Đảng dùng cách gì và làm thế nào để lãnh đạo?
1- Đảng đã truyền bá lý luận Mác - Lênin vào trong nhân dân ta. Đối với công việc kháng chiến và kiến quốc, lý luận là rất quan trọng. Không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm.
Lý luận làm cho quần chúng giác ngộ, bày cho quần chúng tổ chức, động viên quần chúng để đấu tranh cho đúng.
Nhờ lý luận mà quần chúng hiểu rõ nguyên nhân vì sao mà cực khổ, thấy rõ đường lối đấu tranh để giải phóng mình, hiểu rõ phương pháp đấu tranh với địch.
Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình.
Đảng kết hợp lý luận với kinh nghiệm và thực hành của cách mạng Việt Nam. Đảng áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp Mác - Lênin mà giải quyết các vấn đề thực tế của cách mạng Việt Nam.
Không phải chỉ học thuộc lòng vài bộ sách của Mác - Lênin mà làm được như vậy. Đảng phải có tinh thần khoa học và tinh thần cách mạng rất cao, phải hiểu rõ lịch sử xã hội, phải quyết tâm phấn đấu cho giai cấp và nhân dân, phải tin tưởng vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng, phải gom góp tư tưởng, kinh nghiệm, sáng kiến và ý chí của quần chúng, sắp xếp nó thành hệ thống, rồi lại áp dụng vào trong quần chúng.
Đảng phân tích rõ ràng tình hình trong nước và trên thế giới, rồi áp dụng lý luận vào các chính sách: chính sách ruộng đất, chính sách Mặt trận dân tộc, chính sách kháng chiến kiến quốc, chính sách xây dựng Đảng...
Vì Đảng lãnh đạo đúng, cho nên lòng tự tin và sức chiến đấu của nhân dân ta ngày càng cao và lực lượng cách mạng ngày càng to lớn.
2- Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Đảng quy định ở giai đoạn nào thì phải dựa vào lực lượng nào, đoàn kết lực lượng nào, cô lập và phân hóa lực lượng nào, để tiêu diệt kẻ thù của giai cấp, của nhân dân.
Khẩu hiệu chính trị đúng, thì toàn dân thấy rõ phương hướng, nhận rõ ai là bạn, ai là thù, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng, để đánh thắng kẻ thù của cách mạng.
Có khẩu hiệu chung, cũng chưa đủ, Đảng còn phải căn cứ theo lợi ích của nhân dân trong giai đoạn đó, đề ra những khẩu hiệu mới, để động viên quần chúng, để làm mục đích và vạch đường lối cho quần chúng đấu tranh; đồng thời để huấn luyện, giáo dục quần chúng. Thực hiện những khẩu hiệu này, tức là đẩy cách mạng tiến tới và giúp cho khẩu hiệu chung thực hiện. Thí dụ: Để đẩy mạnh kháng chiến kiến quốc, Đảng đề ra khẩu hiệu “Phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất”, “Thi đua sản xuất”, v.v.. Những khẩu hiệu ấy làm cho hàng triệu nhân dân lao động càng thêm hăng hái tham gia kháng chiến kiến quốc.
Trong mỗi giai đoạn quan trọng, Đảng đề ra những khẩu hiệu đúng để động viên và lãnh đạo nhân dân đấu tranh, cho nên nhân dân tranh được nhiều thắng lợi.
3- Kinh qua đảng viên và các tổ chức của Đảng, Đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng, lãnh đạo các đoàn thể cách mạng của quần chúng.
Đảng viên và cán bộ không thể chỉ hô khẩu hiệu và nói lý luận suông.
Đảng viên và cán bộ nhất định phải làm cho quần chúng thấm nhuần tư tưởng cách mạng. Nhất định phải theo nhu cầu của quần chúng mà xây dựng những tổ chức cách mạng hợp với trình độ của quần chúng. Nhất định phải làm gương mẫu trong mọi công việc kháng chiến kiến quốc. Nhất định phải vào sâu trong quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng, làm cho quần chúng mến Đảng, tin Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo.
Đảng đòi hỏi đảng viên và cán bộ phải: học hiểu lý luận, chính sách, tình hình trong nước và trên thế giới để giáo dục cho quần chúng. Phải học hiểu nghề nghiệp chuyên môn mà Đảng và Chính phủ giao cho mình phụ trách. Phải có tinh thần hy sinh cho cách mạng, có tinh thần trách nhiệm để vượt mọi khó khăn.
Đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.
Phải nắm vững chính sách của Đảng và của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng như thế mới xứng đáng là đảng viên và cán bộ của Đảng, như thế mới lãnh đạo được quần chúng.
Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.276-279.
0 Nhận xét