"Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số từ nước Pháp" một lần nữa giúp khán giả hiểu hơn những hoạt động bí mật của Người trong thời kì ở Pháp.
"Ngay sau khi phát sóng trên VTV1, bộ phim đã gây được tiếng vang lớn và thu hút sự quan tâm của dư luận bởi những tài liệu mật được công bố. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, ê-kíp làm phim đã mất tới 1 năm tiếp cận, nghiên cứu, ghi hình tại Pháp và thêm 5 tháng làm hậu kỳ cho 50 phút phim. Chia sẻ của BTV Thu Hà - Ban Truyền hình Đối ngoại sẽ giúp khán giả hiểu hơn về tác phẩm VTV Đặc biệt này".
Chị có thể cho biết xuất phát từ đâu mà ê-kíp làm phim nảy ra ý tưởng làm phim "Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số từ nước Pháp"?
- Mong muốn giải mã những bí ẩn còn chưa được công bố về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn 1919 - 1923, chúng tôi - ê-kíp làm phim thuộc Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam gồm BTV Thu Hà, BTV Quỳnh Liên, đạo diễn hình ảnh Đức Thiện đã tìm đến Pháp để tiếp cận và khai thác những tư liệu quý này.
Khi tiếp cận với khối tài liệu được lưu trữ tại Pháp, ê-kíp sản xuất nhanh chóng tìm gặp các sử gia Pháp và Việt Nam để nghiên cứu, phân tích các dữ liệu này. Từ đó chúng tôi đã phát hiện nhiều thông tin mới về quá trình hoạt động cách mạng của Người ở Pháp. Tuy nhiên, để có thể công bố những tài liệu mới phát hiện tới khán giả, chúng tôi đã phải rất cẩn trọng khi xác minh, kiểm chứng từng thông tin.
Thẻ thư viện của Nguyễn Ái Quốc thu thập được tại Trung tâm Lưu trữ Sở Cảnh sát Pháp
Ê-kíp gặp không ít khó khăn khi bắt tay vào sản xuất bộ phim tài liệu lịch sử này. Đặc biệt là việc chắt lọc thông tin để có thể đưa tới khán giả trong thời lượng 50 phút của bộ phim. Bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số từ nước Pháp dựa vào các nguồn tài liệu theo dõi của các cơ quan An ninh Đông Dương, Cảnh sát Pháp đối với Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ năm 1919 đến năm 1955.
Số lượng tài liệu chúng tôi có thể tiếp cận lên tới 9.000 trang. Hơn nữa, mỗi một trang ghi chú, theo dõi từng hoạt động của Người mỗi ngày đều chứa đựng thông tin quý và là một tình tiết để chúng tôi có thể nghiên cứu và truyền tải trong bộ phim.
Do thời lượng có hạn, ê-kíp chỉ tập trung phân tích sâu giai đoạn 1919 - 1923 vì riêng giai đoạn này, hồ sơ theo cũng đã gần 1.000 trang. Riêng việc đọc, nghiên cứu từng câu từ, sắc thái biểu đạt trên hồ sơ gốc bằng tiếng Pháp cũng chiếm rất nhiều thời gian. Sau đó, chúng tôi lại phải đối chiếu thông tin thu thập được với các công trình nghiên cứu về Người. Nếu thấy điểm khác biệt, ê-kíp lại tiếp tục lần mò cho tới khi tìm được câu trả lời cuối cùng của vấn đề.
Có thể nói việc đào sâu nghiên cứu là yếu tố quan trọng giúp chúng tôi hình thành ý tưởng của bộ phim. Thật may mắn, chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ từ những cố vấn đầy kinh nghiệm của cả Việt Nam và Pháp.
Một cảnh phim được đoàn làm phim tái hiện
Như vậy, tài liệu gốc về Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là hồ sơ quan trọng để ê-kíp tham khảo và tìm hiểu về hành trình "đi tìm hình của Nước" của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Đúng vậy! Bộ phim tài liệu này là góc nhìn khách quan dựa trên những tài liệu được ghi chép lại bởi các mật thám Pháp, cảnh sát Pháp và các đơn vị được phân công theo dõi hành động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp cho tới khi Người trở thành Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thực ra, nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam và nước ngoài đã tiếp cận nguồn tài liệu theo dõi hoạt động Người giai đoạn 1919 - 1955 tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp, vùng Aix en Provence. Tuy nhiên, phần lớn là các tài liệu "sao chép" nội dung từ các đơn vị an ninh, quản lý người nhập cư Đông Dương của Pháp chuyển về lưu trữ. Rất ít trong số đó là tài liệu gốc.
