Cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác – Lê-nin được Đảng ta xác định là nền tảng tư tưởng của Đảng và xã hội. Với vai trò to lớn đó, học thuyết này luôn là mục tiêu chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, nhất là trước thềm Đại hội XII của Đảng. Bởi vậy, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin là yêu cầu cấp thiết và là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Ngay từ khi ra đời, chủ nghĩa Mác – Lê-nin với bản chất cách mạng và khoa học đã trang bị cho giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới vũ khí tư tưởng, lý luận sắc bén để đấu tranh vì mục tiêu cao cả của nhân loại là xóa bỏ chế độ thống trị của giai cấp tư sản, tiến lên xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Sức sống và ảnh hưởng của nó được minh chứng bởi những biến đổi sâu sắc trong thế kỷ XIX, XX với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và sự ra đời chủ nghĩa xã hội hiện thực, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Bước sang thế kỷ XXI, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, cách mạng khoa học - công nghệ, sự bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức cùng với sự biến đổi dồn dập, khó lường trên nhiều lĩnh vực đang là những yếu tố tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, hối thúc mạnh mẽ các quốc gia phải ra sức đổi mới, chủ động hội nhập, tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp. Sự khác biệt, đấu tranh ý thức hệ không mất đi, mà còn gay gắt và phức tạp hơn. Song, xu thế quan hệ, hợp tác giữa các nước là cùng tồn tại, cùng hợp tác, cạnh tranh và đấu tranh, song phương và đa phương là đặc điểm của thế giới ngày nay.
Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Mác – Lê-nin không chỉ là sự quan tâm của những người cộng sản và các nước lựa chọn con đường phát triển chủ nghĩa xã hội, mà còn thu hút sự quan tâm nghiên cứu, vận dụng của những người không theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, xét trên bình diện ý thức hệ. Với một cách nhìn đa chiều, thái độ khách quan, khoa học, những nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lê-nin đều coi đây là một hệ thống mở chứ không khép kín, luôn được bổ sung và phát triển, dung nạp những thành tựu lý luận mới phù hợp với đời sống hiện thực. Bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã được khẳng định trong thực tiễn, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của các Đảng Cộng sản và công nhân trên thế giới và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thế nhưng, từ khi ra đời, phát triển, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã trải qua và đứng trước nhiều thách thức, do sự tiến công quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc với đủ các loại hình. Đặc biệt, sau khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các quốc gia Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa Mác – Lê-nin cũng bị họ xuyên tạc, bóp méo một cách không thương tiếc, rằng đó là bản cáo chung của lịch sử. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, nhất là trước thềm Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chống phá đó càng gia tăng về quy mô, đa dạng về hình thức, nguy hiểm về tính chất và thâm độc về mức độ. Thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch âm mưu tiến công thẳng vào học thuyết khoa học và cách mạng đó, với dã tâm hòng phủ nhận, xóa bỏ toàn bộ chủ nghĩa Mác – Lê-nin; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, mưu toan phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Họ khuếch trương và tung hê các luận điệu rằng: “Học thuyết Mác là sản phẩm của giữa thế kỷ XIX, do vậy đem đặt nó trong bối cảnh thế kỷ XXI nếu không lạc hậu, thì cũng chẳng thể là khoa học”(!); rằng “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây nên không còn phù hợp với Việt Nam”, v.v.
Sự chống phá, xuyên tạc đó, đầu tiên là phê bình một số luận điểm, khiếm khuyết, rồi tiến tới phê phán những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin; coi hệ tư tưởng đó đã thuộc về quá khứ, không còn phù hợp với thời đại ngày nay. Việc xuyên tạc chủ nghĩa xã hội, phê phán chủ nghĩa Mác – Lê-nin đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ và đã trở thành “cơm bữa” đối với họ. Ngoài những kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa Mác từ trước tới nay và những người theo các khuynh hướng phi mác-xít trong phong trào công nhân quốc tế, đáng tiếc là có cả những nhân vật mới đây thôi còn tự coi mình là những người cộng sản, trung thành với chủ nghĩa Mác, thì hôm nay cũng “trở cờ”, lật mặt, quay ra công kích một cách gay gắt, gán cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin đủ các tội danh, v.v. Đúng là hiện nay chủ nghĩa Mác đang đứng trước thử thách nghiêm trọng. Thực tiễn đã có những biểu hiện khác với quan niệm truyền thống thời Mác và không giống như dự đoán của Ông. Tuy nhiên, tất cả những điều đó đều có nguyên do và có thể cắt nghĩa được. Điều quan trọng là chúng ta có niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa Mác, không những không bảo thủ mà tiếp tục nghiên cứu, phát triển, làm sáng tỏ những vấn đề cách mạng, khoa học, tính đúng đắn, tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong thời đại ngày nay; tích cực đấu tranh với những quan điểm sai trái, chĩa mũi nhọn công kích, xuyên tạc, làm sai lệch bản chất hệ tư tưởng đó của các thế lực thù địch.
