Đồng chí Nguyễn Ái Quốc với một số đại biểu dự Đại Hội Quốc Tế Cộng
Với cương vị là cán bộ của Quốc tế Cộng sản, có ba quãng thời gian tiêu biểu nhất Hồ Chí Minh* hoạt động ở Liên Xô, tức là hoạt động ngay tại trụ sở của Quốc tế Cộng sản: 1. Từ mùa hè năm 1923 đến cuối năm 1924; 2. Năm 1927; 3. Từ năm 1934 đến cuối năm 1938.
Thời gian có phần đắc chí nhất của Hồ Chí Minh trong những năm hoạt động ở Quốc tế Cộng sản không dài, từ mùa hè năm 1923 đến cuối năm 1924, tức là thời gian kể từ khi Người tạm biệt các đồng chí của mình ở Đảng Cộng sản Pháp để bí mật đến Liên Xô theo sự điều động, phân công của Đảng Cộng sản Pháp và của Quốc tế Cộng sản vào hoạt động trong bộ máy của Quốc tế Cộng sản, làm cán bộ của Ban Phương Đông rồi cuối năm 1924 đến hoạt động ở Trung Quốc cũng như một số nước châu Á khác.
Thật ra thì, dần dà, với thái độ nhiệt thành và có khi ứng xử, phát biểu hơi gay gắt của Hồ Chí Minh, cho nên đến thời gian cuối năm 1924, Hồ Chí Minh cũng biểu lộ mình là người “không hợp gu” với Quốc tế Cộng sản.Từ mùa hè năm 1923, Hồ Chí Minh đến Liên Xô, nhưng mãi đến tháng 12 năm đó, Người mới được chứng nhận tạm thời thuộc biên chế Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và rồi mãi đến ngày 14-4 năm sau (năm 1924), Người mới được đồng chí Pêtơrốp, Trưởng Ban Phương Đông, ký nhận chính thức làm cán bộ của Ban.
Phải nói là ở Hồ Chí Minh có một tư chất đặc biệt nào đó tương thích với yêu cầu của Quốc tế Cộng sản cho nên mới được Quốc tế Cộng sản chú ý để điều động đến hoạt động ở môi trường rộng lớn hơn, với chức nhiệm của một người giúp cho Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa ở tầm quốc tế chứ không chỉ bó hẹp trong bản thân Đảng Cộng sản Pháp.
Mà quả thật như thế. Sau Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua cuối tháng 12 năm 1920, Hồ Chí Minh cùng với hơn 3208 đại biểu bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản (1022 phiếu chống); và sau đó, lúc 2 giờ 30 phút sáng ngày 30-12-1920, cùng với các đại biểu đó tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản (Section Francaise de L’ Internationale Communiste, viết tắt là S.F.I.C.). Với hoạt động của Hồ Chí Minh tại Đại hội Tua, đến năm 1970, tại Đại hội XIX, Đảng Cộng sản Pháp đã đánh giá rằng, Hồ Chí Minh chính là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản năm 1920 và là người tích cực giúp cho Đảng Cộng sản Pháp đi theo một đường lối rõ rệt chống chủ nghĩa thực dân.
Hồ Chí Minh càng hoạt động tích cực hơn thúc đẩy mạnh mẽ, tạo lập một xu hướng đấu tranh về lý luận, tư tưởng, tổ chức cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.
Trước hết, Hồ Chí Minh dũng cảm và tích cực tố cáo chủ nghĩa thực dân. Bây giờ nhìn nhận lại vấn đề chủ nghĩa thực dân thì nhiều người dễ nhất trí đánh giá rằng, chủ nghĩa thực dân là vết nhơ lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng trong những năm đầu thế kỷ XX, nhận thức về vấn đề này không đơn giản. Thực ra, cho đến những năm 20 của thế kỷ XX ở Pháp, người ta vẫn cố tình hiểu không đúng vấn đề đó. Dưới con mắt của nhiều người châu Âu, nhất là ở Pháp trong cuối thế kỷ XIX và cả phần lớn thế kỷ XX, nhiều người vẫn coi việc Pháp đưa quân đội và công chức ra nước ngoài, đi xâm lược, chiếm đóng, biến những nước đó thành thuộc địa của mình như là để thực hiện “sứ mệnh khai hoá văn minh”.
Hồ Chí Minh là người đã tận dụng tất cả mọi diễn đàn có thể tận dụng được để lột trần bản chất của cái gọi là sự “khai hoá văn minh” đó. Sau khi đã trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp do giác ngộ một cách sâu sắc tư tưởng của V.I. Lênin về vấn đề giải phóng dân tộc theo con đường của cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh càng tích cực tố cáo chủ nghĩa thực dân.
