Sinh
thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng Công an
nhân. Qua nhiều bài nói, bài viết Người đã để lại cho lực lượng Công an nhân
dân một kho tàng lý luận phong phú gồm nhiều nội dung như: Tư tưởng về xây dựng
lực lượng Công an nhân dân; xây dựng nhân cách, phẩm chất đạo đức của người
Công an cách mạng; bản chất giai cấp của Công an nhân dân; về Đảng lãnh đạo lực
lượng công an nhân dân; phương pháp nghệ thuật đấu tranh bảo vệ ANTT của Công an
nhân dân…
Cùng với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân là ngọn đuốc soi đường,
chỉ lối cho lực lượng Công an nhân dân từng bước xây dựng và trưởng thành.
Những lời di huấn, chỉ dạy của Người là cẩm nang để cán bộ, chiến sỹ Công an
nhân dân sử dụng có hiệu quả trong việc đối phó với những âm mưu, phương thức,
thủ đoạn hoạt động thâm độc của các thế lực thù địch và những hành vi vi phạm
pháp luật khác. Tư tưởng của Người là mục tiêu, là cơ sở, phương pháp để cán
bộ, chiến sỹ Công an nhân dân nâng cao trình độ lý luận chính trị, tu dưỡng
phẩm chất đạo đức cách mạng. Những chiến công hiển hách của lực lượng Công an
nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTT của
Tổ quốc là kết quả của việc học tập, vận dụng và làm theo những Tư tưởng thiên
tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Công an nhân dân.
Nhận thức rõ được vị trí, tầm quan
trọng của Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân, ngày 28/11/2012 Tổng cục
XDLL CAND ban hành Quyết định số 11112/QĐ-X11(X14) về Chương trình bồi dưỡng
pháp luật và nghiệp vụ Công an - giành cho cán bộ tốt nghiệp đại học, cao đẳng
ngành ngoài được tuyển vào công tác trong lực lượng An ninh nhân dân. Theo
Quyết định này, học viên các lớp bồi dưỡng pháp luật và nghiệp vụ Công an mở
tại Học viện An ninh nhân dân sẽ học môn học mới “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công
an nhân dân”. Việc môn học này được đưa vào giảng dạy, học tập cho thấy hòa
chung với việc đẩy mạnh nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn
dân, lãnh đạo Bộ Công an hết sức coi trọng công tác nghiên cứu, học tập, vận
dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác bảo vệ an ninh trật tự, góp
phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện
đại. Trong tình hình mới, đứng trước nhiệm vụ bảo vệ vững chắc ANQG &
TTATXH việc học tập, nghiên cứu vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân
dân càng có một giá trị vô cùng to lớn.
Trong thời gian qua công tác dạy và
học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh đã có những kết và đạt được mục tiêu của Bộ và Học
viện đề ra. Ngay sau khi môn học được Tổng cục XDLL CAND Quyết định đưa vào
giảng dạy, giáo viên Tổ Tư tưởng Hồ Chí Minh (thuộc Bộ môn LLCT & KHXHNV)
đã nhận thức rõ đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần không nhỏ vào
công tác tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ những giá trị vô giá của Tư tưởng Hồ
Chí Minh về Công an nhân dân. Bộ môn LLCT & KHXHNV đã xây dựng kế hoạch cử
cán bộ có trình độ chuyên môn cao đi học tập, nghiên cứu, giảng dạy môn học.
Giáo viên được phân công giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân đã
tích cực học tập nâng cao trình độ; nghiên cứu, biên soạn tài liệu tham khảo,
tài liệu học tập, tập bài giảng. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên chủ động
nghiên cứu, áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực. Tuy số lượng cán bộ
giáo viên còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu đào tạo, nhưng Tổ Tư tưởng Hồ Chí
Minh quyết tâm khắc phục khó khăn tiến hành giảng dạy môn học cho tất cả các
lượt lớp đảm bảo chất lượng tốt, đúng thời gian, lịch trình đã đề ra. Thông qua
môn học góp phần truyền đạt những tư tưởng quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về
Công an nhân dân cho sinh viên các lớp bồi dưỡng pháp luật và nghiệp vụ. Sau
khi học xong sinh viên đã nâng cao trình độ lý luận, trình độ chuyên môn một
cách rõ rệt. Đa số sinh viên có nhận thức đúng đắn, rõ ràng về vị trí, vai trò
của môn học nên đã tích cực học tập, thực hiện đầy đủ những yêu cầu, nhiệm vụ
của giáo viên giao. Một bộ phận sinh viên đạt kết quả học tập cao…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích
cực đã đạt được, công tác giảng dạy và học tập môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh về
Công an nhân dân thời gian qua vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế cần khắc
phục như: Do môn Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân là một môn học mới
trước đó chưa có các công trình khoa học nghiên cứu mang tính hệ thống, dẫn tới
trong quá trình giảng dạy của giáo viên và học tập của sinh viên gặp nhiều khó
khăn; hoạt động nghiên cứu, tìm nguồn tài liệu, biên soạn đề cương bài giảng,
tài liệu tham khảo còn hạn chế. Số lượng cán bộ giáo viên tham gia giảng dạy còn
thiếu so với nhu cầu và thực tiễn quy mô đào tạo hàng năm của Học viện, nên cán
bộ giáo viên phải tham gia giảng dạy quá nhiều giờ, nhiều lượt lớp. Mặt khác do
thời gian tham gia giảng dạy nhiều, dẫn đến giáo viên không có nhiều thời gian
nghiên cứu, học tập, tích lũy kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, đi thực
tế ở Công an địa phương. Chất lượng cán bộ giáo viên chưa đồng đều, đa số cán
bộ giáo viên còn trẻ, một số giáo viên chưa được duyệt giảng để lên lớp. Một bộ
phận sinh viên trong quá trình học tập vẫn chưa có sự nhận thức và tiếp thu môn
học tốt.
