Tám thiếu niên Việt Nam đầu tiên được Bác Hồ huấn luyện tại Quảng Châu
Đỗ Hoàng Linh
PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Sau một thời gian ở nước Nga xôviết tham gia các hoạt động của Quốc tế cộng sản (QTCS), Nguyễn Ái Quốc nóng lòng muốn trở về Tổ quốc để hoạt động cách mạng và truyền bá chủ nghĩa Mars-Lênin vào Việt Nam. Ngày 11/9/1924, Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Voitinxki- Thư ký Ban Phương Đông của QTCS, phó tiểu ban Viễn Đông và là đại diện của QTCS ở Trung Quốc để phàn nàn về chuyến đi Trung Quốc của mình bị trì hoãn mãi “vì lý do này hay lý do khác, hết tuần này sang tuần khác, hết tháng này sang tháng khác”(1). Ngày 22/9/1929, đại diện đảng CS Pháp đã gửi thư cho Ban bí thư QTCS có đoạn: “Rõ ràng đồng chí Nguyễn Ái Quốc cần phải tạo ra được các quan hệ với dân bản xứ… Vậy tôi yêu cầu Ban bí thư giao cho Ban Phương Đông cân nhắc lại vấn đề này và có quyết định hợp với sự mong muốn của Đảng CS Pháp và với những điều cần thiết của việc tuyên truyền thuộc địa”(2). Sau đó trong một buổi tiếp thân mật Nguyễn Ái Quốc, Manuinxki- Uỷ viên đoàn Chủ tịch Ban chấp hành QTCS đã thông báo rằng QTCS đã quyết định cử ông Nguyễn sang Quảng Châu, Trung Quốc công tác nhằm xúc tiến các điều kiện để xây dựng một tổ chức cộng sản ở Đông Dương và giúp đỡ cách mạng ở các nước Đông Nam Á. Ngày 25/9/1924, Nguyễn Ái Quốc được Ban chấp hành QTCS ra quyết định về chuyến đi Quảng Châu theo đề nghị của Người: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cần đi Quảng Châu. Chi phí do Ban Phương Đông chịu”. Để chuẩn bị cho chuyến đi, Nguyễn Ái Quốc đã nhận làm phóng viên thường trú hãng thông tấn Nga Rosta với bút danh O. Lu. Đầu tháng 10/1924, Nguyễn Ái Quốc đi tàu hoả từ ga Iaroxlap, Moscow đến Vladivoxtoc và được đại diện QTCS ở đây đón về ở khách sạn Vexan trên phố Lênin và thu xếp chuyến đi của Người trên một chiếc tàu chở hàng Liên Xô. Ngày 11/11/1924, con tàu hàng mang cờ xôviết này đi ngược dòng sông Châu Giang cập bến Quảng Châu. Lúc đó, Quảng Châu là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan, đoàn thể cách mạng của Đảng CS Trung Quốc và Quốc dân đảng và có các trường đại học, trường quân sự danh tiếng và có trụ sở phái đoàn xô viết do Bôrodin- vừa là cố vấn chính trị của Chính phủ Tôn Dật Tiên, vừa là đại diện của QTCS tại Trung Quốc, phụ trách. Nguyễn Ái Quốc vốn đã quen biết với Bôrodin, một cán bộ của QTCS ở cùng khách sạn Lux với mình tại Moscow. Các nhà cách mạng và yêu nước Việt Nam cũng tập trung về Quảng Châu hoạt động hoặc tạm trú chân. Nguyễn Ái Quốc đến đây vào lúc không khí cách mạng sôi sục vì dư âm của tiếng bom Phạm Hồng Thái ám sát hụt Toàn quyền Đông Dương Merlin, đặc biệt đang làm nóng bầu nhiệt huyết của những người thanh niên Việt Nam. Với danh nghĩa công khai là cán bộ phiên dịch của phái bộ xô viết, ở ngay trong dinh của Borodin trên quảng trường Đông Giảo, Nguyễn Ái Quốc vừa phải hoàn thành nhiệm vụ với Hội quốc tế nông dân trên cương vị Uỷ viên đoàn Chủ tịch phụ trách theo dõi và chỉ đạo phong trào nông dân châu Á, vừa chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Để thực hiện những công việc này, Nguyễn Ái Quốc vẫn phải kết hợp hoạt động bí mật, tuy