Bác Hồ thăm một đơn vị quân đội năm 1957 |
Trong lịch sử nhân loại, bất kỳ quốc gia nào và dù trong thời chiến tranh hay hòa bình, chức năng của quân đội vẫn là đội quân bảo vệ Tổ quốc. Để làm tròn chức năng đó, quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của lực lượng cầm quyền nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước - bảo vệ chính lực lượng đã sinh ra mình. Vì vậy, nếu quân đội không gắn với sự lãnh đạo của một đảng chính trị nào, một giai cấp điển hình đại diện nào thì đó quan điểm vừa mơ hồ, ảo tưởng.
Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới vào hoàn cảnh cụ thể cách mạng Việt Nam, khẳng định tính tất yếu phải tổ chức và lãnh đạo quân đội, sử dụng quân đội làm công cụ bạo lực nòng cốt sắc bén cho toàn dân đánh giặc, giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng chỉ rõ: phương pháp cách mạng là tiến hành bằng bạo lực cách mạng, dùng sức mạnh của quần chúng có tổ chức để đánh đổ đế quốc và tay sai, lập nên chính phủ công nông binh và “tổ chức ra quân đội công nông”[1]. Quan điểm này đã đặt nền tảng, cơ sở lý luận trực tiếp, hình thành chủ trương, đường lối tổ chức xây dựng quân đội cách mạng, kiểu mới của nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Luận cương chính trị tháng 10-1930 của Đảng chỉ rõ: “Mục đích của Đảng là lãnh đạo quần chúng võ trang bạo động. Vậy nên ngay từ bây giờ Đảng phải tổ chức bộ quân sự của Đảng”[2]. Đại hội đại biểu lần thứ nhất năm 1935, Đảng ta đã khẳng định: “công nông cách mạng tự vệ đội đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương Quân ủy của Đảng Cộng sản; luôn luôn phải giữ quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản trong tự vệ thường trực”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ các đội tự vệ công nông, đội tự vệ Đỏ trong phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, các đội du kích Bắc Sơn, quân du kích Nam Kỳ, Cứu quốc quân, du kích Ba Tơ lần lượt ra đời... là những lực lượng vũ trang hùng hậu ban đầu, để ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời gồm 34 cán bộ, chiến sĩ, chia thành 3 tiểu đội, do đồng chí Hoàng Sâm là đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, vũ khí chủ yếu là gậy tầm vông, súng kíp. Song, trước yêu cầu bức thiết của lịch sử lúc đó, chỉ hai ngày sau khi thành lập, Đội đã ra quân, giành thắng lợi tại hai trận đánh đầu tiên: trận Phai Khắt và Nà Ngần, mở ra truyền thống đánh giặc anh dũng kiên cường, chiến thắng vẻ vang của Quân đội ta.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam có một quân đội kiểu mới - quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, Quân đội nhân dân Việt Nam với mục tiêu chiến đấu, đường lối xây dựng, nghệ thuật quân sự đúng đắn và sức mạnh “phi thường” đã làm nên những chiến công lừng lẫy trong cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nhà nước Việt Nam dân chủ công hoà; làm nòng cốt cho lực lượng toàn dân tộc kháng chiến “toàn diện, lâu dài và gian khổ”, là cờ bách chiến, bách thắng của quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ bay cao trên nóc hầm tướng De Castries, trên nóc Dinh Độc Lập mà còn bay xa trên trường quốc tế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Non sông thu về một mối, cả nước đi lên xây dựng CNXH, quân đội ta tiếp tục hoàn thành thắng lợi vẻ vang nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Có được những chiến công nối tiếp chiến công của quân đội ta trong suốt chặng đường lịch sử dân tộc là: Quân đội được dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo quân đội tuyệt đối về mọi mặt, không nhường quyền, hoặc phân quyền lãnh đạo quân đội cho bất kỳ một lực lượng chính trị hay một đảng phái, cá nhân nào khác. Sự lãnh đạo đó còn được thực hiện trực tiếp, không thông qua một khâu trung gian, một tổ chức trung gian nào, nhằm đảm bảo cho Đảng nắm chắc quân đội trong mọi tình huống. Đảng ta xác định lãnh quân đội trên mọi lĩnh vực hoạt động, mọi mặt công tác, mọi nhiệm vụ, mọi lực lượng, mọi đơn vị quân đội. Ở đâu có tổ chức và hoạt động của quân đội thì ở đó có sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đảng lãnh đạo quân đội bằng cơ chế và phương thức thích hợp, đồng thời luôn coi trọng hoàn thiện cơ chế lãnh đạo cho phù hợp với sự phát triển của tình hình xây dựng và chiến đấu của quân đội trong mỗi giai đoạn cách mạng để Quân đội ta đã trở thành lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất trong tình hình mới.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế với quốc phòng an ninh, quốc phòng an ninh với kinh tế; ra sức củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, mà nòng cốt là quân đội nhân dân, an ninh nhân dân, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của quân đội đáp ứng yêu cầu tác chiến mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Mặt khác, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi bản lĩnh chính trị vững vàng của quân đội trong điều kiện mới phải được thể hiện ở việc nhận thức rõ mục tiêu chiến đấu, tích cực đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, không dao động, ngả nghiêng trước những diễn biến phức tạp của tình hình và sự tiến công hiểm độc của các thế lực thù địch. Nhạy bén, sắc sảo và kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đập tan mọi âm mưu của chúng hòng “phi chính trị hóa” quân đội, chia rẽ Đảng với quân đội, quân đội với nhân dân. Phải làm cho Quân đội ta mãi mãi là của dân, do dân, vì dân, luôn xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.
Trong tình hình hiện nay, không thể xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, mà ngược lại, càng phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Nguyên tắc “Lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam” và “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân…” ghi trong Điều 70, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn là nguyên tắc bất di bất dịch, không thể thay đổi. Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, không chỉ trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong các cuộc kháng chiến thần thánh của của dân tộc mà còn là lực lượng đi đầu, tiên phong trên mọi lĩnh vực, cánh ta đắc lực của Đảng cùng toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, hội nhập sâu vào xu thế phát triển toàn cầu.
Trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy những chức năng và nhiệm vụ của mình, cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó: Xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Vì vậy, “Lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân; có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế” vẫn là nhân tố mang tính nguyên tắc sâu sắc. Lịch sử cách mạng cũng cho thấy, một khi không có sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang sẽ bị biến chất, mất định hướng chính trị và mục tiêu chiến đấu; không còn là lực lượng vũ trang của nhân dân, không còn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; do đó, không thể làm tròn được chức năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
Để xứng đáng với lòng tin của Đảng, Quân đội ta phải kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng và những bài học quý báu được đúc kết từ thực tiễn hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; tiếp tục quán triệt và nắm vững mục tiêu, phương châm chỉ đạo của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tích cực nghiên cứu, tổng kết hoạt động lý luận, thực tiễn; phát triển lý luận bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; nghiên cứu các kiểu chiến tranh và đưa ra những dự báo về các tình huống chiến tranh xâm lược mà kẻ thù có thể tiến hành với nước ta; góp phần phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở; bảo tồn, phát huy và phát triển những giá trị văn hoá trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó cũng chính là sự thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải đảm bảo sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội”[3].
Phạm Thị Nhung, Nguyễn Văn Ngo
Trường sĩ quan Lục quân 2
Trường sĩ quan Lục quân 2
Nguồn: http://www.xaydungdang.org.vn
0 Nhận xét