Không chỉ là lãnh tụ phong trào đấu tranh đòi quyền dân sự của người da đen, mục sư Martin Luther King còn là người phản đối mạnh mẽ chiến tranh Việt Nam.
Trong lần đầu tiên công khai phản chiến khi trả lời báo chí sau buổi nói chuyện tại Đại học Howard vào tháng 3 năm 1965, King xác quyết rằng cuộc chiến tại Việt Nam “không mang lại điều gì cả”, “hàng triệu đô la đã được chi ra mỗi ngày để duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam trong khi đất nước của chúng ta lại không thể bảo vệ quyền của những người da đen ở Selma [thành phố miền Nam bang Alabama, nơi đang diễn ra các cuộc biểu tình đòi quyền bầu cử của người da đen]” và kêu gọi đàm phán để chấm dứt chiến tranh.
Quan điểm phản chiến của King đã phải hứng chịu chỉ trích mạnh mẽ không chỉ từ báo chí mà còn từ ngay cả những cộng sự của ông trong phong trào đấu tranh đòi quyền dân sự. Họ cho rằng mở rộng thông điệp về dân quyền sang các vấn đề ngoại giao sẽ gây tổn hại đến phong trào đấu tranh của người da đen. Bản thân King cũng quan ngại rằng việc chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa ông với Tổng thống Johnson, người vừa ký ban hành Đạo luật Dân quyền vào tháng 7 năm 1964 và đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán qua con đường ngoại giao để kết thúc chiến tranh Việt Nam. Bênh cạnh đó, e ngại bị chụp mũ là cộng sản, một việc có thể làm giảm ảnh hưởng của các hoạt động đấu tranh dân quyền, King đã bớt chỉ trích chính sách của Mỹ tại Việt Nam từ cuối năm 1965 đến 1966.
Nhưng sang đến năm 1967, hoạt động phản chiến của King lại trở nên mạnh mẽ hơn bởi “lương tâm không cho tôi lựa chọn khác”, như King viết trong tự truyện:
“Khi lần đầu tiên lên tiếng chống chiến tranh Việt Nam, hầu như mọi tờ báo khắp cả nước đều chỉ trích tôi. Đó là giai đoạn trầm lắng trong đời tôi. Tôi cảm thấy khó khăn mỗi khi mở xem một tờ báo. Sự chỉ trích không chỉ đến những từ người da trắng mà ngay cả người da đen cũng phản đối. Nhưng rồi tôi nhớ ra một ký giả đã hỏi tôi rằng “Tiến sĩ King, ông có nghĩ rằng giờ đây ông sẽ thay đổi quan điểm không, bởi quá nhiều người đang chỉ trích ông? Ngay cả những người đã từng dành sự kính trọng cho ông cũng đang mất dần sự kính trọng ấy. Ông còn làm ảnh hưởng đến ngân sách của Hội nghị Lãnh đạo Cơ đốc Miền Nam; mọi người đã cắt giảm các khoản ủng hộ. Ông có cho rằng ông sẽ phải thay đổi quan điểm cho phù hợp với chính sách của chính quyền?”. Đó là một câu hỏi hay, bởi nhà báo đã đặt vấn đề rằng tôi sẽ nghĩ về những gì sẽ xảy đến với tôi hay những điều sẽ xảy ra với sự thật và công lý trong tình huống này.
Trong một vài tình thế, Sự Hèn nhát đặt câu hỏi, “Việc đó có an toàn không?”, Tính Thực dụng hỏi “Chuyện này có khôn ngoan không?”, còn Hư danh xông đến và hỏi “Nó có được lòng mọi người không?”, nhưng Lương tâm hỏi tôi “Nó có đúng đắn không?”. Và sẽ đến lúc một người phải lựa chọn, không phải lựa chọn giữa sự an toàn, khôn ngoan hay được lòng người khác, mà người đó phải làm một việc bởi Lương tâm mách bảo anh ta rằng đó là việc đúng đắn. Tiêu chuẩn cuối cùng để đánh giá một con người không phải là những lựa chọn trong hoàn cảnh thuận lợi, mà là chỗ đứng của anh ta vào những thời điểm thử thách, những thời khắc của sự khủng hoảng và tranh cãi sâu sắc.”