Các thế lực chống chủ nghĩa Mác – Lê-nin tìm hiểu, nghiên cứu và nắm rất chắc những vấn đề cơ bản của hệ thống lý luận này. Bởi thế, chúng ta phải đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin để đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch. Học thuyết Mác – Lê-nin mang bản chất cách mạng và khoa học triệt để nên nó giải quyết những vấn do thực tiễn đặt ra theo quy luật khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể nhằm cải tạo thế giới theo chiều hướng tiến bộ và mang tính nhân văn sâu sắc. Thực tế lịch sử cho thấy, từ khi chủ nghĩa Mác hình thành, phát triển vào giữa thế kỷ XIX, hệ thống các tư tưởng, quan điểm và những nguyên lý, quy luật kinh tế - xã hội mà hệ thống khoa học đó phát hiện ngày càng được thừa nhận rộng rãi và trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam và là vũ khí lý luận sắc bén cho hành động cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các đảng tiên phong, chân chính của giai cấp đó. Sức sống của chủ nghĩa Mác – Lê-nin không chỉ thể hiện ở sự cảm phục, ngưỡng mộ, sự vận dụng sáng tạo vào quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của các Đảng Cộng sản, công nhân, lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới, là cuốn cẩm nang không thể thiếu trong kho tàng tri thức nhân loại, mà còn là cơ sở khoa học để đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Chỉ có đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, cuộc đấu tranh mới thể hiện sự tự tin, kiên định, vững vàng, kiên quyết trước những mưu đồ đen tối; khắc phục được những biểu hiện do dự, thiếu bản lĩnh, ý chí, hoặc không dám đương đầu với những khó khăn, thách thức và các mũi tiến công hiểm hóc của các thế lực thù địch. Do vậy, để đấu tranh bảo vệ tính đúng đắn chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong thời đại ngày nay, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, nắm vững những nguyên lý cơ bản, bản chất cách mạng, khoa học và giá trị thực tiễn của hệ tư tưởng đó đối với quá trình phát triển của thế giới hiện thực; đi sâu làm rõ âm mưu phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin của các thế lực thù địch. Từ đó, đưa ra luận cứ khoa học phản bác quan điểm sai trái, định hướng dư luận xã hội, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng với nền tảng là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Một trong những nguyên nhân để các thế lực lợi dụng công kích chủ nghĩa Mác – Lê-nin là trong quá trình vận dụng hệ tư tưởng này vào xác định đường lối, chủ trương lãnh đạo, một số Đảng Cộng sản đã tiến hành một cách máy móc, giáo điều, ít tiếp thu cái mới. Điều đó đã làm cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin mất đi tính sống động và hơi thở của cuộc sống, trở thành lạc hậu, không thể lý giải được những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra, tạo kẽ hở để kẻ thù công kích, chĩa mũi nhọn chống phá. Bởi vậy, việc đấu tranh phải đi đôi với phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê-nin cho thấy, ngoài những vấn đề cơ bản, nó còn chứa đựng nhiều nội dung tri thức thuộc các ngành khoa học khác nhau và còn rất nhiều luận điểm đặc sắc khác về sự hình thành, phát triển của chủ nghĩa xã hội, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trở thành hệ tư tưởng, kim chỉ nam cho giai cấp công nhân và cả nhân loại để cải tạo thế giới. Song, các ông không bao giờ coi học thuyết mình nêu ra là chân lý tuyệt đối, liều thuốc linh ứng có sẵn, câu trả lời vạn năng cho mọi tình huống của cuộc sống. Đó chỉ là những gợi ý về phương pháp, còn việc áp dụng, vận dụng nó vào thực tiễn đòi hỏi phải có sự nỗ lực sáng tạo của những người cách mạng, phù hợp với những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, không máy móc, giáo điều. Vì thế, cần phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, bảo đảm cho nó luôn luôn rộng mở, gắn bó hữu cơ với thời cuộc là việc làm hết sức cần thiết. Điều đó, chỉ có thể được bảo tồn, phát triển và làm giàu một cách sáng tạo trên cơ sở những thành tựu mới của cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện đại và những thay đổi lớn của thời đại ngày nay. Đồng thời, kế thừa những lý thuyết ngoài chủ nghĩa Mác, tiếp thu có chọn lọc những yếu tố sáng tạo và hợp lý của các trào lưu tiến bộ khác. Đi đôi với quá trình phát triển, phải tích cực đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và những trào lưu tư tưởng đi ngược lại lý luận Mác – Lê-nin, nhằm đảm bảo cho hệ tư tưởng này luôn có sức sống mới, cung cấp cho chúng ta một phương pháp phân tích, một cách nhìn thích hợp, một chiến lược chính trị đúng đắn để tiến hành công cuộc đổi mới mọi mặt đời sống xã hội.