được phép liên hệ, tiếp xúc với đảng CS Trung Quốc và Quốc dân đảng nhưng chỉ với tư cách cá nhân chứ không phải đại diện do QTCS giới thiệu. Vì kinh phí hoạt động thiếu thốn nên Nguyễn Ái Quốc phải làm thêm nhiều việc để kiếm sống và hoạt động như phụ trách mục tuyên truyền trong tờ báo Canton Gazette bằng tiếng Anh của của Trung ương Quốc dân đảng, có lúc bán cả báo, thuốc lá. Đầu năm 1925, Đảng CS Trung Quốc cử Trương Thái Lôi (vốn đã kết thân với Nguyễn Ái Quốc từ năm 1923 ở Moscow và cùng công tác trong Ban Phương Đông của QTCS, lúc này là Uỷ viên dự khuyết Trung ương, Uỷ viên thường vụ tỉnh uỷ Quảng Đông, kiêm chủ nhiệm tờ Nhân dân tuần báo) làm trợ lý cho cố vấn Borodin. Người cũng gặp lại một số bạn cũ từ thời những năm 20 ở Paris như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Thái Xướng, Trần Diên Niên (đây là nhóm bạn cùng hoạt động với Nguyễn Ái Quốc tại Pháp, có mấy đồng chí đã được Người giới thiệu vào đảng CS Pháp). Để tiện cho việc hoạt động, Nguyễn Ái Quốc dùng bí danh Lý Thuỵ, có lúc còn dùng tên Vương Sơn Nhị, ông Vương, Vương Đạt Nhân. Ngày 18/12/1924, Người viết báo cáo gửi đoàn Chủ tịch QTCS nói rằng: “Trong lúc này, tôi là một người Trung Quốc chứ không phải là một người An Nam và tên tôi là Lý Thuỵ chứ không phải Nguyễn Ái Quốc”(3). Từ Quảng Châu, Lý Thuỵ thường xuyên gửi thư, cáo cáo công tác, nhận xét tình hình Trung Quốc và thế giới, viết 30 bài bình luận gửi đăng trên Tạp chí thư tín quốc tế (Inprekorr) của QTCS. Được sự giúp đỡ của các đảng viên CS Trung Quốc, Lý Thuỵ đã tổ chức lại lực lượng cách mạng và tiến hành huấn luyện cán bộ cho Việt Nam.
Trước nhu cầu cấp thiết về chính trị, tư tưởng và phương pháp cách mạng, Lý Thuỵ đã tổ chức các khoá huấn luyện chính trị tại nhà số 13 và 13.1 (B) (nay là số nhà 248-250 đường Văn Minh, Quảng Châu). Tầng dưới là cửa hiệu bán tạp hoá, lớp học được đặt trên tầng 3 nhà số 13, còn tầng 3 nhà 13B là nơi ăn ở của anh em học viên. Trước cửa nhà có gắn biển chữ Hán: Ban huấn luyện chính trị đặc biệt. Từ đầu năm 1925 đến tháng 4/1927, Lý Thuỵ đã trực tiếp mở được ba khoá học với 75 học viên. Các khoá học do Lý Thuỵ và Lâm Đức Thụ phụ trách (tên thật là Nguyễn Công Viễn con cụ Nguyễn Hữu Đàn cùng học tại Quốc Tử Giám năm 1895 với cụ Nguyễn Sinh Huy) cùng các giảng viên khác, nếu nói chuyện bằng tiếng Anh thì Lý Thuỵ dịch, nói bằng tiếng Hán thì Lâm Đức Thụ dịch. Các giảng viên người Việt có đồng chí Vương (Lý Thuỵ), Hồ Tùng Mậu (tên thật là Hồ Bá Cự, là một trong nhóm thanh niên sáng lập Tâm Tâm Xã rồi trở thành hạt nhân tích cực của Ban huấn luyện), Lê Hồng Sơn (tên thật là Lê Văn Phan, cũng là thành viên sáng lập Tâm Tâm Xã, là người hỗ trợ cho Phạm Hồng Thái ám sát hụt Toàn quyền Merlin).. Giảng viên nước ngoài có: ông Liêu Trọng Khải (lãnh tụ cánh tả trong Quốc dân đảng), ông bà Borodin. Khu uỷ Quảng Đông cũng cử một số đồng chí đến giảng bài cho lớp như: Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Trương Thái Lôi, Trần Diên Niên, Bành Bái (tỉnh uỷ viên phụ trách Nông hội, Chủ tịch BCH lâm thời Nông hội toàn quốc). Chương trình học rất phong phú, nội dung các bài giảng đề cập đến cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam và