– Thống nhất với tư tưởng các bậc thầy của giai cấp vô sản thế giới về những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh trong thực tiễn chỉ đạo cách mạng đã từng bước nêu ra những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
1. Chủ nghĩa xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin là giai đoạn đầu của hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội ưu việt, tiến bộ hơn các xã hội trước đó về các đặc trưng kinh tế, chính trị, văn hóa… Để có được xã hội đó, những người cộng sản phải phác thảo ra được những đặc trưng cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội. Nếu không phác thảo ra được những đặc trưng đó thì rất khó định hướng để xây dựng chủ nghĩa xã hội và biến nó trở thành hiện thực.
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học đã phác thảo ra một số nét cơ bản về một xã hội tương lai với 6 đặc trưng:
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học đã phác thảo ra một số nét cơ bản về một xã hội tương lai với 6 đặc trưng:
Một là, cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội là nền đại công nghiệp cơ khí.
Hai là, chủ nghĩa xã hội xoá bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.
Ba là, chủ nghĩa xã hội tạo ra cách tổ chức lao động và kỷ luật lao động mới.
Bốn là, chủ nghĩa xã hội thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động.
Năm là, nhà nước trong chủ nghĩa xã hội là nhà nước kiểu mới, thể hiện sâu sắc bản chất giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích, quyền lực và ý chí của nhân dân lao động.
Năm là, nhà nước trong chủ nghĩa xã hội là nhà nước kiểu mới, thể hiện sâu sắc bản chất giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích, quyền lực và ý chí của nhân dân lao động.
Sáu là, chủ nghĩa xã hội giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, thực hiện sự bình đẳng xã hội, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.
Mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người khỏi mọi ách bóc lột về kinh tế và nô dịch về tinh thần, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện. Là kết quả của việc nhận thức tình hình kinh tế – xã hội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trong sự đối chiếu, so sánh với chủ nghĩa tư bản đương thời, những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội được các nhà kinh điển đưa ra thể hiện trình độ phát triển cao hơn, tốt đẹp hơn của chủ nghĩa xã hội so với chủ nghĩa tư bản.
2. Thống nhất với tư tưởng các bậc thầy của giai cấp vô sản thế giới về những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh trong thực tiễn chỉ đạo cách mạng đã từng bước nêu ra những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Quan niệm khoa học, hệ thống của Người dựa trên những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời có bổ sung một số đặc trưng phản ánh đặc điểm, truyền thống của Việt Nam. Trong đó, đặc trưng của chủ nghĩa xã hội về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và con người được thể hiện rõ, đó là, “nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống cuộc đời hạnh phúc”. Vì vậy, “nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của chúng ta hiện nay là phát triển sản xuất, để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Muốn có chủ nghĩa xã hội thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất”(1).
Chủ nghĩa xã hội là “một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”(2), trong đó có “công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến”(3). Người nhấn mạnh: “Chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình”(4), vì “chủ nghĩa xã hội là do quần chúng nhân dân tự mình xây dựng nên”, “là chế độ do nhân dân lao động làm chủ”(5), là xã hội “không có người bóc lột người, mọi người sung sướng, vẻ vang, tự do, bình đẳng”(6). Cũng theo lời Người, “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy chính quyền cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ của dân”(7). Đặc biệt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng… Xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”(8). Luận đề tổng quát đó được Người cụ thể hóa là “chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng”(9) và “chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”(10)…
3. Quán triệt những tư tưởng có tính chất định hướng, dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã không ngừng tìm tòi về mặt lý luận và tổng kết thực tiễn để đưa ra một mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp ở Việt Nam.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) của Đảng, gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991, mô hình chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng bao gồm 6 đặc trưng:
– Do nhân dân lao động làm chủ;
– Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu;
– Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
– Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân;
– Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ;
– Có quan hệ hữu nghị hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới;
Sau 5 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, với những đặc trưng ưu việt trên, nhân dân ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn: GDP bình quân hằng năm thời kỳ 1991-1995 đạt 8,2%, lạm phát từ 67,1% năm 1991 xuống còn 12,7% năm 1995. Đầu tư toàn xã hội bằng nguồn vốn trong và ngoài nước so với GDP năm 1990 là 15,8%, năm 1995 là 27,4%. Lương thực không những đủ ăn mà còn xuất khẩu mỗi năm 2 triệu tấn gạo.
Tiếp đó, trong 5 năm (1996-2000), mặc dù chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế khu vực, cùng với thiên tai nghiêm trọng liên tiếp xảy ra nhưng nhân dân ta tiếp tục đạt nhiều thành tựu quan trọng: GDP tăng 7%/năm, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 5,7% so với mục tiêu đề ra 4,5 – 5%. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2000 đạt 4,3 tỷ USD, gấp hơn 1,7 lần so với năm 1995. Trên cơ sở đó, Đại hội Đảng lần thứ IX (4-2001) đã khẳng định những thành tựu mà nhân dân ta thu được qua những năm đổi mới đã chứng minh tính đúng đắn của Cương lĩnh được thông qua tại Đại hội VII của Đảng, đồng thời giúp chúng ta nhận thức ngày càng rõ hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong thời kỳ 2001-2005, vượt qua những khó khăn, thách thức, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và đã đạt những thành tựu rất quan trọng: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,51%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có bước tiến rất quan trọng.
Tại Đại hội Đảng lần thứ X (4-2006), trên cơ sở đánh giá những thành tựu to lớn mà nhân dân ta đạt được đã nhấn mạnh: “Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản”(11).
Trên cơ sở tổng kết, bổ sung, phát triển những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội trong Cương lĩnh năm 1991 và Đại hội X (4-2006), Đại hội Đảng lần thứ XI (1-2011) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 2011 (bổ sung, phát triển năm 2011), gọi tắt là Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó nêu rõ 8 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội:
– Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
– Do nhân dân làm chủ;
– Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp;
– Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
– Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện;
– Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển;
– Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo;
– Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới;
Các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng được nêu trong Cương lĩnh (bổ sung phát triển năm 2011) là kết quả của công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Đó cũng là thành quả của sự kết hợp hài hòa giữa cái phổ biến và cái đặc thù, cái chung và cái riêng để tạo nên mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện bước phát triển quan trọng về tư duy lý luận của Đảng ta trong quá trình tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm Việt Nam./.
(1), (3), (8), (9) – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t.10, tr.312, 13, 591, 317.
(2), (4), (5), (6) – Sđd, t.9, tr.24, 298, 299, 312.
(7) – Sđd, t.6, tr.515.
(10) – Sđd, t.8, tr.226.
(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, H, 2006, tr.68.
(2), (4), (5), (6) – Sđd, t.9, tr.24, 298, 299, 312.
(7) – Sđd, t.6, tr.515.
(10) – Sđd, t.8, tr.226.
(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, H, 2006, tr.68.
Theo tuyengiao.vn
0 Nhận xét