CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH – NỀN TẢNG CỦA THI ĐUA ÁI QUỐC TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

01:46 |




Tác giả: Đại úy, ThS Hà Tiến Linh

Khoa LLCT&KHXHNV – Học viện An ninh nhân dân

 Tóm tắt: Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và phát động sâu, rộng phong trào này trên toàn quốc. Từ đó, thi đua ái quốc đã trở thành quan điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh, được toàn Đảng, toàn dân ta thực hành trong suốt các thời kỳ cách mạng và còn nguyên vẹn giá trị đến ngày hôm nay. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản như: đối tượng thi đua, nội dung thi đua, phương pháp thi đua, cách thức thi đua… Trong đó, Hồ Chí Minh chỉ rõ “cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của phong trào thi đua ái quốc. Trên cơ sở nghiên cứu về quan điểm này của Hồ Chí Minh, bài viết chỉ ra ý nghĩa to lớn của nó đối với lực lượng Công an nhân dân, nhất là trong bối cảnh toàn lực lượng đang thi đua quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Từ khóa: Cần, kiệm, liêm, chính; Công an nhân dân; Thi đua ái quốc; xây dựng lực lượng.

1. Cần, kiệm, liêm chính – nền tảng của Thi đua ái quốc

Nét nổi bật chính của tư duy Hồ Chí Minh là độc lập, tự chủ, sáng tạo. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh có sự hiện hữu của các giá trị tinh hoa nhân loại, không kể đó là hệ tư tưởng của phong kiến hay tư sản, nếu phù hợp với thời đại mới đều được Người kế thừa và phát huy lên một tầm cao mới duới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong đó, nổi bật các giá trị đạo đức của chuẩn mực đạo đức cách mạng, bao gồm bốn phẩm chất chính: “Cần, kiệm, liêm, chính”.

Năm 1949, khi mà phong trào Thi đua ái quốc đã bắt đầu được phát động và triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” bao gồm bốn bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên báo “Cứu quốc”. Mở đầu tác phẩm này, Người khẳng định: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc[1].

Lý giải vì sao “Cần, kiệm, liêm, chính” lại là nền tảng của Thi đua ái quốc, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nền Dân chủ Cộng hoà, cho đến mấy năm kháng chiến, dân ta nhờ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, mà đánh thắng được giặc lụt, giặc dốt, giặc thực dân và giặc đói”[2]. Như vậy, “Cần, kiệm, liêm, chính” theo Hồ Chí Minh là nguồn sức mạnh nội sinh của nhân dân ta, từ nguồn sức mạnh đó, ta đã đánh thắng giặc lụt, giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm.

“Cần, kiệm, liêm, chính” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất tạo nên nền tảng căn cơ nhất về đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Các chuẩn mực đạo đức này có nguồn gốc từ Nho giáo, song đã được Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao mới theo tinh thần: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”[3].

Trong nhiều tác phẩm, Hồ Chí Minh nhấn mạnh bốn đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính” và được đặt lên hàng đầu trong chuẩn mực đạo đức cách mạng. Sáng 3/9/1945, ngày độc lập đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đề ra những nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay. Trong đó, Người yêu cầu: “Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH.”[4]. Hồ Chí Minh cho rằng giáo dục “Cần, kiệm, liêm, chính” là biện pháp để “làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.”[5]. Đây là quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh, suốt thời gian sau đó, trong thư gửi đội ngũ viên chức (1946), thư gửi hội phụ nữ (1946), thư gửi kiều bào ở Pháp (1946), phát động đời sống mới (1946), thư gửi đồng bào Việt Bắc (1946)… hay ngay trong Tư cách người Công an cách mệnh, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”[6]. Và sau này, khi gửi gắm tình cảm để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Người cũng nhắn nhủ phải thực hiện “Cần, kiệm, liêm, chính” ngay trong Di chúc. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh “Cần, kiệm, liêm, chính” là những chuẩn mực đạo đức đóng vai trò nền tảng, cơ sở của xã hội mới.