Sau năm 1920, Hồ Chí Minh có điều kiện thuận lợi nhất để làm việc này khi trực tiếp đóng góp ý kiến cho Đảng Cộng sản Pháp. Trên diễn đàn của báo L’ Humanité (Nhân đạo) ngày 25-5-1922, Hồ Chí Minh nêu lên những khó khăn chủ yếu của Đảng Cộng sản Pháp khi giải quyết vấn đề thuộc địa, trong đó có khó khăn do “tình trạng thờ ơ của giai cấp vô sản chính quốc đối với các thuộc địa”, rằng, “tiếc thay, một số đông chiến sĩ vẫn còn tưởng rằng, một thuộc địa chẳng qua chỉ là một xứ dưới đầy cát và trên là mặt trời, vài cây dừa xanh với mấy người khác màu da, thế thôi. Và họ hoàn toàn không để ý gì đến”[1].
Trong quãng thời gian đó, Hồ Chí Minh phát biểu nhiều lần tại các cuộc sinh hoạt của Đảng Cộng sản Pháp, tại các câu lạc bộ tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh cả những người dân thuộc địa, vì nhiều lý do, đang có mặt tại Pháp. Hồ Chí Minh vào các thư viện để đọc, sưu tầm, ghi chép nhiều tài liệu liên quan đến tội ác thực dân do chính những tên thực dân viết rồi tung ra các diễn đàn (cả viết bài báo, sách, cả diễn thuyết) với cách “gậy ông đập lưng ông”.
Hồ Chí Minh sử dụng các diễn đàn báo chí để đăng những bài báo sắc sảo mà Người lấy số liệu và các thông tin khác từ chính ngay ở Pháp để tố cáo chủ nghĩa thực dân. Tên tác giả Nguyễn Ái Quốc về loại bài này đã xuất hiện nhiều và đều đặn trên các báo La Revue Communiste, Inprecorr, L’ Humanité, Le Paria, La Vie Ouvrière, Le Journal du Peule, Le Libertaire, v.v.
Hồ Chí Minh viết báo với bút pháp đặc biệt, đưa ra những hình ảnh rất sắc. Chẳng hạn, Người viết: Nền công lý của thực dân Pháp được tượng trưng như một bà đầm, một tay cầm quả cân, một tay cầm thanh kiếm. Vì đường từ Pháp sang Đông Dương xa quá, xa đến nỗi bà đầm công lý sang đến được Đông Dương thì quả cân đã chảy lỏng ra thành thuốc phiện và rượu ty. Bà còn lại độc một cái kiếm và thế là bà tha hồ chém giết những người vô tội.
Mục tiêu cuối cùng và cao cả nhất trong cả cuộc đời của Hồ Chí Minh là giải phóng con người trên toàn nhân loại. Hồ Chí Minh mô tả tỷ mỉ, cụ thể trong các bài báo của mình về tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp, và Người đau nỗi đau nhân thế. Hồ Chí Minh viết đoạn cuối của một bài báo sau khi đã tả lại tội ác của bọn thực dân: “Khi chép đến đoạn này, tôi run lên, mắt mờ lệ, nước mắt chảy xuống hoà với mực. Tôi không thể nào viết được nữa. Ôi! nước Pháp đau khổ! Đông Tây đau khổ! Nhân loại đau khổ!”[2].
Hồ Chí Minh đã phê bình một cách quyết liệt, gay gắt tính không triệt để và không kiên quyết của Đảng Cộng sản Pháp đối với vấn đề thuộc địa. Khi trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp và khi còn ở Pháp đến mùa hè năm 1923, Hồ Chí Minh đã kiến nghị, góp ý cho Trung ương Đảng Cộng sản Pháp ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa do Pháp chiếm đóng, đặc biệt là đối với Đông Dương. Sự phê bình này còn tiếp diễn cả thời kỳ Hồ Chí Minh đã hoạt động trong bộ máy của của Quốc tế Cộng sản.
Hồ Chí Minh đã phê bình Đảng Cộng sản Pháp không thực hiện một cách tích cực những nghị quyết của Đại hội II Quốc tế Cộng sản, trong đó thể hiện những quan điểm của V.I. Lênin nêu trong Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Hồ Chí Minh phê bình với những từ ngữ, lời lẽ mà nghe ra rất “đanh”: những nghị quyết của Đảng Cộng sản Pháp về vấn đề dân tộc và thuộc địa “chỉ được dùng để tô điểm mặt giấy”[3].
