Kiểm soát quyền lực nhà nước có chủ thể rất đa dạng, gồm các chủ thể trong xã hội; với hai phương thức là kiểm soát trong nội bộ bộ máy và kiểm soát từ ngoài vào; hình thức kiểm soát đa dạng, nội dung với nội hàm rộng. Hiến pháp 2013 có nhiều nội dung mới về chủ quyền nhân dân, về quyền con người, tổ chức quyền lực nhà nước, trong đó có nhiều quy định liên quan đến kiểm soát quyền lực nhà nước. Văn kiện Đại hội XII đã nêu rõ nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực nhà nước, xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực, và cơ chế phối hợp trong thực hiện và kiểm soát các quyền ở các cấp chính quyền, về phương thức kiểm soát từ bên ngoài vào thông qua sự tham gia của nhân dân ở các khâu của quy trình ra quyết định, giám sát thực hiện, quy định và thực hiện giám sát, phản biện xã hội.
Điều 2 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”; “do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Nhân dân ủy thác cho các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước về lập pháp, hành pháp, tư pháp. Vì vậy, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm giữ vững bản chất, yêu cầu nội dung của nhà nước pháp quyền XHCN, tất cả vì lợi ích của nhân dân là yêu cầu khách quan, cấp bách. Tại Đại hội XI của Đảng, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước được quan tâm đầy đủ, toàn diện và được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và được nhấn mạnh tại Đại hội XII của Đảng.
1. Một số vấn đề lý luận cơ bản về kiểm soát quyền lực nhà nước
Kiểm soát quyền lực nhà nước là hoạt động của các chủ thể trong xã hội nhằm thiết lập hoặc bãi bỏ quyền lực nhà nước và kiểm tra, giám sát, nhận xét, đánh giá việc thực hiện quyền lực nhà nước về mặt lập pháp, hành pháp, tư pháp theo yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho việc thực thi quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp phù hợp với hiến pháp và pháp luật, bảo vệ được quyền con người, quyền công dân, bảo vệ được lợi ích của nhà nước, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước.
Theo đó, có thể rút ra một số đặc điểm của kiểm soátquyền lực nhà nước như sau:
Một là, về chủ thể:chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước rất đa dạng, bao gồm tất cả các chủ thể trong xã hội (đảng cầm quyền, nhà nước, mặt trận, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, nhân dân).
Hai là, về phương thức:có thể chia thành hai phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước gắn với các chủ thể:
- Phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước trong nội bộ bộ máy nhà nước(hoạt động giám sát của quốc hội, hội đồng nhân dân; hoạt động thanh tra của thanh tra nhà nước; hoạt động kiểm tra của cấp trên, của thủ trưởng với cán bộ, công chức; hoạt động kiểm toán).
- Phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước từ ngoài vào bộ máy nhà nước(hoạt động kiểm tra của đảng đối với các tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước; hoạt động giám sát của mặt trận, các đoàn thể tổ chức xã hội; các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân đối với các cơ quan nhà nước (cán bộ, công chức nhà nước).
Ba là, hình thức kiểm soát quyền lực nhà nướcrất đa dạng, gắn với địa vị pháp lý của các chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước. Đối với phương thứckiểm soát trong nội bộ bộ máy nhà nước,bao gồm các hình thức thiết lập, bãi bỏ, xem xét việc thực thi quyền lực nhà nước (bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức; xét báo cáo công tác), các hình thức giám sát tối cao của quốc hộiđối với chính phủ, viện kiểm sát nhân dân tối cao, tòa án nhân dân tối cao (xét báo cáo công tác kiểm tra tại chỗ, chất vấn trong kỳ họp và ngoài kỳ họp); các hình thức giám sát của hội đồng nhân dânvới các cơ quan nhà nước ở địa phương (báo cáo, kiểm tra tại chỗ, chất vấn); hình thức kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên đối với cấp dưới, hình thức thanh tra của thanh tra nhà nước, hình thức kiểm toáncủa kiểm toán nhà nước. Đối với phương thức kiểm soát từ ngoài vào bộ máy nhà nước baogồm hình thức kiểm tracủa đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước; hình thức kiến nghị, đề nghị, góp ý kiến, giám sát, phản biệncủa mặt trận và các thành viên đối với nhà nước; hình thức điều tra, phóng sự, thông tin cho công luậncủa các phương tiện thông tin đại chúng; hình thức góp ý kiếntại các hội nghị, hội thảo khoa học; hình thức khiếu nại, tố cáo,đơn thư dân nguyện, tiếp xúc tại trụ sở tiếp công dân v.v.. của nhân dân về hoạt động của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước.