Hồ Chí Minh luận giải “Cần” tức là “siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai.”[7]. “Cần” là nền tảng của thi đua ái quốc, bởi nếu thực hiện “cần” thì lao động có kế hoạch, có mục tiêu, từ đó tăng năng suất và hiệu quả. Nếu nhân dân cả nước thực hiện “cần”, sẽ giúp kháng chiến mau giành được thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. Chữ “cần” phải được hiểu với nghĩa luôn luôn chăm chỉ, luôn luôn cố gắng, “lười biếng là kẻ địch của chữ cần, cũng là kẻ địch của dân tộc”[8]. Đồng thời, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thực hiện “Cần” là “Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài”[9]. Hồ Chí Minh đưa ra ví dụ rất rõ cho chữ “Cần” là nền tảng của toàn xã hội: “Toàn dân tộc ta đoàn kết thành một khối. Công việc của mọi người, mọi địa phương, mọi ngành đều phối hợp với nhau, như một chuyến xe lửa. Tất cả mọi người, mọi địa phương, mọi ngành đều cố gắng, đều siêng năng, thì nước ta sẽ tiến bộ rất nhanh chóng”[10].

Về chữ “Kiệm”, Hồ Chí Minh luận giải “Kiệm” “Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”[11]. “Kiệm” là tiết kiệm thời gian, tiền bạc, của cải… Trong Thi đua ái quốc, “Kiệm” là nền tảng, bởi “CẦN mà không KIỆM, “thì làm chừng nào xào chừng ấy”. “Cần” và “Kiệm” phải đi đôi với nhau như hai chân của một con người, thi đua ái quốc phải được xây dựng trên “cần” và “kiệm”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một mặt, chúng ta thi đua KIỆM. Một mặt, chúng ta thi đua CẦN. Kết quả CẦN cộng với kết quả KIỆM là: Bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiền tiến trên thế giới”[12]. Thế nên, thi đua ái quốc là “thi đua thực hành tiết kiệm”[13].

“Liêm” được Hồ Chí Minh luận giải là “trong sạch, không tham lam”[14]. Trong thi đua ái quốc, “Liêm” phải đi đôi với “Kiệm”, cũng như “Kiệm” phải đi đôi với “Cần”. Tham lam là nguồn gốc dẫn tới bất liêm, bởi vậy “Liêm” cần phải gắn với “Kiệm”. Trong thi đua ái quốc, cán bộ phải thực hành chữ “Liêm” để làm kiểu mẫu cho nhân dân. Người chỉ rõ “Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân”[15], nếu chữ “Liêm” được lan tỏa, toàn xã hội thực hiện thì “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”[16].

          Chữ “Chính” được Hồ Chí Minh luận giải: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”[17]. Trong thi đua ái quốc, “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH”[18]. “Chính” được Hồ Chí Minh luận giải trên ba mối quan hệ. Thứ nhất, đối với mình, “Chính” là không tự kiêu, tự đại. Thi đua tự mình thực hiện “Chính” là “Tiến bộ không giới hạn. Mình cố gắng tiến bộ, thì chắc tiến bộ mãi”[19]. Thứ hai, đối với người, Chính là “Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác – Ái.”[20]. Thứ ba, đối với việc, “Chính” là đặt việc nước lên trên việc tư, làm việc phải có sáng kiến, có kế hoạch, cẩn thận và kiên quyết làm cho thành công. “Chính” là “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh.”[21].

Nội hàm “Cần, kiệm, liêm, chính” trong tư tưởng Hồ Chí Minh hàm chứa những chuẩn mực căn bản nhất để đặt nền tảng cho một xã hội mới, trong đó có thi đua ái quốc. Thi đua ái quốc là thi đua “Cần, kiệm, liêm, chính” và ngược lại, “Cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng, gốc rễ của thi đua ái quốc. Thực hành “Cần, kiệm, liêm, chính” không chỉ là yêu cầu cần thiết trong tu dưỡng đạo đức của mỗi người dân trong thi đua ái quốc mà còn là phương thức để xây dựng một Đảng cách mệnh chân chính, xây dựng xã hội mới dân chủ, văn minh, giàu mạnh. Trong phong trào thi đua ái quốc, Hồ Chí Minh luôn bày tỏ một niềm lạc quan tất thắng trên nền tảng của “Cần, kiệm, liêm, chính”, Người nêu rõ “Chúng ta nhất định đạt được, vì mỗi người và tất cả dân ta đều Thi đua: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”[22]