Trong thời gian tới, để góp phần khắc phục
những khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công
an nhân dân, theo chúng tôi cần thực hiện đồng bộ một số vấn đề sau đây:
Về
phía giáo viên:
Thứ nhất, giáo viên tham gia giảng
dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân cần tích cực nghiên cứu,
học tập hoàn thành chương trình đào tạo ở trình độ thạc sỹ, tiến sỹ từ đó nâng
cao trình độ của bản thân. Trong đó, giáo viên cần tập trung nghiên cứu, học
tập, sưu tầm những tài liệu có nội dung liên quan đến Tư tưởng Hồ Chí Minh về
Công an nhân dân. Thông qua các buổi họp Tổ chuyên môn, giáo viên trao đổi,
chia sẻ, rút kinh nghiệm; đưa ra những vấn đề mới cần nghiên cứu làm rõ trong
quá trình giảng dạy; đưa ra những kiến nghị, đề xuất... Đồng thời, Bộ môn LLCT
& KHXHNV và Tổ Tư tưởng Hồ Chí Minh cần có chiến lược đào tạo đội ngũ cán
bộ kế cận, đào tạo thêm giảng viên có đủ năng lực trình độ để tham gia giảng
dạy môn học. Đây là một biện pháp quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất
lượng giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân.
Thứ hai,
tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, biên soạn giáo án, kết cấu môn học phù
hợp với trình độ và chuyên môn của sinh viên. Đó là vấn đề then chốt góp phần
nâng cao chất lượng giảng dạy của môn học. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên
cần làm rõ những nội dung trọng tâm, bố trí thời gian giảng dạy từng nội dung
hợp lý. Giáo viên cần giao nhiệm vụ, giành nhiều thời gian cho sinh viên tự
học, tự nghiên cứu; chú trọng đánh giá kết quả học tập của sinh viên thông qua
các bài tiểu luận, bài tập về nhà cho phù hợp với trình độ của sinh viên. Để
giao nhiệm vụ cho sinh viên, giáo viên cần sưu tầm tài liệu có liên quan đến Tư
tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân giới thiệu cho sinh viên tìm đọc, nghiên
cứu, trích dẫn. Bên cạnh đó, giáo viên cần sử dụng các phương pháp giảng dạy
tích cực để phát huy khả năng tối đa của người học như: Phương pháp thảo luận
nhóm, phương pháp tình huống…, kết hợp với việc sử dụng các phương tiện giảng
dạy hiện đại máy chiếu, máy ghi âm, mô hình hóa... để hỗ trợ cho bài giảng, qua
đó sẽ cuốn hút người học và tạo nên sự hấp dẫn cho môn học.
Thứ ba, quá trình giảng dạy giáo
viên cần gắn liền lý luận với thực tiễn. Đây được coi là một yêu cầu bức thiết
trong giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân. Thực chất,
đây là việc thực hiện học đi đôi với hành. Thông qua gắn lý luận với thực tiễn
góp phần làm cho bài học trở lên sinh động, mang tính thời sự, trực quan, tránh
lý luận khô cứng; giúp sinh viên nhận thức rõ được vị trí, vai trò của môn học
đối với công tác sau này. Muốn gắn lý luận với thực tiễn đòi hỏi giáo viên phải
có vốn lý luận, trình độ cao trên cơ sở có vốn kiến thức thực tiễn sâu rộng,
đầy đủ, toàn diện, đồng thời giáo viên phải hiểu rõ được đối tượng học. Vì vậy,
bên cạnh việc nâng cao trình độ về mặt lý luận, giáo viên giảng dạy môn Tư
tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân cần giành thời gian đi thực tế ở các đơn
vị Công an địa phương, thu thập thông tin thực tế, lấy những ví dụ điển hình,
sinh động, tạo tính hẫp dẫn của bài học.
