1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “dân
vận khéo”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác dân vận, theo
Người “dân vận khéo” sẽ tạo nên nguồn sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, đây chính là nguồn lực nội sinh quyết định những thắng lợi trong
hai cuộc kháng chiến thần thánh, cũng như sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội
của dân tộc Việt Nam. Muốn huy động được nguồn sức mạnh vĩ đại này phải quán
triệt bài học “lấy dân làm gốc”, phải
dân vận cho thật khéo, theo Người để làm được điều đó thì “cán bộ phải đi trước, làng nước theo sau” nghĩa là muốn làm cho dân
phục, dân tin yêu, dân làm theo thì cán bộ phải là những người nêu gương, những
người đi đầu. Đồng thời Người cũng nhắc “cán
bộ là đầy tớ của nhân dân” để nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ về trách nhiệm với
dân, phải tận tụy phục vụ nhân dân, không tơ hào cây kim, sợi chỉ của nhân dân.
Muốn vậy phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, trong đó đức
là quan trọng hàng đầu. Người nhấn mạnh: “Cũng
như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải
có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo
đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1].
Ngày 15/10/1949, trên Báo Sự Thật, số 120 đã đăng bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (với
bút danh X.Y.Z). Bài báo Dân vận là tác phẩm tiêu biểu nhất, điển hình nhất về
phong cách phương pháp dân vận Hồ Chí Minh. Người khẳng định “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu
quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là
trách nhiệm và công việc của dân; chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến xã
đều do dân cử ra, tổ chức nên; tất cả quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Cũng trong bài báo này Người kết luận: “Lực
lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng
kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Cả cuộc đời cách mạng của
Người theo đuổi mục tiêu tối thượng là “độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Cả cuộc đời Người mưu cầu hạnh phúc cho
nhân dân, nhận thức rõ vai trò của nhân dân đối với cách mạng Việt Nam và quá
trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sau này. Người đã thể hiện tư tưởng
này ngay trong Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm
1946 “Nước Việt Nam là một nước dân chủ
cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không
phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”[2].
Điều thứ 32 Hiến pháp năm 1946 cũng quy định “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết…” Như vậy, trong tư tưởng của Người luôn lấy dân làm gốc, mọi
việc đều tôn trọng ý kiến của dân, đều xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân,
do nhân dân quyết định. Người khẳng định rất rõ nội hàm về dân vận “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi
một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để
thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã
giao cho… Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém
thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công[3].
Người rất quan tâm đến chất lượng thực tiễn của công tác dân vận, Người
nhắc “...Trước mặt quần chúng không phải
ta cứ viết lên trán hai chữ cộng sản mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến
những người có tư cách, đạo đức muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước
cho người ta bắt chước”[4]
Muốn cách mạng thành công thì Ðảng phải vững mạnh, phải dựa vào dân, tổ chức
vận động nhân dân tham gia và lãnh đạo nhân dân thực hiện những nguyện vọng,
lợi ích thiết thực cho nhân dân. Nước phải lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới
bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận khéo khẳng định “nói đi đôi với làm” là “dân vận khéo”, “Cần kiệm, liêm chính” là dân vận khéo; “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì hại đến dân thì hết sức
tránh” là dân vận khéo; “cùng ăn,
cùng ở, cùng làm với dân[5]”
là dân vận khéo. Người đã dạy “chúng ta
phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Dân vận khéo trái
ngược với căn bệnh cá nhân chủ nghĩa, quan liêu, cậy quyền, cậy thế, tư túng bè
phái, kiêu ngạo, tham ô, lãng phí…
Quan điểm “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là chỉ dẫn cơ bản
về phương pháp cho mọi cán bộ, đảng viên khi tiến hành công tác vận động quần
chúng. Người cho rằng: “cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền,
khẩu hiệu, viết báo... của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần
chúng”. Bất cứ việc to, việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình
độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng
ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định ra cách làm
việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”[6].
Cán bộ “dân vận khéo”, theo Hồ
Chí Minh, đó phải là những người có kỹ năng nghiệp vụ. Kỹ năng ấy bao gồm: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng
nói, tay làm”. Nghĩa là phải vận dụng “ngũ
quan”, hiểu rõ thực tế, nói phải đi đôi với làm. Phải có óc nghiên cứu để
nắm vững bản chất của con người, của sự việc. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh
còn nhắc nhở: “Dân vận khéo” là phải
tránh bệnh chủ quan, phải phát huy dân chủ. Bởi theo Người: “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng
đề ra sáng kiến”[7].
Và “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì
mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”[8]
Thực tế cho thấy, ở đâu và lúc nào làm tốt công tác dân vận thì tập hợp
được quần chúng nhân dân, tích cực tham gia và đạt kết quả toàn diện, vững
chắc. Ngược lại, nơi nào xem nhẹ công tác dân vận, cán bộ xa rời quần chúng
nhân dân, quan liêu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức, không lắng
nghe, tôn trọng và không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của quần
chúng nhân dân… thì nơi ấy sẽ rất khó thực hiện đúng và đưa ra chủ trương,
đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân, sẽ
không thể nào có kết quả cao.
