Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

19:59 |

 

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

BAN TỔ CHỨC

*

Số 12-HD/BTCTW

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2018

 

HƯỚNG DẪN

Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

 

Thực hiện Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, bí thư chi bộ và đảng viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ. Phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

2. Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương về sinh hoạt chi bộ; tăng cường lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.

3. Chi ủy phải chuẩn bị tốt và thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên, phù hợp với tình hình, đặc điểm của chi bộ; nâng cao hiệu quả lãnh đạo thực hiện nghị quyết của chi bộ. Mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và bí thư chi bộ phải nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ, giữ gìn đoàn kết thống nhất, tình yêu thương đồng chí, tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong các buổi sinh hoạt và thực hiện tốt nhiệm vụ được chi bộ phân công.

II. NỘI DUNG

1. Công tác chuẩn bị và các bước sinh hoạt chi bộ

1.1. Công tác chuẩn bị

a) Đối với sinh hoạt thường kỳ

- Bí thư hoặc phó bí thư chi bộ chuẩn bị nội dung sinh hoạt, dự thảo nghị quyết (nếu có) hoặc dự kiến nội dung kết luận của buổi sinh hoạt.

- Họp chi ủy (bí thư, phó bí thư ở những nơi không có chi ủy) để thống nhất nội dung sinh hoạt, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo của chi bộ trong tháng, dự kiến nhiệm vụ của tháng tiếp theo; xác định những nội dung trọng tâm cần trao đổi, thảo luận, biểu quyết tại chi bộ; cho ý kiến về dự thảo nghị quyết (nếu có).

- Thông báo thời gian, địa điểm, nội dung sinh hoạt chi bộ đến đảng viên và cấp ủy viên cấp trên được phân công theo dõi chi bộ. Chi bộ có điều kiện gửi trước tài liệu sinh hoạt cho đảng viên để nghiên cứu, chuẩn bị nội dung phát biểu ý kiến.

b) Đối với sinh hoạt chuyên đề

- Hằng năm, chi bộ xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề để tổ chức thực hiện và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.

- Chi bộ phân công đảng viên có khả năng biên tập, am hiểu nội dung liên quan đến chuyên đề để chuẩn bị bằng văn bản. Đối với chi bộ do điều kiện khó khăn không thể chuẩn bị chuyên đề sinh hoạt bằng văn bản, cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cách thức sinh hoạt nhưng phải bảo đảm chất lượng.

- Bí thư chi bộ trao đổi về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp thực hiện chuyên đề với đảng viên được phân công. Dự thảo chuyên đề phải được chi ủy hoặc bí thư chi bộ thông qua và gửi cho đảng viên trước khi tổ chức sinh hoạt.

1.2. Các bước sinh hoạt chi bộ

a) Mở đầu

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu (nếu có).

- Cử thư ký ghi biên bản sinh hoạt chi bộ.

- Thông báo tình hình đảng viên: Số đảng viên có mặt, vắng mặt (có lý do, không có lý do).

- Thông qua nội dung, chương trình sinh hoạt chi bộ.

b) Tiến hành sinh hoạt

(1) Đối với sinh hoạt thường kỳ

- Bí thư chi bộ báo cáo nội dung sinh hoạt đã được chi ủy chuẩn bị và gợi ý thảo luận.

- Đảng viên phát biểu ý kiến, tập trung trao đổi, thảo luận nội dung trọng tâm liên quan trực tiếp đến hoạt động của chi bộ; tự phê bình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; góp ý, phê bình đối với đảng viên trong chi bộ.

- Bí thư chi bộ cung cấp thông tin và định hướng để làm rõ những vấn đề đảng viên quan tâm, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, khuyến khích đảng viên tham gia đóng góp ý kiến để buổi sinh hoạt đạt hiệu quả.

(2) Đối với sinh hoạt chuyên đề

- Bí thư chi bộ nêu mục đích, yêu cầu buổi sinh hoạt chuyên đề.

- Đảng viên được phân công chuẩn bị, trình bày dự thảo chuyên đề.

- Các đảng viên phát biểu, nêu nhận thức của cá nhân đối với chuyên đề và tác dụng của chuyên đề đối với bản thân; liên hệ với chi bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương; trao đổi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo chuyên đề.