phương pháp vận động cách mạng. Lớp học còn ra một tờ bích báo đăng bài của học viên, có khi còn tổ chức diễn kịch, sinh hoạt văn nghệ, tham quan các địa danh như trường quân sự Hoàng Phố, đồi Hoàng Hoa Cương nơi có mộ của 72 liệt sĩ hy sinh trong cách mạng Tân Hợi 1911. Dù các học viên đóng góp một phần kinh phí và các tổ chức cách mạng Quảng Châu cũng chi viện thêm nhưng đời sống sinh hoạt vẫn gặp nhiều khó khăn, nhà bếp phải chia cả phần cơm cháy để các học viên ăn thêm. Lý Thuỵ vẫn phải nhận làm phóng viên hợp đồng cho hãng thông tấn Roxta với mức lương tháng 150 dollar (trong khi chi phí cho một học viên từ Đông Dương đến Quảng Châu và trở về tốn 200 dollar), vừa phải làm việc cật lực từ 5h sáng đến 12h đêm để kiếm thêm tiền lo cho học viên ăn ở, học hành, đi lại nên sức khoẻ Lý Thuỵ rất kém, bị ho nhiều, có lúc ra cả máu. Khoá 1 chỉ mới có 10 học viên tiêu biểu như: Ngô Chính Quốc, Lê Duy Điếm, Vũ Nam Hồng, Lý Mộng Sơn… Khoá 2 thì học viên đông hơn nên phải mở thêm cơ sở mới ở phố Nhân Hưng trên gác hai. Hồ Tùng Mậu được giao phụ trách sinh hoạt và ngoại khoá của lớp. Khoá này có các học viên tiêu biểu như: Trần Phú, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Bình, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thiết Hùng… Dồng chí Phạm Văn Đồng cũng sang dự nhưng bị ốm nên theo học khoá sau. Khoá 3 có các học viên tiêu biểu như: Trần Văn Cung, Nguyễn Đình Từ, Phan Đăng Đệ, Lê Duy Nghệ, Nguyễn Danh Đới… Tháng 2/1927, phái viên Jacques Doriot của QTCS đã đến kiểm tra khoá học và đồng chí Phạm Văn Đồng được cử đọc diễn văn chào mừng bằng tiếng Pháp. Sau đó, các bài giảng của đồng chí Lý Thuỵ được tập hợp lại, in rôneo lấy tựa đề là Đường Kách Mệnh và trở thành cuốn sách giáo khoa chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Thời gian trước năm 1925, một số nhà hoạt động yêu nước Việt Nam đã lập ra một tổ chức lấy tên là Tâm Tâm Xã gồm một số thanh niên nhiệt huyết nhưng thiếu lý luận cách mạng, chỉ chủ trương dùng hình thức ám sát nên đã tạo nên sự kiện tiếng bom Sa Diện thất bại. Lý Thuỵ đã chủ động liên lạc với các thành viên của Tâm Tâm Xã để tuyên truyền chủ nghĩa Marx-Lênin, giúp họ tổng kết những thành công và thất bại của tổ chức và cải tổ thành Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (Hội VNCMTN). Cùng lãnh đạo Hội với Lý Thuỵ còn có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong (tên thật là Lê Văn Dục, cũng là thành viên Tâm Tâm Xã). Mục đích, tôn chỉ hoạt động của Hội ghi rõ: “Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mệnh dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành lại độc lập cho xứ sở) rồi sau đó làm cách mệnh thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản)”(4). Dưới sự tổ chức giáo dục, rèn luyện trực tiếp của Lý Thuỵ- Nguyễn Ái Quốc, Hội đã tổ chức được nhiều cơ sở ở khắp ba kỳ Việt Nam và ở Xiêm, thiết lập được các tuyến giao thông liên lạc từ trong nước ra nước ngoài, đặt quan hệ với đảng CS Trung Quốc, Pháp và QTCS. Phong trào cách mạng Việt Nam bắt đầu phục hồi và phát triển. Hội VNCMTN là đoàn thể cách mạng đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời là một tổ chức quá độ tiền Marxít để tiến lên đảng cộng sản.