Hơn 80 năm qua, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định
công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng
của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và
tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nghị quyết
25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng
đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đánh giá công tác dân vận
thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại
đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm quốc
phòng, an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của
nhân dân.
2. Vận dụng trong chỉ đạo, thực
hiện công tác thực tế dân vận của Học viện An ninh nhân dân
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân vận đối với hoạt động nghiệp
vụ của lực lượng CAND nói riêng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa nói chung. Ngay từ những ngày đầu lập trường, Học viện
ANND tiền thân là Trường Công an Trung ương đã quán triệt sâu sắc tư tưởng “dân
vận” và “dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, mỗi cán bộ, giảng
viên, học viên luôn học tập và quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc”. Trong công tác và hoạt
động thực tiễn luôn gần dân, dựa vào dân để chiến đấu và chiến thắng với quan
điểm “nhân dân là tai mắt của công an”.
Trong công tác công an, tư tưởng “dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai
trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong rèn luyện kỹ năng “dân vận khéo” cũng
như rèn luyện bản lĩnh chính trị, nhân cách, đạo đức người sỹ quan công an cách
mệnh. Đây cũng là nhân tố quyết định thành công trong xây dựng thế trận an ninh
nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ An ninh tổ quốc hàng chục năm qua.
Quán triệt tư tưởng “dân vận khéo”
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Học viện ANND đã chỉ đạo các Khoa, Bộ môn nghiên cứu,
biên soạn, giảng dạy về công tác dân vận. Đồng thời đặc biệt coi trọng hoạt
động đưa sinh viên đi thực tế dân vận “cùng
ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân. Để thực hiện thành công hoạt động này,
Ban giám đốc Học viện đã chỉ đạo Bộ môn Lý luận chính trị mạnh dạn điều tra cơ
bản, tham mưu lựa chọn những địa bàn trọng điểm về an ninh quốc gia để triển
khai công tác thực tế dân vận. Qua hàng chục năm thực hiện công tác dân vận,
Học viện ANND đã đưa hàng chục khóa sinh viên Học viện đến thực tế dân vận
thành công tại nhiều địa bàn trọng điểm. Từ đó, đã gắn “học đi đôi với hành”
góp phần quan trọng trong đào tạo hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ công an “vừa
hồng vừa chuyên” đáp ứng hiệu quả yêu cầu công tác thực tiễn mà Đảng, Nhà nước
và Ngành giao phó. Đồng thời, tổng kết bổ sung lý luận “dân vận khéo”, phục vụ
hiệu quả công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong học viện.
Với vai trò là cơ quan chủ quản trong thực hiện công tác thực tế dân vận,
Bộ môn Lý luận chính trị đã phối hợp với Phòng Quản lý sinh viên trực tiếp chỉ
đạo công tác thực tế dân vận tại các địa bàn được chọn.. Đồng thời chú trọng
xây dựng và phát triển mối quan hệ phối hợp với các cơ quan Đảng, Chính quyền, Đoàn
thể cơ sở nơi có sinh viên đến thực tế dân vận. Sự phối hợp nhịp nhàng trong
lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chính là nhân tố quan trọng đảm bảo thành công
trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thực tế dân vận tại các địa phương
trong hàng chục năm qua.
Trong công chỉ đạo, thực hiện công tác thực tế dân vận, Bộ môn Lý luận
chính trị đã quán triệt sâu sắc quan điểm “dân
vận khéo” của chủ tịch Hồ Chí Minh vào hoạt động giảng dạy trên lớp và làm
tốt công tác tuyên truyền phổ biến trước khi triển khai các khóa sinh viên
xuống các địa bàn được chọn. Đồng thời cử cán bộ có kinh nghiệm trực tiếp quán
xuyến, chỉ đạo sinh viên thực hiện nhiệm vụ dân vận. Những kinh nghiệm đúc kết
từ thực tiễn công tác dân vận tại các địa bàn phía Bắc của Học viện ANND, cũng
như căn cứ kết quả trao đổi kinh nghiệm qua hội thảo giữa Bộ môn Lý luận chính
trị - Học viện ANND và Bộ môn Mác Lênin - Học viện CSND về công tác đưa sinh
viên đi thực tế dân vận tại cơ sở trong năm 2014 đã cho thấy Học viện ANND là
đơn vị dẫn đầu về phong trào và kinh nghiệm trong thực hiện xuất sắc nhiệm vụ “dân vận”, xứng đáng là trường trọng điểm
đầu ngành của lực lượng CAND.
Để nhận thức và vận dụng sâu sắc hơn nữa tư tưởng “dân vận khéo” của Chủ
tịch Hồ Chí Minh vào chỉ đạo, thực hiện công tác dân vận, trong thời gian tới
cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ dưới đây.