- Đảng viên được phân công chuẩn bị chuyên đề tiếp thu ý kiến tham gia để hoàn thiện. Chuyên đề sau khi hoàn thiện phải gửi đảng viên trong chi bộ (chi bộ đông đảng viên có thể gửi tới tổ đảng) để nghiên cứu, học tập và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp.

c) Kết thúc

(1) Đối với sinh hoạt thường kỳ

Bí thư chi bộ thực hiện các nội dung chủ yếu sau:

- Tổng hợp các ý kiến phát biểu tại buổi sinh hoạt; những ý kiến tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện nội dung sinh hoạt chi bộ; phân công nhiệm vụ cho đảng viên và quy định thời gian hoàn thành.

- Định hướng tư tưởng đối với đảng viên; giải quyết hoặc phản ánh với cấp có thẩm quyền về tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của đảng viên.

- Thông qua nghị quyết hoặc kết luận.

- Đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt.

- Thư ký trình bày biên bản sinh hoạt chi bộ.

(2) Đối với sinh hoạt chuyên đề

Bí thư chi bộ đánh giá việc chuẩn bị, chất lượng của chuyên đề; ý nghĩa, tác dụng của chuyên đề đối với chi bộ, đảng viên. Kết luận các nội dung cần tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện dự thảo chuyên đề.

Không tổ chức sinh hoạt chuyên môn lồng ghép với sinh hoạt chi bộ. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề không thay thế sinh hoạt chi bộ thường kỳ; nếu chi bộ khó khăn về thời gian, địa điểm có thể kết hợp sinh hoạt chuyên đề với sinh hoạt chi bộ thường kỳ trong cùng một buổi, nhưng phải thực hiện lần lượt, sinh hoạt thường kỳ xong mới sinh hoạt chuyên đề hoặc ngược lại.

 2. Nội dung sinh hoạt chi bộ

2.1. Đối với sinh hoạt thường kỳ

Căn cứ Điều lệ Đảng, định hướng của cấp trên, tình hình, đặc điểm của chi bộ và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, hằng tháng chi bộ sinh hoạt gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Về công tác chính trị, tư tưởng

- Lựa chọn những nội dung thời sự trong nước, quốc tế, các vấn đề của địa phương, cơ quan, đơn vị sát với tình hình và phù hợp chức năng, nhiệm vụ của chi bộ để phổ biến, trao đổi.

- Thông báo kịp thời chủ trương, các văn bản của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần phổ biến đến chi bộ.

- Đánh giá tình hình tư tưởng của đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ; những vấn đề chi bộ cần quan tâm. Kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng cho đảng viên.

b) Về thực hiện nhiệm vụ chính trị

- Đánh giá kết quả công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tháng của chi bộ và việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; chỉ rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân để đề ra biện pháp khắc phục.

- Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Đảng viên, nhất là người đứng đầu liên hệ, đánh giá việc thực hiện nội dung đã cam kết theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; về chống chạy chức, chạy quyền và chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa rời quần chúng.

- Kết quả lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội.

- Xác định nhiệm vụ của chi bộ tháng tiếp theo và biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho đảng viên.

2.2. Đối với sinh hoạt chuyên đề

Căn cứ chỉ thị, nghị quyết và định hướng của cấp trên, tình hình, đặc điểm của chi bộ, mỗi quý ít nhất một lần chi bộ tổ chức sinh hoạt theo các nhóm vấn đề sau:

- Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên.

- Về các giải pháp nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

- Về triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ.

- Về các giải pháp phòng, chống, khắc phục, sửa chữa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong chi bộ.

- Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị, chi bộ.

- Về giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của địa phương, cơ quan, đơn vị cho cán bộ, đảng viên.

- Những nội dung khác theo đặc điểm của từng loại hình chi bộ.

3. Khung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ

Một số tiêu chí khung để làm cơ sở ban hành tiêu chí đánh giá một buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ đạt chất lượng gồm:

3.1. Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ

Đảng viên dự sinh hoạt đạt tỷ lệ trên 85% và không có đảng viên vắng mặt không có lý do hoặc đảng viên vắng mặt có lý do quá 03 lần liên tiếp trong năm (trừ trường hợp được miễn công tác, sinh hoạt đảng theo quy định và đảng viên trong lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ đặc biệt).

3.2. Công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ

- Bí thư hoặc phó bí thư chi bộ trực tiếp chuẩn bị nội dung sinh hoạt.

- Họp chi ủy (bí thư, phó bí thư ở những nơi không có chi ủy) trước khi sinh hoạt chi bộ.