2. Ý nghĩa của thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” đối với lực lượng Công an nhân dân trong phong trào Thi đua ái quốc

Cách đây 75 năm, ngoài việc ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu Sáu điều dạy Công an nhân dân, đây là tài sản tinh thần vô giá của lực lượng Công an đến ngày hôm nay. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của thi đua ái quốc thì điều đầu tiên mà Người căn dặn lực lượng Công an nhân dân là “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”[23]. Rõ ràng, quan điểm về “Cần, kiệm, liêm, chính” trong tư tưởng Hồ Chí Minh có tính nhất quán và xuyên suốt, vừa là nền tảng là động lực của xây dựng xã hội, xây dựng con người. Hiện nay, lực lượng Công an nhân dân đang nỗ lực quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Với yêu cầu đó, ý nghĩa của “Cần, kiệm, liêm, chính” trong thi đua ái quốc lại càng quan trọng đối với lực lượng Công an nhân dân. Thời gian tới, việc học tập quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được nhận thức và thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:

Một là, tăng cường nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân về vai trò của các phẩm chất đạo đức cách mạng, trong đó nền tảng là “Cần, kiệm, liêm, chính”. Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”[24], lực lượng Công an nhân dân cần ý thức được phong trào thi đua ái quốc chỉ thắng lợi khi thực hiện điều căn cốt, nền tảng nhất đó là rèn luyện “Cần, kiệm, liêm, chính”, đó là “công việc làm hàng ngày” mà người cán bộ Công an phải thực hiện. Do vậy, mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng hàng ngày, coi đó là một hình thức thiết thực để xây dựng nền tảng phong trào thi đua ái quốc trong lực lượng Công an nhân dân.

Hai là, nhận thức sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là đông lực của sự phát triển, khen thưởng là cách thức ghi nhận hiệu quả của thi đua, đồng thời khen thưởng cũng là biện pháp khích lệ thi đua. Tuy nhiên, đối với mỗi cán bộ Công an nhân dân, với đặc thù nghề nghiệp, tính bí mật cao nên không phải chiến công nào của công an cũng được khen thưởng, được lên báo để vẻ vang. Do đó, Người đã dạy “Bất kỳ làm việc gì có ích lợi cho cách mạng, cho nhân dân, có ích lợi cho giai cấp, đều là vẻ vang, không phải được khen mới là có công, mà mỗi người đều cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình là vẻ vang cả”[25]. Đây cũng là phẩm chất đạo đức mà người cán bộ Công an cần có, đó là đức tính cần cù, tận tụy phụng sự nhân dân, phục vụ cách mạng.

Ba là, song hành với rèn luyện đạo đức cách mạng, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân muốn thi đua ái quốc đạt hiệu quả cần nêu ý thức trách nhiệm, quyết tâm lớn và sự nỗ lực cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: Một là, cán bộ và công nhân phải thẩm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là, kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phân”[26]. Tức là muốn thi đua đạt kết quả cao, thì ngoài kế hoạch tốt còn cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, động viên đông đảo cán bộ, chiến sỹ hưởng ứng tham gia. Ngoài ra, lãnh đạo cần đi sâu đi sát phong trào, quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và nêu cao tinh thần quyết tâm thực hiện.

Bốn là, nhận thức lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua ái quốc phải gắn với mục tiêu của sự nghiệp đổi mới. Hiện nay, lực lượng Công an nhân dân đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết này, phong trào thi đua nên hướng về những yếu tố thuộc nội tại người cán bộ, chiến sỹ, tức là xây dựng nhân cách, đạo đức, phong cách, bản lĩnh chính trị... Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII; Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”.