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiếp tục làm sáng tỏ sức sống và giá trị của chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong thời đại ngày nay. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin không phải là giáo điều, chủ nghĩa xã hội không phải là một khuôn mẫu có sẵn, mà luôn sinh động, sáng tạo trong đời sống hiện thực. Giá trị của học thuyết Mác – Lê-nin không phải ở chỗ mọi câu nói của C.Mác đều là chân lý vĩnh cửu, những người cách mạng cứ thế mà áp dụng không cần xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Chúng ta không nên coi lý luận Mác – Lê-nin như một cái gì đã “xong xuôi hẳn” và “bất khả xâm phạm”, mà phải “đẩy” nó lên, phát triển nó phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Không có lý luận chung chung, trừu tượng, mà bao giờ cũng phải dựa trên mảnh đất hiện thực, được thể hiện sinh động, cụ thể trong từng quốc gia, dân tộc. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin ra đời, phát triển trên cơ sở thực tiễn, trong giai đoạn lịch sử cụ thể. Bởi thế, nó cần được bổ sung hơi thở cuộc sống trong điều kiện mới để không ngừng hoàn thiện, tỏa sáng. Ngày nay, các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật đã có sự phát triển lên tầm cao mới, khác xa so với thời kỳ của Mác; sự khủng hoảng kinh tế thế giới đã bộc lộ những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội hiện thực phát triển với những bước thăng trầm gồm cả những thành tựu, công lao to lớn đối với nhân loại và cả những tổn thất nặng nề. Một số nước còn lại đang tiếp tục trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo cho nó một diện mạo mới, phong phú hơn. Dù còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã chứng minh một cách rõ ràng: chủ nghĩa xã hội hiện thực đã và đang đổi mới, được xây dựng, phát triển trên những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá khứ; từ sự nhận thức lại và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, dựa trên cơ sở “hiện thực khách quan”, mang tính đặc thù của từng quốc gia, dân tộc, v.v. Tất cả những biến đổi đó cần được nghiên cứu, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, làm sáng tỏ những vấn đề phù hợp, không phù hợp, nguyên nhân của những thành công và chưa thành công để bổ sung, phát triển, làm phong phú thêm lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong thời đại mới. Thông qua đó, tiếp tục khẳng định: chủ nghĩa Mác – Lê-nin vẫn là học thuyết khoa học nhất, cách mạng nhất, vạch ra xu thế phát triển tất yếu của thời đại mà không học thuyết nào có thể thay thế được.
Đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, Đảng ta tiếp tục kiên định lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động. Đối với nước ta, sức sống của chủ nghĩa Mác – Lê-nin được thể hiện trong toàn bộ tiến trình vận động, phát triển của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua việc truyền bá, vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn, làm cho học thuyết này luôn tràn đầy sức sống trên mảnh đất hiện thực Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 85 năm qua, đặc biệt là những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, được soi sáng, dẫn đường bởi chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh càng củng cố vững chắc niềm tin, lòng tự hào của mỗi đảng viên, cán bộ và nhân dân vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Qua các kỳ đại hội, nhất là trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, Đảng ta tiếp tục khẳng định phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lịch sử đã chứng minh, nếu mơ hồ, dao động về hệ tư tưởng thì sẽ lúng túng, thâm chí sai lầm trong hoạch định chủ trương, đường lối, rối loạn trong tổ chức và tất yếu dẫn đến thất bại trong hành động. Vì vậy, kiên định và vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có tính nguyên tắc đối với Đảng ta, là nhiệm vụ quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, lý luận, nhất là trong bối cảnh mới của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng thời, đó cũng là câu trả lời đanh thép phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trước thềm Đại hội XII của Đảng.
NGUYỄN CAO SƠN
Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân, 11/2015
0 Nhận xét