Obituary là mục dành cho những bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của một người nổi tiếng vừa mất. Nhiều cơ quan báo chí đã đặt sẵn bài viết về các nhân vật nổi tiếng khi họ còn sống, và khi họ vừa nằm xuống thì có ngay bài xuất hiện ở mục Obituary, như bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới đây - được đăng trên tờ New York Times sau khi Bác Hồ của chúng ta vừa qua đời. Tác giả bài viết là nhà báo Mỹ Alden Whitman (1913-1990), viết cho New York Times từ năm 1951 và nổi tiếng về những bài viết cho mục Obituary.
Ngày 2-9-1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc. Trong buổi lễ có câu nói của Người: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”. Từ đây khắc sâu hình ảnh Bác Hồ trong trái tim mỗi người dân Việt Nam - Ảnh Tư liệu
Ông được gọi quen thuộc là “Bác Hồ”. Ăn mặc giản dị, ông đặc biệt thích đến các trường học và trò chuyện với trẻ em. Những người phương Tây biết ông đều tin rằng dù ông rất khôn ngoan, mưu lược trong các vấn đề chính trị rộng lớn nhưng trong cách nói chuyện của ông đối với dân chúng không hề có cảm giác nào như vậy.
Quả thật, uy tín cá nhân của ông Hồ phổ biến đến mức tất cả mọi người, ngay cả các kẻ thù chính trị của ông, đều thừa nhận là nếu như cuộc Tổng Tuyển cử theo Hiệp định Genève được tổ chức thì nước Việt Nam đã được thống nhất dưới sự lãnh đạo của ông.
Thông minh, tháo vát và tận tụy, ông Hồ đã tạo được ấn tượng tốt đẹp nơi nhiều người tiếp xúc với ông. Một trong số đó là Harry Ashmore của Trung tâm Nghiên cứu các thể chế dân chủ và là cựu chủ bút tờ Arkansas Gazette.
Ông Ashmore và ông William C. Baggs, chủ bút tờ Miami News đã quá cố, là những người Mỹ cuối cùng có cuộc trò chuyện dài với ông Hồ khi họ đến thăm Hà Nội đầu năm 1967.
“Ông Hồ là một người nhã nhặn, tinh tế, rất thạo đời, với cung cách lịch thiệp và không hề có sự thù ghét cá nhân” - ông Ashmore nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn. Cuộc nói chuyện kéo dài một giờ của họ bắt đầu bằng tiếng Việt có người phiên dịch, nhưng sau đó chuyển ngay sang tiếng Anh. Ông Hồ đã khiến Ashmore kinh ngạc trước khả năng thông thạo tiếng Anh của ông. Tiếng Anh là một trong những thứ tiếng ông Hồ nói lưu loát cùng với các thứ tiếng Hoa, Pháp, Đức và Nga.
Có một lúc ông Hồ nhắc lại với Ashmore và Baggs là ông từng đến Mỹ. “Tôi nghĩ là tôi biết nhân dân Mỹ - ông Hồ nói - và tôi không thể hiểu làm sao họ lại có thể ủng hộ sự dính líu vào cuộc chiến tranh này. Chẳng lẽ tượng thần Tự Do đã bị lộn ngược đầu?”.
Đây là câu hỏi tu từ mà ông Hồ cũng đặt ra với những người Mỹ khác để nhấn mạnh điều ông nghĩ là mâu thuẫn: Một dân tộc thuộc địa đã làm cách mạng giành được độc lập lại gây chiến để đàn áp nền độc lập của một dân tộc thuộc địa khác?
Ngoài những người Mỹ, ông Hồ còn gây được thiện cảm với nhiều người có dịp gặp ông trong nhiều năm. “Một con người hết sức đáng yêu và thân thiện” là lời mô tả của Jawaharlal Nehru, lãnh tụ Ấn Độ. Paul Mus, nhà Đông phương học người Pháp từng có nhiều cuộc trò chuyện thân thiết với ông Hồ những năm 1946 và 1947, nhận thấy ông là “một nhà cách mạng không khoan nhượng về chính trị và không thể mua chuộc được, một kiểu Thánh Just”. Một sĩ quan hải quân Pháp có dịp quan sát con người Việt Nam mảnh khảnh này trong ba tuần ông là khách đi tàu đã kết luận rằng ông Hồ là “một con người thông minh và quyến rũ, một nhà lý tưởng nồng nàn dốc hết đời mình cho sự nghiệp đã theo đuổi”.
Năm 1962 khi cuộc chiến còn bó hẹp giữa một bên là quân đội Nam Việt Nam cùng 11.000 cố vấn Mỹ và một bên là quân giải phóng số lượng ít hơn, ông đã nói với một vị khách Pháp: “Chúng tôi đã phải chiến đấu gian khổ tám năm để đánh bại nước Pháp các ông, mà ông biết là nước ông có những quan hệ cũ ở đây. Bây giờ chế độ Nam Việt Nam được trang bị tốt hơn, lại được Mỹ hỗ trợ. Quân Mỹ mạnh hơn Pháp rất nhiều, dù họ hiểu chúng tôi kém hơn. Vì vậy có lẽ phải mất mười năm để làm việc đó, nhưng nhân dân anh hùng của chúng tôi ở miền Nam cuối cùng sẽ đánh bại chúng”.
Đầu năm 1967, ông vẫn tin tưởng như vậy khi trò chuyện với Ashmore và Baggs. “Chúng tôi đã chiến đấu cho nền độc lập của mình hơn 25 năm - ông nói với họ - và tất nhiên chúng tôi yêu quý hòa bình, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ nền độc lập của mình để đổi lấy hòa bình với Mỹ hay bất cứ ai khác”.
Kết thúc cuộc gặp, ông nắm bàn tay phải lại thành quả đấm và nói xúc động: “Các ngài cần phải biết quyết tâm của chúng tôi. Ngay cả vũ khí nguyên tử của các ngài cũng không thể bắt được chúng tôi đầu hàng sau cuộc đấu tranh lâu dài và mãnh liệt vì nền độc lập của đất nước”./.
NGÂN XUYÊN trích dịch từ tiếng Anh
(New York Times, 4-9-1969)
Theo Tuoitre Online
0 Nhận xét