Theo sáng kiến của Hồ Chí Minh, từ năm 1921, báo L’ Humanité của Đảng Cộng sản Pháp đã mở một chuyên mục Diễn đàn của các thuộc địa. Nhưng, chẳng bao lâu sau, chuyên mục này đã bị bỏ. Hồ Chí Minh nói rõ quan điểm của mình: “Thật là không thích đáng nếu cứ lắp đi lắp lại mãi một điều mà không làm gì cả. Và những người bị áp bức khốn khổ thấy chúng ta chỉ luôn luôn hứa hẹn nhưng cũng luôn luôn không hành động gì thì bắt đầu tự hỏi rằng không biết thực ra chúng ta là những người đứng đắn hay là những kẻ lừa phỉnh”[4]. Tháng 7-1923, từ Mátxcơva, Hồ Chí Minh viết thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đề nghị mở lại chuyên mục viết về thuộc địa trong báo L’Humanité và trong tất cả các báo chí của Đảng Cộng sản Pháp, đề cập vấn đề thuộc địa “trong hết thảy các đại hội, mít tinh hoặc hội nghị của Đảng”[5], “cử các nghị sĩ đi thăm các thuộc địa”[6], v.v. Những đề nghị trên đây của Hồ Chí Minh không được Đảng Cộng sản Pháp chấp nhận.
Có lẽ như vậy và vì như vậy, đặc phái viên của Quốc tế Cộng sản trong nhiều chuyến công cán tại Pháp đã “phát hiện” ở người thanh niên thư sinh, gầy gò, mảnh khảnh Nguyễn Ái Quốc cái tư chất rất đặc biệt, và chính đó là mẫu hình cán bộ mà Quốc tế Cộng sản đang cần. Bà Clara Xétkin (Clara Zetkin), người nữ cộng sản nổi tiếng của Đức, Uỷ viên Ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản, đã được Quốc tế Cộng sản cử sang Pháp dự Đại hội Tua, đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi ý kiến với Nguyễn Ái Quốc, sau đó bà là người luôn theo dõi, để ý đến Người. Chắc chắn rằng, việc mùa hè năm 1923 Hồ Chí Minh bí mật sang Liên Xô bằng tàu hỏa, rồi sau đó lên tàu Các Lípnếch của Liên Xô khởi hành từ cảng Hămbuốc của Đức đi Pêtơrôgát chính là do sự giới thiệu của bà Clara Xétkin trên cơ sở thỏa thuận với Đảng Cộng sản Pháp. Với tầm hoạt động và sự năng động của mình, ngay hồi còn ở Pháp, Hồ Chí Minh đã quen biết với rất nhiều người, từ các chính khách, các nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, những văn nghệ sĩ có tên tuổi, đến những người ở các nước thuộc địa, phụ thuộc đang sống và hoạt động tại đấy.
Đến hoạt động tại trụ sở Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy năng lực, sở trường của mình trong vấn đề chống chủ nghĩa thực dân. Ngay tại Phiên họp lần thứ 8 của Đại hội V Quốc tế Cộng sản, sáng 23-6-1924, Hồ Chí Minh đã phát biểu có lý về vai trò quan trọng của cách mạng ở nước thuộc địa trong quan hệ với cách mạng ở “chính quốc” rằng: “Tôi phát biểu ở đây để lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa, còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song tôi thấy rằng, hình như các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa…Vì vậy, muốn đánh bại các nước này, trước hết chúng ta phải tước thuộc địa của nó đi”[7].
Tại Phiên họp đó, Hồ Chí Minh còn nói: “Tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, sẽ gợi ra những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa…Các thuộc địa trở thành nền tảng của các lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa…Tại sao các đồng chí lại xem thường thuộc địa trong lúc chủ nghĩa tư bản lại dựa vào nó để tự bảo vệ và chống lại các đồng chí?…Bàn về khả năng và các biện pháp thực hiện cách mạng…các đồng chí Anh và Pháp cũng như các đồng chí ở các đảng khác hoàn toàn bỏ qua luận điểm cực kỳ quan trọng có tính chiến lược này. Chính vì thế, tôi hết sức kêu gọi các đồng chí: Hãy chú ý”[8].
Tại một diễn đàn tại Phiên họp lần thứ 22 Đại hội đó, ngày 1-7-1924, với tư cách là một đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp, và nhân danh một người ở dân tộc thuộc địa, Hồ Chí Minh phát biểu để “bổ sung những ý kiến phê bình của đồng chí Manuinxki về chính sách của chúng ta trong vấn đề thuộc địa”. Hồ Chí Minh phê bình cả Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Anh và đảng cộng sản một số nước chưa quan tâm đến cách mạng ở các thuộc địa: “Sẽ không phải là quá đáng nếu nói rằng chừng nào Đảng Pháp và Đảng Anh chúng ta chưa thi hành một chính sách thật tích cực trong vấn đề thuộc địa, thậm chí chưa đề cập đến quần chúng các thuộc địa, thì toàn bộ chương trình rộng lớn của hai đảng đó vẫn không có hiệu quả gì. Chương trình ấy sẽ không có hiệu quả gì vì nó trái với chủ nghĩa Lênin”[9].