- Nội dung sinh hoạt được chuẩn bị đúng, đủ theo hướng dẫn của cấp ủy cấp trên; xác định được nội dung trọng tâm cần trao đổi, thảo luận để chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, nhất là những vấn đề mới nổi lên có tính cấp bách ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Xây dựng dự thảo nghị quyết của chi bộ.

3.3. Tổ chức sinh hoạt chi bộ

- Thời điểm tổ chức sinh hoạt đúng quy định của cấp ủy có thẩm quyền.

- Thực hiện đầy đủ nội dung, trình tự buổi sinh hoạt chi bộ theo quy định. Phương pháp điều hành của người chủ trì linh hoạt, hiệu quả.

- Có biểu dương đảng viên tiêu biểu trong tháng; nhắc nhở, phê bình đảng viên chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảng viên không thực hiện đúng cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm hoặc có khuyết điểm trong thực hiện chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và cấp ủy cấp trên nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật (nếu có).

- Có nhiều đảng viên tham gia phát biểu ý kiến.

- Thời gian sinh hoạt chi bộ: Phải bảo đảm từ 90 phút trở lên. Nếu kết hợp sinh hoạt chuyên đề với sinh hoạt chi bộ thường kỳ trong cùng một buổi thì phải bảo đảm thời gian tối thiểu 120 phút. Đối với chi bộ có quá ít đảng viên thì cấp ủy có thẩm quyền quy định cụ thể thời gian sinh hoạt.

- Sổ biên bản sinh hoạt chi bộ ghi chép đầy đủ diễn biến của buổi sinh hoạt và được lưu giữ, bảo quản lâu dài để làm tài liệu tham khảo, giáo dục truyền thống cho đảng viên.

3.4. Thực hiện nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng

- Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ.

- Chi ủy, đảng viên nghiêm túc, thực sự cầu thị khi tự phê bình và phê bình.

- Sinh hoạt bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu. Cương quyết chống bệnh thành tích, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. 

3.5. Kết quả lãnh đạo thực hiện kết luận hoặc nghị quyết của chi bộ

Kết luận hoặc nghị quyết của chi bộ được lãnh đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ Chỉ thị số 10-CT/TW, Kết luận số 18-KL/TW của Ban Bí thư, Hướng dẫn này và tình hình thực tế, các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, cụ thể hóa một số nội dung chủ yếu sau:

1. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương ban hành tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng sinh hoạt đối với từng loại hình chi bộ theo các mức độ (tốt, khá, trung bình, kém) làm cơ sở để các chi bộ phấn đấu, cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên kiểm tra, giám sát, đánh giá, xếp loại chất lượng chi bộ, đảng viên hằng năm; quy định về trách nhiệm và phân công cấp ủy viên, cán bộ các ban xây dựng đảng các cấp trong việc dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt chi bộ thuộc phạm vi lãnh đạo của cấp ủy; hướng dẫn nội dung sinh hoạt thường kỳ, định hướng việc sinh hoạt chuyên đề phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình chi bộ và nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn, bảo đảm tính toàn diện, phong phú, thiết thực, hiệu quả.

2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Ban Bí thư tại Kết luận số 18-KL/TW để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm; xử lý nghiêm chi bộ, đảng viên vi phạm nguyên tắc và chế độ sinh hoạt chi bộ. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ chi ủy viên, bí thư chi bộ; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, tọa đàm về kỹ năng chuẩn bị, điều hành sinh hoạt cho chi ủy, bí thư chi bộ; kịp thời nhân rộng những chi bộ tiêu biểu có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, đạt kết quả tốt trong nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích.

3. Các cấp ủy, tổ chức đảng lấy kết quả nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên; hằng năm, phải sơ kết, tổng kết việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với sơ kết, tổng kết công tác xây dựng Đảng để rút kinh nghiệm và báo cáo cấp trên theo phân cấp. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ về Ban Tổ chức Trung ương trước ngày 01/4 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Ban Bí thư.

Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 02/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương.Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cấp ủy kịp thời phản ánh về Ban Tổ chức Trung ương.

 

 

K/T TRƯỞNG BAN

PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC

(Đã ký)

Nguyễn Thanh Bình






Xem thêm…

Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc (1-5-1951)

00:09 |

 


Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc (1-5-1951)

C.B.

Báo Nhân dân, số 6, ngày 1-5-1951.

          Tuyên ngôn của Đảng nói:

          “Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hǎng hái nhất, cách mạng nhất”. Và: “Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài nǎng”.