- Thứ nhất, cần tiếp tục thực
hiện hiệu quả cuộc vận động “Học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Công an nhân dân vì nước quên thân,
vì dân phục vụ”,.. đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh về “dân vận khéo” cho
cán bộ, giáo viên và sinh viên toàn Học viện. Từ đó, giúp sinh cán bộ, giáo
viên và sinh viên nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng
của công tác thực tế dân vận đối với sự nghiệp chính trị mà Đảng, Nhà nước và
Ngành giao phó. Hình thành cho họ tư tưởng gần dân, lấy dân làm gốc, kính trọng
nhân dân, từ đó loại bỏ dần những tư tưởng quan liêu, hách dịch, cửa quyền,
hạch sách và nhũng nhiễu nhân dân.
- Thứ hai, cần quán triệt sâu
sắc quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc Học viện ANND trong
lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác thực tế dân vận tại cơ sở. Cơ quan chủ
quản cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong tham mưu cho Ban
Giám đốc Học viện lựa chọn dân vận ở những địa bàn trọng yếu, phức tạp, những
vùng dân tộc thiểu số, những nơi có nhiều kẻ địch thường xuyên lợi dụng trình
độ dân trí thấp của đồng bào để chống phá cách mạng Việt Nam nhằm tạo điều kiện
cho sinh viên cọ xát với thực tiễn, bổ sung lý luận. Đồng thời, qua thực tiễn
xây dựng được “thế trận lòng dân”; “thế trận an ninh nhân dân” vững chắc; xây
dựng hình tượng người cán bộ công an nhân dân tốt đẹp trong mắt nhân dân, loại
bỏ được những định kiến, những luận điệu tuyên truyền bất lợi của các thế lực
thù địch về hình tượng người chiến sỹ công an cách mạng.
- Thứ ba, cần quán triệt sâu
sắc hơn nữa quan điểm “Dân vận khéo”
của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giảng dạy và tuyên truyền đối với sinh viên toàn
Học viện. Mỗi cán bộ, giáo viên, sinh viên cần học tập và nhận thức sâu sắc bài
học “nói đi đôi với làm”; “Cần kiệm, liêm chính”; “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc
gì hại đến dân thì hết sức tránh”. Quán triệt tư tưởng gần dân, lấy dân làm
gốc, “đối với nhân dân phải kính trọng,
lễ phép”, kiên quyết loại bỏ tư tưởng “quan
cách mạng”, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá
nhân. Dũng cảm phê bình và tự phê bình,
đề cao vấn đề nêu gương, là tấm gương sáng để nhân dân noi theo.
- Thứ tư, cần làm tốt công tác
điều tra cơ bản về địa bàn, mạnh dạnh lựa chọn những địa bàn trọng điểm, vùng
dân tộc thiểu số,... Cử những cán bộ có kinh nghiệm lâu năm trong công tác thực
tế dân vận đi kèm những đồng chí mới. Đồng thời xây dựng và phát huy hơn nữa
mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ thực tế tại địa
phương với Chính quyền, đoàn thể ở các địa bàn nơi sinh viên đến thực tế dân
vận. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan là chìa khóa
dẫn đến thành công trong hoạt động thực tế dân vận tại cơ sở.
- Thứ năm, bản thân mỗi cán bộ,
giáo viên và sinh viên khi đi thực tế dân vận tại các địa bàn cần thấm nhuần và
tuân thủ sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà
nước. Luôn tuân thủ điều lệnh, lễ tiết, tác phong người chiến sỹ công an nhân
dân. Có ý thức tôn trọng của công, tích cực rèn luyện ngũ quan“óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng
nói, tay làm”. Trong “cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên
truyền, khẩu hiệu, viết báo... tuân theo khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”. Bất cứ việc to,
việc nhỏ, phải xét rõ và làm cho hợp
trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh
đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định ra
cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”.
Những tư tưởng của Người về công tác dân vận là những
kinh nghiệm quý báu, những lời răn dạy có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan
trọng trong học tập và công tác của Học viện ANND nói chung và công tác nghiệp
vụ của lực lượng CAND nói riêng. Vì vậy, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khoá XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Chỉ có
đổi mới và làm tốt công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân
đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân, cũng như khối đại đoàn
kết toàn dân thì mới phát huy được sức mạnh to lớn của toàn dân phục vụ sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[9].
TRẦN TRUNG HẢI
Nguồn: Nguyễn Cao Sơn - Nguyễn Việt Hùng (đồng chủ biên): Vận dụng một số nội dụng khoa học chính trị trong công tác công an, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2016.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB
CTQG, H.2004, Sđd, tập 5, tr.252-253.
[2]
Điều 1 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm
1946, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội – 2009.
[3] Hồ Chí Minh,
Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 5, tr. 698-700.
[4]
Hồ
Chí Minh toàn tập - tập 5, Tr552 - NXB CTQG - HN- 1995.
[6] Hồ Chí
Minh toàn tập, tập 5, tr. 248.
[7]
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr. 699,
244.
[8] Hồ Chí Minh
toàn tập, tập 9, tr. 592.
[9] Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Khóa XI .
0 Nhận xét