Hồ Chí Minh phát biểu tiếp: “Còn các đảng cộng sản của chúng ta như Đảng Cộng sản Anh, Hà Lan, Bỉ và các đảng cộng sản các nước khác mà giai cấp tư sản ở đấy chiếm giữ thuộc địa, thì đã làm những gì? Các đảng này, từ khi chấp nhận bản Luận cương của Lênin, đã làm được những gì để giáo dục cho giai cấp công nhân nước mình tinh thần quốc tế chủ nghĩa chân chính, tinh thần gần gũi với quần chúng lao động các nước thuộc địa? Tất cả những việc mà các đảng của chúng ta đã làm về mặt này, thật hầu như chưa có gì cả. Còn về tôi, là một người sinh trưởng ở một nước hiện nay là thuộc địa của Pháp và là một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tôi lấy làm tiếc phải nói rằng Đảng Cộng sản Pháp chúng tôi làm rất ít cho các nước thuộc địa”[10]. Hồ Chí Minh phát biểu một cách gay gắt, với khẩu khí thật mạnh và đưa ra những đề nghị rất cụ thể: “Vậy phải hành động thực tiễn như thế nào? Đề ra những luận cương dài dằng dặc và thông qua những nghị quyết rất kêu để sau Đại hội đưa vào viện bảo tàng như từ trước vẫn làm thì chưa đủ. Chúng ta cần có biện pháp cụ thể. Tôi đề nghị mấy điểm dưới đây:
1. Mở trên báo L’Humanité một mục để đăng đều đặn hằng tuần ít nhất hai cột các bài về vấn đề thuộc địa.
2. Tăng cường tuyên truyền và tuyển lựa đảng viên của Đảng trong những người bản xứ ở những nước thuộc địa đã có phân bộ cộng sản.
3. Gửi những người bản xứ vào Trường đại học cộng sản của những người lao động phương Đông ở Matxcơva.
4. Thoả thuận với Tổng Liên đoàn lao động thống nhất để tổ chức những người lao động của các thuộc địa làm việc ở Pháp.
5. Đặt nhiệm vụ cho các đảng viên của Đảng phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuộc địa”[11].
Trong một bức thư đề ngày 11-4-1924 gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh nêu nhận xét của mình: “Những thuộc địa của Pháp nói chung và xứ Đông Dương nói riêng, rất ít được biết tới trong giới vô sản…Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp đều hiểu biết rất ít về những gì xảy ra tại thuộc địa đó”[12].
Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của giai cấp vô sản ở “chính quốc”, đặc biệt trong đo là giai cấp công nhân Pháp, phải kết hợp chặt chẽ với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở thuộc địa, sự kết hợp đó tạo thành một mặt trận thống nhất của giai cấp vô sản toàn thế giới.
Hồ Chí Minh đi tới tận cùng của tư duy về chủ nghĩa thực dân và những biện pháp cách mạng trong thực tế. Nhưng tiếc thay, éo le thay, cuộc sống vốn không đơn giản. Hồ Chí Minh lại bị sa lầy bởi những quan điểm cả hữu khuynh và cả tả khuynh, phần nhiều là tả khuynh, của Quốc tế Cộng sản trên một số vấn đề chủ yếu nhất của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Mãi đến tháng 9-1924, Quốc tế Cộng sản vẫn cứ trù trừ khi cử Hồ Chí Minh đến hoạt động ở Trung Quốc và trở về Đông Dương. Thậm chí, khi cử rồi thì định không cấp tiền cho Hồ Chí Minh hoạt động, không cử Người với tư cách là cán bộ của Quốc tế Cộng sản mà chỉ với tư cách cá nhân. Sau đó, do can thiệp của đại diện Đảng Cộng sản Pháp, vấn đề trên đây mới được giải quyết ổn thỏa.
* Trong cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh mang rất nhiều tên khác nhau. Để tiện theo dõi, trong bài này, xin được quy ước dùng một tên thống nhất:Hồ Chí Minh.
Nguồn: thehehochiminh.net
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr. 62.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr. 52.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr. 194.
[4] Như trên, tr. 195.
[5] Như trên, tr. 197.
[6] Như trên.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 273.
[8] Như trên, tr. 273-275.
[9] Như trên, tr. 277.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 278.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 281.
[12] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, T. 1, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992, tr. 214-215.
0 Nhận xét