Tháng 3 năm 1967, King lần đầu tiên dẫn đầu một cuộc diễu hành phản chiến tại Chicago và củng cố mối liên hệ giữa cuộc chiến và tình trạng bất công tại quê nhà: “Những quả bom ở Việt Nam đang nổ tại quê nhà – chúng hủy hoại giấc mơ về một nước Mỹ tử tế”.
Không đầy hai tuần sau cuộc diễu hành này, ngày 4 tháng 4 năm 1967, King phát biểu trước 3000 người tại Nhà thờ Riverside ở New York với bài diễn văn phản chiến nổi tiếng nhất của ông mang tên “Hơn cả Việt Nam: Thời khắc phá vỡ sự im lặng”.
Trong bài diễn văn, King nhắc đến sự tàn phá Việt Nam dưới bàn tay của “sự kiêu ngạo chết người của phương Tây”, lưu ý rằng “chúng ta ở bên phía giàu có và an toàn trong khi tạo ra địa ngục cho những người nghèo khổ”. Theo King, chiến tranh Việt Nam chỉ là một triệu chứng cấp bách nhất của chủ nghĩa thực dân Mỹ trên toàn thế giới.
King chỉ ra rằng cuộc chiến đã “lấy đi những thanh niên da đen bị xã hội chúng ta hủy hoại rồi mang chúng đến một nơi cách 8 ngàn dặm để bảo lãnh cho tự do ở Đông Nam Á, thứ mà chúng đã không tìm thấy ngay ở vùng Tây Nam Georgia và Đông Harlem [những trung tâm của phong trào đấu tranh đòi quyền dân sự của người da đen]”. Ông cũng nhắc đến những ảnh hưởng tai hại của cuộc chiến đối với cả dân nghèo Mỹ lẫn nông dân Việt Nam và nhấn mạnh rằng việc nước Mỹ cần có những bước đi thực chất để kết thúc cuộc chiến thông qua con đường phi bạo lực là một mệnh lệnh đạo đức: “Nếu linh hồn Mỹ bị đầu độc hoàn toàn, một phần tử thi được khám nghiệm sẽ có tên Việt Nam.”
Sau bài phát biểu của King, cả hai tờ báo uy tín nhất nước Mỹ là New York Times và Washington Post đều đăng bài xã luận chỉ trích. Ngay cả những cộng sự của King trong phong trào dân quyền cũng phản đối King nhập nhằng giữa việc phản chiến và phong trào đòi quyền dân sự. Mặc dù vậy, King vẫn tiếp tục phản đối chiến tranh Việt Nam ở cả khía cạnh đạo đức lẫn kinh tế: 11 ngày sau bài phát biểu này, King dẫn đầu đoàn biểu tình phản chiến trước trụ sở Liên hợp quốc.
Trong thời gian sau đó, King và các cộng sự tiếp tục các hoạt động thúc đẩy hòa bình vào thời điểm bầu cử tổng thống năm 1968. King nhấn mạnh mối liên hệ giữa thái độ phản chiến của ông với các hoạt động dân quyền trong các bài diễn thuyết khắp đất nước. Ông nhắc đến 3 vấn đề gây tai họa cho nước Mỹ: nạn phân biệt chủng tộc, đói nghèo và chiến tranh Việt Nam. Trong bài giảng Chúa Nhật cuối cùng tại Nhà thờ Quốc gia ở Washington D.C., King cho rằng “chiến tranh Việt Nam là một trong những cuộc chiến phi nghĩa nhất trong lịch sử thế giới”.
Chỉ 4 ngày sau, ngày 4 tháng 4 năm 1968, đúng 1 năm sau bài diễn văn “Hơn cả Việt Nam”, King bị ám sát khi đang đứng ở ban công tầng 2 khách sạn Lorraine tại thành phố Memphis, Tennessee.
Năm 1983, Tổng thống Ronald Regan ký đạo luật lấy ngày thứ Hai của tuần thứ ba tháng Một hàng năm làm ngày lễ liên bang tưởng niệm Martin Luther King. King là một trong hai người Mỹ, cùng với Quốc phụ George Washington, có ngày lễ tưởng niệm quốc gia.
0 Nhận xét