“Chủ tịch Hồ Chí Minh có chỗ đứng trang trọng trong ngôi đền tưởng niệm các anh hùng cách mạng đã từng tranh đấu quyết liệt để gióng lên tiếng nói trung thực của những con người cùng khổ trên toàn thế giới. Người là một sự kết hợp sinh động: nửa Lênin, nửa Gandhi…”
Phỏng vấn GS William J. Duiker về tác phẩm “Ho Chi Minh a life”:
* Nguyên do nào khiến giáo sư lại đề tặng nhân dân VN cuốn sách về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh?
– Tôi đề tặng cuốn sách này cho nhân dân VN vì tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của nhiều người Việt khi viết cuốn sách và cũng cho rằng nhân dân VN đã kinh qua bao gian khổ, cho nên sự đề tặng đó là thích hợp nhất.
GS William J. Duiker Giữa 1960: từng là một viên chức ngoại giao phục vụ tại Nam VN và Đài Loan, sau chuyển sang công tác nghiên cứu và giảng dạy môn sử tại Đại học bang Pennsylvania, chuyên sâu về lịch sử hiện đại VN và Trung Quốc. 1997: về hưu nhưng vẫn còn giảng dạy ở Viện Đào tạo ngoại giao tại thủ đô Mỹ và hiện sống tại bang Bắc Carolina, Hoa Kỳ. Đã viết nhiều cuốn sách có giá trị về VN vào năm 1981 (giải thưởng sách chọn lọc có giá trị nhất năm 1982-1983). Năm 1994 và 1995 với Cuộc chiến tranh thần thánh: chủ nghĩa dân tộc và cách mạng trong VN bị chia cắt. Cuốn sách Hồ Chí Minh, một cuộc đời (NXB Hyperion, New York, năm 2000) dày 700 trang được đánh giá là cuốn tiểu sử về Bác Hồ đầy đủ và có giá trị nhất ở Hoa Kỳ hiện nay. Để thực hiện công trình đồ sộ này, ông đã phải dành gần 30 năm đi lại nhiều nơi và đến VN nhiều lần thu thập tài liệu nghiên cứu và phỏng vấn những người còn sống và biết rõ về Bác Hồ. |
* Có điều gì hấp dẫn trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh mà giáo sư lại dành gần 30 năm công sức đi lại nhiều nơi trên thế giới và nhiều lần đến VN để viết về tiểu sử Người?
– Qua kinh nghiệm bản thân ở VN trong những năm 1960, tôi cảm thấy người VN có được quyết tâm chiến đấu hi sinh cho chính nghĩa cách mạng chính là nhờ ở sự lãnh đạo tài giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Càng nghiên cứu sâu về VN, tôi lại càng nhìn thấy Người là chiếc chìa khóa để ta có thể am hiểu được những gì đã xảy ra ở đó.
* Căn cứ vào đâu mà giáo sư cho rằng nhà cách mạng Hồ Chí Minh trước hết là một người dân tộc chủ nghĩa VN và sau đó mới là một người cộng sản quốc tế? Và Hồ Chí Minh là “con người tạo sự kiện” đã kết hợp được hai nguồn lực trung tâm trong lịch sử hiện đại VN: khát vọng độc lập dân tộc và kiếm tìm công bằng xã hội và kinh tế?
– Khởi đầu Người là một người dân tộc chủ nghĩa và sau đó mới trở thành một người cộng sản, cơ bản là để đạt được các mục tiêu dân tộc của mình. Một khi trở thành người Mácxít, Người là một người cộng sản nhưng luôn có những quan điểm độc lập. Cho nên Người vừa là người dân tộc chủ nghĩa vừa là người cộng sản.
“Con người tạo sự kiện” là người đứng ra gánh vác cả xã hội trên đôi vai của mình để hoàn thành những mục tiêu cao cả nào đó. Đó chính là điều Người đã làm.
* Theo như mô tả của giáo sư thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong các nhà cách mạng lôi cuốn nhất của thế kỷ 20, chẳng những với nhân dân VN mà với hầu hết những người trên thế giới từng tiếp xúc với Người, gồm cả bạn bè lẫn kẻ đối nghịch. Giáo sư có thể cho biết vài ví dụ cụ thể?
– Đúng vậy, những ví dụ thì có rất nhiều trong cuốn sách. Người có biệt tài lôi cuốn được cả bạn bè lẫn kẻ thù nghịch, bao gồm nhiều người không có cùng quan điểm và hệ ý thức với Người. Họ đều cho rằng thật là dễ chịu khi nói chuyện với Người. Người có thể lôi cuốn được cả người Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc khi tỏ ra cho họ thấy rằng mình thật sự quí trọng đất nước họ. Người là bậc thầy trong nghệ thuật nói về những gì người đối thoại mình muốn nghe, trong khi vẫn bảo vệ được những ý kiến của mình.
* Theo giáo sư, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dung hòa được ý kiến mọi người, tạo được sự đồng thuận trong nội bộ nhân dân và chủ trương tiến hành từng bước cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở VN. Như vậy, nếu Người còn sống sau năm 1975, giáo sư có nghĩ rằng cục diện chính trị VN thống nhất sẽ khác hơn là những gì đã diễn ra?
– Người luôn có những mục tiêu cụ thể cần đạt được – độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Tôi nghĩ rằng nếu Người còn sống – và duy trì được ảnh hưởng mình trong lãnh đạo Đảng – thì VN đã không phải đối đầu với khó khăn sau chiến tranh nhiều như vậy. Tôi cho rằng Người sẽ ủng hộ mạnh mẽ đường lối đổi mới hiện nay của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN và làm cho đường lối đó có được sự ủng hộ to lớn hơn của nhân dân VN.
* Giáo sư có nghĩ rằng Hoa Kỳ và VN đã đánh mất cơ hội sớm quan hệ với nhau ngay vào năm 1945 và như vậy đã tránh được cuộc đụng đầu đẫm máu vào những năm 1960, đầu 1970 nếu chính quyền Mỹ nhìn nhận chính quyền Hồ Chí Minh?
– Trên nguyên tắc, cả hai nước đã đánh mất cơ hội thiết lập quan hệ tốt vào năm 1945. Tuy vậy, nếu nhìn lại sự căng thẳng gia tăng của chiến tranh lạnh, tôi không tin là có thể dung hòa được các mục tiêu của Hoa Kỳ và VN Dân chủ cộng hòa sau Thế chiến thứ 2.
* Giáo sư đánh giá ra sao về tác động của cuộc chiến đấu và thắng lợi của VN do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo trên sách lược của chính quyền Mỹ đối với các nước thuộc thế giới thứ ba?
– Đây là một câu hỏi quá lớn để có thể trả lời một cách vắn tắt. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ rằng với một đường lối cứng rắn ở Đông Nam Á, Hoa Kỳ khó lòng chấp nhận một chính quyền xã hội chủ nghĩa hoặc cách mạng ôn hòa trong vùng. /.
NGUYỄN HỮU THÁI
Nguồn: thehehochiminh.wordpress.com
0 Nhận xét