Đồng chí Trường Chinh là người chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Quá trình hoạt động cách mạng, Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp rèn luyện, trở thành cộng sự gần gũi nhất và là người thực hành, phát triển xuất sắc tư tưởng cách mạng của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh tại Hà Nội, tháng 01-1955. (Ảnh tư liệu) |
Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 09-02-1907 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một gia đình trí thức yêu nước. Truyền thống của quê hương và gia đình đã hun đúc lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng của Ông. Sau khi tìm hiểu “Đường Kách mệnh” và các tác phẩm khác của Nguyễn Ái Quốc, Đồng chí được giác ngộ tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên năm 1927, tiến trình vận động thành lập Đảng và là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1930, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt và đày đi Sơn La. Dù trong ngục tù, hay khi được trả tự do, Đồng chí đều tích cực truyền bá cương lĩnh, đường lối của Đảng, góp phần vào cuộc vận động dân chủ do Đảng ta lãnh đạo từ năm 1936 đến 1939. Năm 1940, trước sự khủng bố ác liệt của thực dân Pháp, nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị bắt và giết hại, hệ thống tổ chức của Đảng tổn thất nặng; Đồng chí đã khéo léo vượt qua sự truy lùng gắt gao của kẻ thù, nỗ lực tổ chức lại bộ máy của Đảng và đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng.
Đồng chí Trường Chinh được giao và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trực tiếp chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII (5-1941). Tại Hội nghị này, Đồng chí được bầu là Tổng Bí thư của Đảng. Hội nghị đánh dấu sự chuyến biến cực kỳ quan trọng về chỉ đạo chiến lược của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Có thể khẳng định, Nghị quyết Trung ương VIII chính là sự thực hành sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh - một vấn đề chiến lược còn mới đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ. Điểm kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc của đồng chí Trường Chinh thể hiện rất rõ ở quan điểm tập hợp lực lượng cách mạng. Để đoàn kết được lực lượng cách mạng toàn dân tộc, Hội nghị Trung ương VIII đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) và các đoàn thể “cứu quốc”, lấy liên minh công nông làm nòng cốt, tranh thủ đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng và cá nhân yêu nước, phản đế, không kể họ thuộc tầng lớp, giai cấp nào, như Nghị quyết khẳng định: “Pháp - Nhật ngày nay không phải chỉ là kẻ thù của công nông mà là kẻ thù của cả dân tộc Đông Dương. Trong lúc này khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật”1; “Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy, trước hết tập trung cho được lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp – Nhật xâm chiếm nước ta”2.
Cùng với vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, Nghị quyết còn chỉ đạo rất đúng về chuẩn bị lực lượng, nắm và tận dụng thời cơ cách mạng để sẵn sàng Tổng khởi nghĩa. Đồng chí Trường Chinh từng nhấn mạnh: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”3. Đặc biệt, Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” thể hiện một nhãn quan tuyệt vời trong nghệ thuật nắm bắt thời cơ, như đồng chí Lê Đức Thọ khẳng định: “Có thể nói, không có chỉ thị này ta sẽ bỏ lỡ thời cơ khi Nhật - Pháp bắn nhau và không chuẩn bị sẵn sàng để tiến tới Tổng khởi nghĩa khi Nhật bị thất bại”4. Đánh giá về sự kiện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1944, Bác Hồ đi vắng, có thời gian khá dài, không có tin tức, trên cương vị Tổng Bí thư, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, anh Trường Chinh đã đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo phong trào và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Nổi bật nhất là anh dự báo việc Nhật Pháp bắn nhau và sớm thay mặt Thường vụ Trung ương thảo ra Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”5.
Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (02-1951), Tổng Bí Thư Trường Chinh đã có nhiều đóng góp vào phát triển lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam. Có thể nói, đây là một văn kiện lịch sử, góp phần bổ sung và phát triển lý luận của Hồ Chí Minh và Đảng ta về cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến hành trong điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến trong thời đại mới. Tổng kết kinh nghiệm cách mạng Việt Nam, Ông cho rằng, hai nhiệm vụ phản đế và phản phong phải khăng khít không thể tách rời nhau, nhưng cũng không thể tiến hành song song nhất loạt ngang nhau. Khăng khít với nhau là vấn đề chiến lược, không tiến hành song song nhất loạt ngang nhau là vấn đề sách lược và phải đặt nhiệm vụ phản đế lên hàng đầu; nhiệm vụ phản phong phải phục vụ phản đế. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là tiền đề của cách mạng xã hội chủ nghĩa; cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự phát triển tất yếu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hai quá trình khác nhau nhưng kế tiếp nhau không đứt đoạn, có nhiệm vụ của giai đoạn sau đã bắt đầu từ giai đoạn trước và có nhiệm vụ của giai đoạn trước, sang giai đoạn sau mới có thể hoàn thành. “Tóm lại, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, trừ diệt bọn phản quốc, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, kiến thiết một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, phát triển chế độ dân chủ, nhân dân Việt Nam do con đường dân chủ nhân dân tiến tới chủ nghĩa xã hội.”6. Nếu như trong Chính cương vắn tắt của Đảng mới chỉ đề cập “để đi tới xã hội cộng sản”, mà chưa chỉ rõ là đi tới bằng cách nào thì đến Đại hội II, trong Bàn về cách mạng Việt Nam, đồng chí Trường Chinh căn cứ tình hình thực tiễn của cách mạng đã khẳng định: con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến lên chủ nghĩa xã hội, không có con đường nào khác. Muốn tiến tới chủ nghĩa xã hội, phải qua nhiều giai đoạn, chứ không phải một giai đoạn. Những giai đoạn đó, không dứt mạch mà liên quan mật thiết với nhau. Quan niệm giản đơn muốn “vượt bỏ giai đoạn” cũng như khuynh hướng “từ từ từng bước” đều sai: “Con đường từ nay đến chủ nghĩa xã hội là một con đường khó khăn và dài. Không thể giạng chân ra mà bước một bước khổng lồ để đến ngay chủ nghĩa xã hội. Phải bước nhiều bước, chia thành nhiều độ mà đi”7. Trong cả quá trình đó mầm mống của chủ nghĩa xã hội được xây dựng, củng cố và phát triển dần dần. Nhưng chủ nghĩa tư bản dân tộc cũng sẽ phát triển. Sau cùng, cuộc đấu tranh giữa hai nhân tố xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ kết thúc bằng sự thắng lợi của nhân tố xã hội chủ nghĩa và sẽ đưa nước Việt Nam đến chủ nghĩa xã hội, bước đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Đồng chí Trường Chinh đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986. (Ảnh tư liệu) |
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, cũng là lúc xuất hiện tư tưởng chủ quan, tự mãn. Cùng với nhận thức sai lầm, mang tư duy, cung cách quản lý thời chiến sang áp dụng quản lý xã hội, quản lý kinh tế trong thời bình càng làm cho đất nước lâm vào trì trệ, khó khăn. Trước thực trạng đó, một lần nữa, tư duy sáng tạo, đổi mới của Ông lại in dấu ấn sâu đậm vào cuộc chuyển hướng chiến lược vĩ đại của đất nước. Trường Chinh cho rằng, chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng về chỉ đạo chiến lược chứ không phải chỉ về mặt lãnh đạo kinh tế. Vì vậy, năm 1986, Đồng chí là một trong những người tích cực đề xuất với Đảng khởi xướng đường lối đổi mới, nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Theo quan điểm của Ông, để đổi mới phải: “dựa trên những bài học được đúc kết từ những thắng lợi đã đạt được và những khuyết điểm, sai lầm mà chúng ta đã phạm trong 11 năm qua…”8. Đó là các bài học: “sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân”, “tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng đúng đắn, hành động theo quy luật chính là cách đi lên chủ nghĩa xã hội đúng nhất và nhanh nhất, không có con đường nào khác”, “phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng”. Trong báo cáo trước Đại hội VI của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nêu rõ phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, v.v. Từ sự đổi mới tư duy có tính chất đột phá của Đại hội VI mà Trường Chinh là người đi đầu cho sự đổi mới đó, đến Đại hội VII, lần đầu tiên Đảng ta nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”.
Cách mạng Việt Nam là quá trình không ngừng sáng tạo, đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của toàn dân. Ánh hào quang của ngày hôm qua là tiền đề quan trọng, nhưng cũng có thể có mặt trở thành yếu tố cản đường của ngày hôm nay nếu như không đổi mới hoặc đổi mới không phù hợp, không theo kịp với sự phát triển của thực tiễn. Vì thế, người Cộng sản, người cách mạng chân chính chỉ trân trọng những thành tựu đã đạt được trong quá khứ là chưa đủ, mà cần phải dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong tiến trình đổi mới, trong đó bao hàm cả sự dám gạt bỏ những gì của hôm qua vốn là ưu điểm nhưng hôm nay không còn thích hợp nữa. Đó cũng là một sự giải phóng, giải phóng tư duy nhận thức khỏi những lối mòn, cái cũ kỹ, lạc hậu. Tổng Bí thư Trường Chinh chính là hiện thân của phẩm chất ấy và một trong số người như thế - xứng đáng là học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TS. NGUYỄN XUÂN TRUNG, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: http://tapchiqptd.vn
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 112.
2 - Sđd, tr. 112-113.
3 - Sđd, tr. 113.
4 - Cách mạng Tháng Tám - Thời cơ nghìn năm có một, Nxb QĐND, H. 2009, tr. 28.
5 - “Trường Chinh - ngôi sao sáng trên bầu trời Cách mạng Tháng Tám”, (TTXVN/Vietnam+) 13-8-2015, 12:39 GMT+7.
6 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 76.
7 - Sđd, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 91.
8 - Trường Chinh - Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược, Nxb ST, H. 1986, tr. 10
Cách mạng Việt Nam là quá trình không ngừng sáng tạo, đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của toàn dân. Ánh hào quang của ngày hôm qua là tiền đề quan trọng, nhưng cũng có thể có mặt trở thành yếu tố cản đường của ngày hôm nay nếu như không đổi mới hoặc đổi mới không phù hợp, không theo kịp với sự phát triển của thực tiễn. Vì thế, người Cộng sản, người cách mạng chân chính chỉ trân trọng những thành tựu đã đạt được trong quá khứ là chưa đủ, mà cần phải dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong tiến trình đổi mới, trong đó bao hàm cả sự dám gạt bỏ những gì của hôm qua vốn là ưu điểm nhưng hôm nay không còn thích hợp nữa. Đó cũng là một sự giải phóng, giải phóng tư duy nhận thức khỏi những lối mòn, cái cũ kỹ, lạc hậu. Tổng Bí thư Trường Chinh chính là hiện thân của phẩm chất ấy và một trong số người như thế - xứng đáng là học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trả lờiXóaBài viết rất hay và bổ ích ! Thực sự bài viết đã giúp em hiểu thêm về con người đồng chí Trường Chinh cũng như sự nghiệp của đồng chí! Kính mong thầy cô sẽ có nhiều bài viết về các nhân vật, các nhà chính trị của Việt Nam hơn nữa để giúp chúng em thêm hiểu biết về các bậc cha anh, từ đó làm tấm gương sáng cho bọn em noi theo. Em xin chân thành cảm ơn ạ!!!
Trả lờiXóa