Nội dung kiểm soát quyền lực nhà nướccó nội hàm rất rộng, liên quan đến việc thực hiện quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cơ sở trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Như vậy, các chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước có thể kiểm soát các văn bản về chính sách, pháp luật, các quyết định quản lý; kiểm soát hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức; kiểm soát năng lực, phẩm chất, đạo đức trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.
Hiệu quả pháp lý của hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nướclà sự điều chỉnh, sửa đổi bổ sung, bãi bỏ các chính sách, quyết định quản lý, các trách nhiệm pháp lý và yêu cầu chủ thể là các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước phải điều chỉnh sau hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiệu quả pháp lý của hoạt động kiểm soát đa dạng về hình thức, mức độ, tính chất, có thể là sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản, chính sách, quyết định của cơ quan nhà nước; có thể là bãi miễn, miễn nhiệm, cách chức, điều động, xác định trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính, kỷ luật đối với cán bộ, công chức nhà nước có khuyết điểm...
2. Nội dung về kiểm soát quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 2013
Hiến pháp 2013 có nhiều nội dung mới về chủ quyền nhân dân, về quyền con người, về tổ chức quyền lực nhà nước... Trong đó, có nhiều quy định liên quan đến kiểm soát quyền lực nhà nước.
a. Kiểm soát quyền lực nhà nước trong nội bộ bộ máy nhà nước
Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013 xác định nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Theo đó, các chủ thể là cơ quan nhà nước có những hình thức kiểm soát quyền lực sau đây:
- Quốc hội
“Quốc hộithực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”(Điều 69); “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân thủ Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội...” (Khoản 2 Điều 70).
“Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập...” (Khoản 7 Điều 70); “bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” (Khoản 8 Điều 70); bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội “giám sátviệc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập” (Khoản 3 Điều 74).
“Đình chỉviệc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất... (Khoản 4 Điều 74).
“Đề nghịQuốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước” (Khoản 6 Điều 74).
“Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân, bãi bỏnghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với Hiến pháp, pháp luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên... “ (Khoản 7 Điều 74); “Tổ chức trưng cầu ý dântheo quyết định của Quốc hội” (Khoản 13 Điều 74).
- “Ủy ban của Quốc hội thẩm tradự án luật, kiến nghị về luật, dự án khác và báo cáo được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Ủy ban” (Khoản 2 Điều 76).
- Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan báo cáo, giải trìnhhoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết...” (Điều 77).
- “Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tramột dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định” (Điều 78).
- Đại biểu Quốc hội “có quyền chất vấnChủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước” (Khoản 1 Điều 80); “Có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó... có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định” (Khoản 3 Điều 80).
- Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn “đề nghịQuốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệmPhó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chứcPhó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ” (Khoản 2 Điều 88); “Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệmChánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chứcThẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chứcPhó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các tòa án khác, Phó Viện trưởng, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao...” (Khoản 3 Điều 88).
- Chính phủ “chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước” (Điều 94). Thủ tướng Chính phủ “chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao;báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước” (Khoản 2 Điều 95); Chính phủ có nhiệm vụ “tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo,phòng chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước” (Khoản 5 Điều 96).
- Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn “lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương...” (Khoản 2 Điều 98);“trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chứccác Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” (Khoản 3 Điều 98); “Đình chỉviệc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên;đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghịỦy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ” (Khoản 4 Điều 98).
- Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên” (Điều 112, 113).
- Kiểm toán nhà nước “thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” (Khoản 1 Điều 118).
b. Kiểm soát quyền lực nhà nước từ ngoài vào bộ máy nhà nước
Vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước từ ngoài vào bộ máy nhà nước được Hiến pháp 2013 quy định trong các nội dung sau đây:
- Về sự kiểm soát của Đảng:Điều 4 Hiến pháp 2013 khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đảng lãnh đạo Nhà nước và kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước thông qua việc lãnh đạo và kiểm tra các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong bộ máy nhà nước. Đây là hoạt động kiểm soátở tầm cao nhất, bao quát nhất và hiệu quả nhất.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên Mặt trận:“đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân... giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước...”(Khoản 1 Điều 9).
“Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam... đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đángcủa thành viên, hội viên tổ chức mình...” (Khoản 2 Điều 9); “Công đoàn Việt Nam... đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tham gia quản lý nhà nước... tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động...” (Điều 10).
- Nhân dân:Nội dung nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước được quy định dưới nhiều góc độ, thông qua hình thức gián tiếp hoặc trực tiếp: “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệmkhi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân” (Khoản 2 Điều 7); “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân,kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền” (Khoản 2 Điều 8); “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội,tham gia thảo luận và kiến nghịvới cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” (Khoản 1 Điều 28); “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồiý kiến, kiến nghị của công dân” (Khoản 2 Điều 28); “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyếtkhi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” (Điều 29); “mọi người có quyền khiếu nại, tố cáovới cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, quần chúng, cá nhân” (Khoản 1 Điều 30); “Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri...thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội;trả lời yêu cầu và kiến nghịcủa cử tri; “Đại biểu Hội đồng nhân dân... chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghịcủa cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo...”(Khoản 1 Điều 115).
3. Nội dung kiểm soát quyền lực nhà nước trong Văn kiện Đại hội XII
a. Kiểm soát quyền lực nhà nước trong nội bộ bộ máy nhà nước
Để bảo đảm kiểm soát quyền lực nhà nước, trước hết phải hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực nhà nước, trong đó: “Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước”(1); “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lựcgiữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất”(2); “quy định rõ hơn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện và kiểm soát các quyền ở các cấp chính quyền”(3).
- Đối với Quốc hội:“Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao,nhất là đối với việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước”(4); hoàn thiện “cơ chế giám sát, đánh giá đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn”(5).
- Đối với Chính phủ:Để kiểm soát quyền lực nhà nước về hành pháp, Đại hội XII yêu cầu: “hoàn thiện cơ cấu tổ chức Chính phủ, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất,thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”(6). “Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân... Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ - pháp quyền, quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước...”(7); “Đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cươngtrong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, đẩy nhanh việc áp dụng chính phủ điện tử”(8). Đây là những biện pháp kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước từ gốc, ngăn chặn sự tùy tiện, lạm quyền của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước.
- Đối với các cơ quan tư pháp: Đại hội XII yêu cầu “Phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp. Cụ thể hóa đầy đủ các nguyên tắc hiến định về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân và hoạt động xét xử”(9). “Tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử; bảo đảm nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụngtrong xét xử, bảo đảm quyền bào chữacủa bị can, bị cáo, của đương sự”(10). “Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp;... tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra”. “Kiện toàn tổ chức cơ quan điều tra... Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của luật sư, bổ trợ tư pháp”(11).
Thực hiện những chủ trương nêu trên, bảo đảm kiểm soát được hoạt động tư pháp, bảo đảm cho các hoạt động này được thực hiện theo quy định của pháp luật, ngăn chặn tình trạng tùy tiện, thiếu trách nhiệm, gây oan sai khi thực hiện quyền tư pháp.
- Đối với đội ngũ cán bộ, công chức:Đại hội XII xác định: “Đảng tập trung lãnh đạo về đường lối, chủ trương, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách về cán bộ, công chức. Đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới... hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công vụ,xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính”(12).
b. Kiểm soát từ bên ngoài vào bộ máy nhà nước
Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, vì vậy phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước luôn luôn gắn với nội dung phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Đại hội XII xác định: “Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết địnhliên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân”(13). “Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt Quy định giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ýxây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”(14).
Như vậy, quyền lực nhà nước được kiểm soát từ bên ngoài thông qua các hình thức nhân dân tham gia tất cả các khâu của quá trình ra quyết định, giám sát quá trình thực hiện; quy định và thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng với nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua thực tế cho thấy, đây là phương thức kiểm soát có hiệu lực, hiệu quả. Do đó, phải bảo đảm kiểm soát nhà nước thông qua việc hoàn thiện đồng bộ cả hai phương thức, nhưng cần quan tâm hơn đến phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài, nhất là kiểm soát của Mặt trận, các thành viên Mặt trận, các phương tiện thông tin đại chúng và của toàn thể nhân dân.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2016
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứXII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.176, 176, 176, 177, 177, 178, 178, 197, 179, 179, 179, 180- 181,169, 170.
PGS, TS Nguyễn Văn Mạnh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
0 Nhận xét