể làm đại cách mạng văn hóa, chúng tôi còn làm đại cách mạng võ hóa đã”. Mao Chủ tịch tán thành: “Đúng vậy, Việt Nam không thể làm đại cách mạng văn hóa được”5.
Có thể nói trong mối quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp hài hoà giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa cương và nhu, giữa chiến lược và sách lược, giữa chủ động và sáng tạo, vô cùng linh hoạt trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, từ đó nhận biết, nắm bắt thời điểm để xử lý thành công quan hệ Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc, bảo vệ và thực hiện tốt nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc.
4. Luôn tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của Liên Xô và Trung Quốc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thống nhất và xây dựng nước nhà
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, ngoại giao là một mặt trận quan trọng. Trong mọi hoàn cảnh Chủ tịch Hồ Chí luôn tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, đặc biệt là sự ủng hộ không chỉ về mặt tinh thần mà còn là vật chất to lớn của hai nước lớn xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh thần quốc tế vô sản và bằng sự nỗ lực cao độ, Đảng, Nhà nước ta đã giữ gìn tình cảm quốc tế thủy chung, trước sau như một, không ngừng củng cố quan hệ, tranh thủ được Liên Xô, Trung Quốc từng bước đồng tình, đi đến ủng hộ đường lối, mục tiêu, lập trường, quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta, giành cho ta sự giúp đỡ to lớn, quý báu về mọi mặt, đặc biệt là viện trợ quân sự. Từ năm 1950 trở đi, Liên Xô - nước có nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, bắt đầu viện trợ cho Việt Nam, ngoài một số vũ khí thông thường, còn phần lớn là những vũ khí hiện đại như máy bay, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa, pháo phòng không, pháo binh... Số lượng hàng đầu tiên gồm “pháo cao xạ 37 ly, một số xe vận tải môlôtôva và thuốc quân y”. Nhìn chung, nếu từ tháng 5-1950 đến tháng 6-1954, Việt Nam nhận được 21.517 tấn hàng viện trợ quốc tế với tổng trị giá 54 triệu rúp từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác. Những năm 1955 - 1960, Liên Xô đã viện trợ cho ta một khối lượng hàng quân sự là 29.996 tấn, gồm hàng hậu cần, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Từ năm 1961-1964, Liên Xô gửi sang Việt Nam 47.223 tấn hàng quân sự - số viện trợ quân sự trong một thời gian ngắn đã tăng gần gấp đôi. Trong giai đoạn 1965 - 1968, khi quan hệ Việt Nam - Liên Xô có bước phát triển đáng kể, số hàng viện trợ quân sự của Liên Xô cũng tăng vọt: 226.969 tấn6. Trong những năm 1969-1972, mức viện trợ quân sự của Liên Xô cho ta đạt 143.793 tấn. Từ năm 1973 - 1975, Liên Xô chuyển sang Việt Nam 65.601 tấn hàng hậu cần và trang bị vũ khí, kỹ thuật7.
Trung Quốc cũng đã dành cho nhân dân ta sự ủng hộ, viện trợ quý báu trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá. Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tổng khối lượng viện trợ quốc tế ước tính 2.362.682 tấn, trị giá 7 tỷ rúp8, thì viện trợ của Trung Quốc chiếm khoảng trên 50% tổng số viện trợ nói trên. Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc viện trợ cho ta chủ yếu là vũ khí bộ binh, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, một phần nhiên liệu, phương tiện vận tải và một số xe quân sự, pháo và đạn pháo, mặc dù trong khoảng thời gian trên, Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, mức thu nhập bình quân tính theo đầu người còn thấp. Đồng thời Trung Quốc cử nhiều cố vấn quân sự sang giúp Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Có thể khẳng định rằng, việc Trung Quốc và Liên Xô viện trợ cho Việt Nam là sự ủng hộ kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi để cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta tìm thấy những quan điểm quan trọng của Người cho rằng, việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước lớn xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Trung Quốc luôn là một trọng tâm, hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Bằng tài ngoại giao xuất chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho hai nước dân chủ lớn nhất là Liên Xô và Trung Quốc đồng ý viện trợ, tạo dựng mối quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa mang tầm chiến lược, có ảnh hưởng to lớn đến cách mạng Việt Nam. Đồng thời, giúp nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về cách mạng Việt Nam, tạo ra phong trào quốc tế rộng rãi ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, đưa nước ta lên một vị thế mới trên trường quốc tế. Những quan điểm, phong cách ứng xử ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giải quyết mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc đã trở thành bài học kinh nghiệm quý báu cho đường lối đối ngoại của nước ta ngày nay trong bối cảnh thế giới ngày càng diễn biến phức tạp.
ThS. Lường Thị Lan
Theo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Giang Hải (st)
0 Nhận xét