Ngày 1/5/1925, Lý Thuỵ tham gia tổ chức Đại hội lần thứ nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông cùng với những đồng chí cộng sản Trung Quốc để thống nhất sự lãnh đạo về công tác và đấu tranh. Cùng tháng đó, Lý Thuỵ còn tham gia tổ chức Hội nghị đại biểu đầu tiên của 20 vạn nông dân của tỉnh Quảng Đông và Hội nghị đại biểu lần thứ hai của công nhân Trung Quốc nhằm mục đích thành lập một mặt trận thống nhất giữa những người bị bóc lột ở thành thị và nông thôn. Tháng 6/1925, đảng CS Trung Quốc lập ra Uỷ ban bãi công để động viên công nhân đấu tranh đòi quyền lợi, Lý Thuỵ đã đến Uỷ ban này ghi tên tham gia đội diễn thuyết tuyên truyền. Khi lên diễn đàn, Người nói bằng tiếng Trung Quốc pha giọng Quảng Đông, kêu gọi công nhân hãy đoàn kết nhất trí, kiên trì đấu tranh giành thắng lợi cuối cùng. Giọng nói của Lý Thuỵ hùng hồn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, được công nhân hoan nghênh nhiệt liệt. Trong thời gian này, Hội nông dân Quảng Đông thường tổ chức các buổi cáo cáo để mời Khu uỷ và các cố vấn Liên Xô đến nói chuyện nên cũng mời luôn các học viên Việt Nam cùng dự. Sau khi Chu Ân Lai (lúc đó là Uỷ viên thường vụ khu Lưỡng Quảng, phụ trách công tác quân sự) được giao kiêm chức Chủ nhiệm Ban chính trị và Diệp Kiếm Anh là phó chủ nhiệm Ban giáo vụ trường quân sự Hoàng Phố, Lý Thuỵ đã tranh thủ cơ hội lựa chọn một số thanh niên ưu tú gửi vào trường này học nhằm chuẩn bị lực lượng nòng cốt cho quân đội cách mạng tương lai như Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Vũ Hồng Anh khoá 2; Trương Vân Lĩnh khoá 3; Nguyễn Sơn khoá 4; Lê Thiết Hùng khoá 5.. Lý Thuỵ thường xuyên liên hệ với các học viên Việt Nam ở trường Hoàng Phố và chỉ đạo, giáo dục họ đồng thời qua đó xây dựng được nhiều mối quan hệ thân thiết hơn với một số cán bộ trong trường như Nhiếp Vinh Trăn, Từ Hướng Tiền... Những hoạt động của Hội VNCMTN đã thu hút được nhiều thanh niên yêu nước Việt Nam đến Quảng Châu tìm gặp lãnh tụ cách mạng và học hỏi đường lối hoạt động. Để tăng cường công tác tuyên truyền, Lý Thuỵ đã sáng lập ra một tờ báo mang tên Thanh Niên, mỗi tuần ra một số in ronêo khổ 18x24cm. Phía trên trang nhất, trong khung hình chữ nhật có tên báo bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán, bên trái có hình ngôi sao năm cánh, ở giữa ghi số báo. Mỗi kỳ báo in khoảng 100 bản tại Quảng Châu rồi từ đó chuyển đi Thượng Hải, Hồng Kông để từ đó đưa về nước. Nội dung báo có các chuyên mục xã hội, bình luận, tân văn, vấn đáp, thơ ca, phê bình, trả lời bạn đọc… Tên tác giả khá nhiều, có bài không ký tên nhưng cây bút chủ yếu vẫn là Lý Thuỵ, thỉnh thoảng có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Lê Duy Điếm cũng tham gia viết bài. Từ ngày ra số báo đầu tiên 21/6/1925 đến 17/4/1927, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lý Thuỵ tuần báo Thanh Niên ra được 88 số, nhưng xứng đáng là đầu nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam và hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị tư tưởng, chính trị cho một chính đảng Marxist ở Việt Nam. Để tăng cường liên hệ với cách mạng các nước phương Đông và nâng cao thanh thế, ngày 9/ 7/1925, Lý Thuỵ cùng một số đồng chí thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức (Hội LHCDTBAB) bao gồm các nước: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Indonesia, Miến Điện do Liêu Trọng Khải, Chủ tịch tỉnh Quảng Đông kiêm Chủ tịch Hội. Lý Thuỵ được bầu làm Uỷ viên tài chính của Ban chấp hành Hội kiêm bí thư phụ trách trực tiếp phân hội Việt Nam và do Người thạo các tiếng Anh, Pháp, Trung, Nga nên đảm trách luôn việc dịch các thư, điện, văn kiện của Hội. Ngày 13/7/1925, Lý Thuỵ đến Uỷ ban bãi công Hồng Kông và Quảng Châu đề nghị được tham gia đội diễn thuyết với danh nghĩa là hội viên Hội LHCDTBAB. Uỷ ban bãi công đã giới thiệu Người đi báo cáo ở một số cơ sở. Ngày 31/7/1925, Lý Thuỵ được đoàn Chủ tịch Quốc tế nông dân quyết định phân công phụ trách công tác vận động nông dân ở Trung Quốc, Đông Dương, Miến Điện, Xiêm, Đài Loan và Philippin. Tháng 1/1926, Đại hội đại biểu toàn quốc lần 2 của Quốc dân đảng họp tại Quảng Châu, Lý Thuỵ đã nhờ Trương Thái Lôi chuyển một bức thư tới đoàn Chủ tịch Đại hội đề nghị được phát biểu về sự thống khổ của nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị của Pháp. Ngày 14/1/1926, với bí danh Vương Đạt Nhân, Lý Thuỵ đã lên phát biểu trước Đại hội bằng tiếng Pháp, Lý Phú Xuân đã phiên dịch cho Người sang tiếng Trung. Sau khi nhấn mạnh ý nghĩa của Đại hội, tố cáo tội các của Pháp tại Việt Nam, Người kêu gọi: “Không phân biệt nước nào, dân tộc nào, tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung chúng ta” và đáp lại lời kêu gọi này, Chủ tịch phiên họp Uông Tinh Vệ (Bộ trưởng Bộ tuyên truyền của TƯ Quốc dân đảng) đề nghị mọi người cùng hô to: “Cách mạng An Nam thành công muôn năm!”(5). Cùng với sự biến động của tình hình, Hội LHCDTBAB quyết định cải tổ bộ máy lãnh đạo, mở tộng rộng tổ chức. Ngày 14/5/1926, Lý Thuỵ thay mặt Hội thảo bản Tuyên ngôn của Hội, ủng hộ cuộc bãi công của công nhân Anh và một số bức điện động viên, ủng hộ phong trào cách mạng ở các nước Xiry, Maroc, Triều Tiên, Việt Nam. Tháng 9/1926, Lý Thuỵ giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng vừa học xong lớp huấn luyện chính trị về nước tổ chức đường dây giao thông Hải Phòng – Hương Cảng để đưa thanh niên trong nước ra ngoài học tập và chuyển tài liệu sách báo từ ngoài về nước. Từ ngày 13/11/1926 đến 14/2/1927, tại Quảng Châu, Lý Thuỵ đã theo dõi diễn biến của cuộc chiến tranh Bắc phạt của quân Cách mạng Quốc dân nhằm mở rộng thành quả cách mạng trong phạm vi cả nước, Người đã viết một loạt 7 bài về các sự biến ở Trung Quốc gửi đăng trên báo L’Annam xuất bản bằng tiếng Pháp tại Việt Nam. Tháng 12/1926, Lý Thuỵ cho xuất bản tờ báo Công Nông nhằm kêu gọi các giai cấp công nhân, nông dân làm cách mạng. Đầu năm 1927, một cán bộ giao liên của Hội VNCMTN đã đưa 8 thiếu niên Việt Nam là con em của các nhân sĩ yêu nước chống Pháp đến Quảng Châu. Lý Thuỵ rất quan tâm đến những thiếu niên này nên đã liên hệ thu xếp cho các em vào học miễn phí tại trường tiểu học và trung học thuộc đại học Trung Sơn. Tháng 2/1927, Lý Thuỵ chủ trương ra thêm tờ báo Lính cách mệnh nhằm tuyên truyền giác ngộ binh lính người Việt. Số báo đầu tiên in roneo khổ 13x19cm do Người là cây bút chính, ngoài ra còn có những biên tập viên khác như: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm.