          Hai câu ấy đủ đập tan những lời bịa đặt đê hèn của bọn đế quốc và lũ phản động. Chúng thường vu rằng: những đảng theo chủ nghĩa Mác – Lênin xem khinh trí thức.

          Thật ra, chính bọn chúng lợi dụng trí thức, nô dịch trí thức và áp bức trí thức. Những người đại trí thức, thí dụ như ông Quyri (Curie) bị Chính phủ Mỹ “tẩy chay”, bị Chính phủ Pháp cất chức. Đó là chứng cớ rõ ràng.

          Chỉ có giai cấp công nhân mới thật yêu chuộng trí thức. Những người lao động trí óc được đặc biệt trọng đãi ở Liên Xô và ở các nước dân chủ mới. Đó cũng là chứng cớ rõ ràng.

          Lao động trí óc là ai? Là thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, vǎn nghệ, những người làm bàn giấy, v.v..

          Nhiệm vụ của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam hiện nay là kháng chiến và kiến quốc.

          Để hoàn thành nhiệm vụ ấy, ngoài việc quân sự ắt phải phát triển kinh tế. Cho nên cần có những người chuyên môn thông thạo về công nghệ và nông nghiệp.

          Cần phát triển giao thông vận tải, cho nên cần có những kỹ sư thông thạo về việc đắp đường, bắc cầu.

          Cần giữ gìn sức khoẻ của dân, cho nên cần có thầy thuốc.

            Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành hoạt động, cho nên cần có thầy giáo, v.v..

          Do đó, lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội.

          Ngày nay, chúng ta phải làm hai việc nhằm một mục đích:

          Một là đào tạo những trí thức mới trong công nông.

          Hai là cải tạo những trí thức hiện có.

          Dùng hai chữ “cải tạo” thì không khỏi mếch lòng những bạn trí thức quá giàu lòng tự ái. Nhưng chúng ta phải thật thà nhận rằng: về chuyên môn và trong mức nào đó, thì anh chị em trí thức khá. Song vì ngày trước, anh chị em đã bị giáo dục trong đường lối và khuôn khổ thực dân và phong kiến, cho nên tư tưởng và lề lối làm việc của anh chị em không khỏi ảnh hưởng của thực dân và phong kiến. Điều đó không phải lỗi tại anh chị em. Dù sao, thoát khỏi cái xiềng xích của ảnh hưởng ấy thì tài nǎng của trí thức ta sẽ tiến bộ vượt bực, sẽ rất ích lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì nó sẽ hợp với nhiệm vụ mới, tinh thần mới, xã hội mới của nước ta.

            Muốn đạt mục đích ấy, trí thức ta cần cải tạo tư tưởng, sửa đổi lề lối làm việc.

          Đào tạo trí thức mới.

          Cải tạo trí thức cũ.

          Công nông trí thức hoá.

          Trí thức công nông hoá.

          Nghĩa là công nông cần học tập vǎn hoá để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gũi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông.

          Đó là nhiệm vụ chung và cần kíp, mà chúng ta phải cùng nhau cố gắng làm cho kỳ được.


Được tạo với Padlet
Xem thêm…

Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam thập niên 60

06:23 |

 Làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam rầm rộ trong lòng nước Mỹ và nhiều nước khác đã truyền đi thông điệp phản chiến mạnh mẽ những năm 60 và đầu 70, là một trong các nhân tố quan trọng dẫn đến kết thúc cuộc chiến cách đây tròn 40 năm.

Một nhóm sinh viên nữ tại Đại học California, Berkeley, Mỹ, biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Phần lớn phong trào chống chiến tranh bắt đầu từ các trường đại học với các tổ chức như Sinh viên vì một Xã hội Dân chủ (SDS). Ảnh: history.com

Mark Rudd, từ Đại học Columbia, tổ chức cuộc biểu tình sinh viên năm 1968, dẫn đến việc chiếm đóng 5 tòa nhà chính quyền và khiến trường phải tạm ngừng hoạt động. Ảnh: history.com

Ngày 15/11/1969, hơn 500.000 người đổ xuống đường ở Washington, D.C., tham gia một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Mỹ. "Một đội quân bất bình lớn nhưng ôn hòa ​​di chuyển qua thành phố", tờ New York Times vào thời điểm đó đưa tin về sự kiện này. Ảnh: history.com

Ngày 30/4/1970, Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố cần điều thêm 150.000 lính đến Việt Nam, dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn tại các trường đại học trên khắp nước Mỹ. Ảnh: history.com