Phỏng vấn nhà nghiên cứu Dominique de Miscault
Điểm mới của ê-kíp làm phim là chúng tôi không chỉ dừng phạm vi tìm kiếm tại Trung tâm Lưu trữ tại Aix en Provence mà đã mở rộng việc tiếp cận vào các Trung tâm lưu trữ khác của Pháp, trong đó là nguồn lưu trữ của Cảnh sát Pháp. Thật may mắn, ngoài việc được tiếp cận trực tiếp một số tài liệu gốc, chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều tài liệu lưu trữ mới về Bác mà chưa nhiều người biết tới. Ví dụ tấm thẻ căn cước của Bác được cấp tại Pháp với những khám phá giá trị mà khán giả sẽ được tìm hiểu trong bộ phim.
Được biết, trên đất Pháp, ngoài những khó khăn khi nghiên cứu, đối chiếu các nguồn tài liệu, ê-kíp làm phim còn mất khá nhiều thời gian để thuyết phục chuyên gia đồng ý trả lời phỏng vấn và ghi hình tại các đơn vị hành chính. Chị có thể cho biết rõ hơn…?
- Có thể nói, may mắn lớn nhất của chúng tôi là có thể mời được những sử gia hàng đầu của Pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh tham gia bộ phim này. Phần lớn họ đều đã lớn tuổi và một số đã lui về "ở ẩn". Chúng tôi đã rất kiên trì tìm kiếm cách thức liên lạc cũng như thuyết phục họ trả lời phỏng vấn.
Phỏng vấn nhà sử học Pierre Brocheux
Lúc đầu, chúng tôi liên hệ bằng email nhưng có những người không dùng thư điện tử. Khi ê-kíp gọi điện thoại từ Việt Nam sang liên hệ thì họ lại không nhấc máy hoặc từ chối trả lời phỏng vấn. Có người nhận lời rồi, nhưng khi ê-kíp sang Pháp lại từ chối. Thật may mắn, đúng hơn là nhờ sự nhẫn nại mà cuối cùng ê-kíp đã thuyết phục thành công và phỏng vấn được tất cả các chuyên gia Pháp đó, cho dù bị từ chối nhiều lần.
Còn về thủ tục hành chính, bối cảnh ghi hình bộ phim liên quan tới nhiều địa điểm hành chính công và các khu vực cần đảm bảo an ninh. Các thủ tục cấp phép ghi hình của Pháp mất khá nhiều thời gian. Dự kiến là một chuyện và thực tế lại là chuyện khác. Nhiều địa điểm ghi hình đã phát sinh khi chúng tôi tìm ra manh mối mới được ghi trong tài liệu. Việc xoay xở xin cấp phép tại hiện trường phải chạy đua với thời gian. Ví dụ khi tìm được đúng toạ độ con tàu chở Nguyễn Ái Quốc cập cảng Marseille (vốn là khu vực cấm dân sự), chúng tôi đã xin được giấy phép trong 2 giờ đồng hồ. Khi đến lấy giấy phép, người quản lý còn nói với chúng tôi: "Đây là điều chưa từng có tiền lệ tại cảng khi cấp phép ghi hình cho báo chí trong thời gian quá ngắn. Các bạn thật sự may mắn!".
Thủ pháp tái hiện được sử dụng để tăng tính hấp dẫn cho bộ phim
Trong tháng 5 năm này, bộ phim sẽ trở lại khung giờ VTV Đặc biệt đúng dịp 19/5 - kỷ niệm 128 năm ngày sinh Bác Hồ. Nhân sự kiện này, chị có muốn chia sẻ thêm điều gì không?
- Chúng tôi là những nhà báo vô cùng may mắn khi được Lãnh đạo Đài THVN và đơn vị tin tưởng giao thực hiện bộ phim này. Ngay từ đầu, từng thành viên trong nhóm xác định đây là nhiệm vụ đầy thách thức. Tuy nhiên, sự kiên trì, không bỏ cuộc trong suốt quá trình làm phim đã mang lại cho chúng tôi những kiến thức nghề nghiệp hữu ích chỉ có thể thu được thông qua trải nghiệm thực tế.
Tuyệt vời hơn cả là một phần kho tư liệu quý về Bác (thông qua ghi chép của người Pháp) mà chúng tôi tìm kiếm được đã đến được với đông đảo khán giả của VTV một cách khách quan và chân thực nhất. Ngoài ra, nhờ quá trình khai thác sâu khối tài liệu lưu trữ của Pháp, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu và "ấp ủ" cho ra đời những bộ phim tài liệu đặc biệt về cộng đồng người Việt tại Pháp trong những năm tới.
Nguồn: https://vtv.vn/truyen-hinh/nguyen-ai-quoc-an-so-tu-nuoc-phap-chuyen-bay-gio-moi-ke-2018051608370267.htm
0 Nhận xét