Ngày 12/4/1927, Tưởng Giới Thạch tiến hành đảo chính phản cách mạng ở Thượng Hải. Ngày 15/4/1927, phái phản động trong Quốc dân đảng ở Quảng Châu bắt đầu bắt bớ, tàn sát các đảng viên cộng sản và quần chúng cách mạng. Borodin và văn phòng của ông phải chuyển về Vũ Hán còn Lý Thuỵ vẫn nán lại đây để giữ liên lạc với các đồng chí Trung Quốc và bí mật duy trì công việc của Hội VNCMTN. Nhưng đêm khuya ngày 5/5/1927, Lý Thuỵ được Trương Vân Lĩnh (tên thật là Trương Văn Thanh, lúc đó đã tốt nghiệp trường Hoàng Phố đang làm việc tại Sở cảnh sát của chính quyền Tưởng Giới Thạch) chạy đến báo tin: “Chúng sắp bắt anh đấy! Tính thế nào anh phải tính nhanh đi”(6). Lý Thuỵ liền bí mật đi Hương Cảng, nhưng tại đây Người bị mật thám Anh bắt buộc phải rời đi trong vòng 24 giờ. Lý Thuỵ- Ngyễn Ái Quốc phải chuyển tàu đi Thượng Hải và tìm cách nhập vào đoàn nhân viên Liên Xô công tác tại Trung Quốc rồi theo hành trình của đoàn đi xuyên qua sa mạc Gobi trở về Liên Xô (7). Ngày 15/6/1927, Người về đến Moscow.
Chú thích:
1, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị quốc gia 2006. Tập 1, tr 286
2, Sđ d ……….nt, tr 288
3, Sđ d ……….nt, tr 299
4, Các tổ chức tiền thân của Đảng. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng TƯ 1977, tr 82
5, Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb CTQG 2011. Tập II, tr 228
6, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Sđ d ……..nt, tr 372
7, Nhiều sách, bài viết cùng cho rằng Nguyễn Ái Quốc đã lên tàu thuỷ ở Thượng Hải để về cảng Vladivoxtoc (Liên Xô)? Giả thuyết này có thể dựa trên cơ sở thời gian hải trình từ Liên Xô sang Quảng Châu của Nguyễn Ái Quốc bằng tàu thuỷ chở hàng khoảng một tháng (từ đầu tháng 10 đến 11/11/1924) và khi quay về Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc cũng đi khoảng hơn một tháng (từ đầu tháng 5/1927 đến 15/6/1927). Tuy nhiên, tôi thiên về giả thuyết khác: Trong bối cảnh Quốc dân đảng đang truy sát những người cộng sản và lùng bắt Lý Thuỵ thì khả năng Nguyễn Ái Quốc một mình đơn độc vừa phải lẩn tránh, vừa lo mọi thủ tục, lại tìm được tàu thuỷ ở Thượng Hải để về Liên Xô sẽ không hợp lý? Bằng kinh nghiệm hoạt động của mình, Người sẽ lựa chọn cách an toàn, chắc chắn hơn là gia nhập vào đoàn nhân viên ngoại giao và cố vấn xôviết của Borodin mà Người đã có mấy năm cùng cộng tác, nhưng đoàn cố vấn xô viết này lại không về Liên Xô bằng đường thuỷ! Vì theo một thoả hiệp ngầm với Tưởng Giới Thạch, phấi đoàn xô viết đã được rời Trung Quốc bằng ôtô để đưa bà Tống Khánh Linh (phu nhân Tôn Dật Tiên) cùng về Liên Xô. Thời điểm viết bài này, tôi đã liên hệ với nhà sử học E. Kobelev của Nga thì được biết khi viết cuốn Đồng chí Hồ Chí Minh, ông cũng đã tìm được một tài liệu trong hồ sơ của QTCS ghi rõ: Borodin đã dẫn đoàn cán bộ xôviết đầu tiên từ Vũ Hán về Liên Xô bằng con đường qua sa mạc Gobi, sau đó ông chỉ đạo cho đoàn cán bộ thứ hai tiếp tục về nước và Nguyễn Ái Quốc có tên ở trong đoàn cán bộ thứ hai này! Tuy tài liệu không nói rõ đoàn thứ hai này có về nước theo đúng lộ trình của đoàn thứ nhất hay không, nhưng rõ ràng con đường qua sa mạc Gobi mà Borodin đã đi qua rất an toàn nên đoàn thứ hai sẽ đi đường bộ! Bởi vậy, E. Kobelev đã đưa chi tiết này vào cuốn sách được tái bản lần thứ ba tại Hà Nội năm 2010. Vì thế tôi cũng tán thành với giả thuyết: Năm 1927, Lý Thuỵ- Nguyễn Ái Quốc đã quay về Liên Xô bằng đường bộ qua sa mạc Gobi cùng với đoàn cố vấn xôviết.
0 Nhận xét