Tại Đại học Kent State ở Ohio, Cảnh vệ Quốc gia đối đầu những người biểu tình sau khi một tòa nhà bị đốt cháy. Lực lượng cảnh vệ nổ súng vào sinh viên, khiến 4 người thiệt mạng và làm 8 người bị thương. Ảnh: history.com

Những nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn trong một cuộc biểu tình phản đối Mỹ ở Stockholm, Thụy Điển năm 1965. Ảnh: Holger Ellgaard

Biểu tình tại Vancouver, Canada năm 1968. Ảnh: John Hill

Đoàn người xuống đường trong thời tiết giá rét để biểu tình tại Lund, Thụy Điển. Ảnh: Wiki

Ba người đàn ông đeo biển "Mỹ, hãy ra khỏi Việt Nam" đứng trước Lãnh sự quán Mỹ tại The Hauge, Hà Lan năm 1967. Ảnh: Nationalarchivebot

Hàng nghìn sinh viên Đại học Washington, Mỹ chiếm đóng một đường cao tốc ngày 5/5/1970. Ảnh: Tomhayden

Cảnh sát xử lý một cuộc biểu tình tại Đại học George Washington năm 1971. Ảnh: history.com

Cựu binh tại Washington D.C. phản đối cuộc chiến ở Đông Dương bằng cách vứt huy chương và đồng phục của họ qua hàng rào trước tòa nhà quốc hội Mỹ Capitol. Ảnh: history.com

Năm 1965, khoảng 50 giảng viên đại học tại Michigan, Mỹ tổ chức một diễn đàn để phản đối chiến tranh Việt Nam. 3.000 người tham dự sự kiện này với các hoạt động gồm tranh luận, thuyết giảng và biểu diễn âm nhạc, tất cả nhằm mục đích giáo dục cộng đồng về hòa bình.

"Điều thấy được từ sự kiện này là chúng ta có thể làm nên khác biệt chỉ trong một đêm", Giáo sư triết học Frithjof Bergmannm, nhà tổ chức chính của hoạt động nói. Trong ảnh, giáo sư Frithjof Bergmann (phải) và nhà hoạt động Alan Haber hồi tháng ba tham dự lễ kỷ niệm 50 năm tổ chức sự kiện này. Ảnh: Michigandaily

 

Ngày 17/3/1968, khoảng 80.000 người biểu tình tại quảng trường Trafalgar, Anh phản đối chiến tranh tại Việt Nam và việc chính phủ Anh hỗ trợ Mỹ. Ảnh: lib.berkeley.edu

Tariq Ali (phải), lãnh đạo Phong trào Việt Nam Đoàn kết tại Anh, và nữ diễn viên Vanessa Redgrave thông báo với người biểu tình rằng họ sẽ đưa thư phản đối đến Đại sứ quán Mỹ. Ảnh: home.bt.com 

Hai người sau đó dẫn đầu khoảng 8.000 người biểu tình đến trước cửa Đại sứ quán Mỹ, nơi được hàng trăm cảnh sát bao quanh bảo vệ. Nhóm của Redgrave được phép chuyển thư, nhưng đám đông bị chặn lại. Cảnh sát dùng đất đá, pháo và bom khói để giải tán đám đông. Khoảng 300 người bị bắt giữ, hơn 50 người biểu tình và 25 cảnh sát phải nhập viện. Ảnh: The Guardian

Lá cờ Mỹ với biểu tượng phản chiến được giơ cao trong cuộc biểu tình ở Washington D.C. Ảnh: history.com

Jan Rose Kasmir, vào thời điểm đó là học sinh cấp ba, tham gia cuộc diễu hành đến Lầu Năm Góc để phản đối chiến tranh Việt Nam tháng 10/1967. Hình ảnh cô cầm hoa đứng trước hàng cảnh vệ được nhiếp ảnh gia người Pháp Marc Riboud ghi lại đã trở thành biểu tượng của phong trào phản chiến.

"Cô ấy chỉ nói chuyện, cố gắng thu hút sự chú ý của những người lính, có thể là đang cố gắng trò chuyện cùng họ", Riboud nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2004. "Tôi có cảm giác là những người lính còn sợ cố ấy hơn cô ấy sợ những lưỡi lê".



Xem thêm…


Thế hệ Hồ Chí Minh | Ban Quản lý Lăng Bác | Bảo tàng Hồ Chí Minh | Học viện Chính trị Quốc gia |