Thứ tư, Bộ môn LLCT & KHXHNV
cần phối hợp với Phòng Quản lý đào tạo Hệ vừa làm vừa học để bố trí lịch học
cho hợp lý. Việc bố trí lịch học phù hợp, giúp cán bộ giáo viên có quỹ thời
gian học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, sưu tầm những tài liệu có liên quan
và giành thời gian đi nghiên cứu thực tế, bổ sung cho bài giảng những kiến thức
mới, bổ ích, thiết thực. Mặt khác, Bộ môn LLCT & KHXHNV làm tốt công tác
phối hợp với Học viện Chính trị Bộ Công an, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng
trong công tác giảng dạy, hội thảo khoa học, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy
môn Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân.
Về
phía sinh viên:
- Sinh viên phải có nhận thức đúng đắn, rõ
ràng ý nghĩa của việc học tập môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân. Đó
là vấn đề quyết định đến việc nâng cao chất lượng học tập của sinh viên. Thông
qua sự định hướng của giáo viên, các buổi thảo luận, semina, bài tiểu luận,
sinh viên cần có nhận thức rõ việc học tập, nghiên cứu môn học Tư tưởng Hồ Chí
Minh về Công an nhân dân là góp phần bảo vệ, thực hiện những lời giáo huấn, chỉ
đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lực lượng Công an nhân dân; nâng cao
trình độ lý luận và năng lực công tác thực tiễn. Sinh viên phải có tinh thần
học hỏi, cố gắng phấn đấu vươn lên khắc phục mọi khó khăn trong quá trình học
tập. Chỉ có tinh thần học hỏi, cố gắng mới là cơ sở quyết định giúp sinh viên
khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh
về Công an nhân dân.
- Xây dựng kế hoạch và phương pháp học tập
đúng đắn, có quỹ thời gian học tập hợp lý. Sinh viên phải nhận thức rõ phương
châm của công tác giáo dục hiện nay là lấy người học làm trung tâm, trên tinh
thần giáo viên là người hướng dẫn, trao đổi chứ không phải là người truyền thụ
theo hình thức đọc - chép. Cho nên, việc người học tự học, tự nghiên cứu chiếm
một khối lượng thời gian lớn và giữ một vị trí quan trọng. Từ đó, để nâng cao
chất lượng học tập sinh viên phải tích cực nghi chép, thực hiện đầy đủ, có chất
lượng nhiệm vụ giáo viên giao cho như: Đọc tài liệu, làm bài tập, làm tiểu
luận… Đồng thời, sinh viên cần chú trọng nghiên cứu, khai thác những kiến thức
trong các tài liệu tham khảo, tập bài giảng... Ngoài ra trong thời đại khoa học
công nghệ phát triển, sinh viên cần khai thác tối đa những thế mạnh của các
phương tiện hiện đại như máy tính, điện thoại, sử dụng internet để học tập, sưu
tầm tài liệu có liên quan đến Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân. Làm tốt
những hoạt động đó, sẽ là yếu tố quyết định tới việc nâng cao chất lượng học
tập của môn học.
- Để nâng cao hiệu quả học tập môn học Tư
tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân sinh viên cần thành lập các tổ, các nhóm
học tập. Muốn tổ chức các nhóm học tập có chất lượng tốt, sinh viên phải tổ
chức các nhóm học tập một cách khoa học, có sự phân công trách nhiệm cụ thể, rõ
ràng đối với từng thành viên. Các nhóm học tập phải xây dựng quy chế khen
thưởng, chế tài xử xử lý và hình thức đánh giá, bình bầu đối với từng thành
viên trong nhóm một cách khách quan sau khi tổng kết, đánh giá kết quả môn học.
Qua đó, là cơ sở để giáo viên đánh giá kết quả học tập đối với từng thành viên;
phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập; thúc đẩy việc nâng
cao ý thức học tập của sinh viên.
- Sinh viên cần phải tích cực tham gia các
hoạt động ngoại khóa, tham gia các cuộc thi tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh về
Công an nhân dân. Các hoạt động ngoại khóa như: Thăm quan bảo tàng, thăm quan
khu di tích, tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và Tư tưởng Hồ Chí Minh về
Công an nhân dân nói riêng là những hoạt động tích cực, trực quan sinh động để
sinh viên tham gia học tập, tìm hiểu thêm kiến thức và mang lại những hiệu quả
thiết thực trong quá trình hoạt động thực tiễn./.
Nguồn: Thượng tướng, GS. TS. Tô Lâm (Chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân - Giá trị lý luận và thực tiễn, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2015.
0 Nhận xét