Năm là, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Cần, kiệm, liêm, chính” không chỉ là nền tảng của thi đua ái quốc mà còn là vũ khí để tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân. Nói chuyện với lực lượng Công an nhân dân, Hồ Chí Minh căn dặn: “phải đoàn kết nhất trí, giữ vững đạo đức cần, kiệm, liêm, chính; kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí”[27]. Theo Hồ Chí Minh, “Cần, kiệm, liêm, chính” như ánh sáng của đạo đức, còn tham ô, quan liêu, lãng phí là bóng tối của sự suy thoái. Các tiêu cực này là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, mà chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch bên trong lòng mỗi người. Nhận thức rõ lời dạy của Người “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn”[28]. Do đó, trong thi đua ái quốc, phải gắn kết việc thi đua với chống chủ nghĩa cá nhân bằng đạo đức cách mạng; kiên quyết chống lại quan liêu, tham ô, lãng phí; nâng cao nhận thức cho toàn lực lượng về chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện của nó và coi việc chống chủ nghĩa cá nhân cũng là một trong những hình thức của thi đua ái quốc.

Sáu là, thi đua ái quốc trong lực lượng Công an nhân dân cần làm tốt tổ chức giám sát, đôn đốc kiểm tra, đánh giá tổng kết, trong đó chú trọng việc phát hiện các sáng kiến, kinh nghiệm hay, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Có hình thức khen thưởng kịp thời để động viên, cổ vũ tinh thần thi đua ái quốc và đánh giá, rút kinh nghiệm để phong trào tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn, như vậy mới mang lại ý nghĩa thực sự to lớn. Quán triệt lời dạy “Cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của thi đua ái quốc, các phong trào cần đánh giá, tổng kết về hiệu quả thực hiện, rèn luyện đạo đức cách mạng trong cán bộ, chiến sỹ, nhất là đánh giá vai trò tiên phong, gương mẫu về đạo đức của người đứng đầu các đơn vị.

Suốt 75 năm qua, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” “Tư cách người công an cách mệnh” luôn là niềm cổ vũ tinh thần lớn lao cho những chiến công vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân.

Lực lượng Công an nhân dân từ khi ra đời, trưởng thành và phát triển luôn quán triệt sâu sắc những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, trọng trách và nhiệm vụ của lực lượng Công an ngày càng nhiều, nhưng đó cũng là cơ hội thể hiện ý chí, bản lĩnh và sức mạnh của lực lượng Công an nhân dân. Muốn vậy, cần quán triệt tốt phong trào thi đua ái quốc rộng rãi trong toàn lực lượng và chú trọng xây dựng nền tảng của thi đua là “Cần, kiệm, liêm, chính”, rộng hơn nữa là đạo đức cách mạng, đạo đức của người cán bộ Công an nhân dân. Thật vinh dự khi những lời dạy đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho lực lượng là tư cách về đạo đức cách mạng, đó là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của lực lượng đến ngày hôm nay và là sức mạnh to lớn cổ vũ cho lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Anh hùng là những người thật cần kiệm liêm chính, hết lòng hết sức phục vụ kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Là những người đày tớ thật trung thành của nhân dân, của giai cấp”[29].

 

Tài liệu tham khảo

1.   Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2.   Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3.   Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4.   Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5.   Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6.   Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.14, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 



[2] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.117.

[3] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.112.

[4] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.4, tr.7.

[5] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.4, tr.7.

[6] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.498.

[7] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.117.

[8] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.120.

[9] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.120.

[10] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.120.

[11] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.122.

[12] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.125.

[13] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.125.

[14] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.126.

[15] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.127.

[16] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.128.

[17] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.129.

[18] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.129.

[19] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.130.

[20] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.130-131.

[21] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.131.

[22] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.131.

[23] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.498.

[24] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.6, tr.169.

[25] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.10, tr.260.

[26] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.14, tr.485.

[27] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.10, tr.424.

[28] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.11, tr.599.

[29] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.7, tr.379.


Xem thêm…


Thế hệ Hồ Chí Minh | Ban Quản lý Lăng Bác | Bảo tàng Hồ Chí Minh | Học viện Chính trị Quốc gia |